Triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi
UBND tỉnh ban hành công điện 15/CĐ-CT ngày 30/6/2025 về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi thú y, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã xảy ra 324 ổ DTLCP tại các tỉnh, thành phố làm mắc bệnh, chết và tiêu hủy 14.116 con lợn các loại. Tại Cao Bằng, từ ngày 1/1/2025 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 42 ổ dịch DTLCP, đã làm mắc bệnh, chết và tiêu húy 5.997 con lợn các loại (gồm 1.351 con lợn nái, 4.646 con lợn thịt), với trọng lượng tiêu hủy 261.777 kg của 1.142 hộ chân nuôi. Hiện nay, toàn tỉnh còn 35 xã (cũ) có dịch chưa qua 21 ngày; dịch bệnh tiếp tục có chiều hướng gia tăng nhanh và diễn biến phức tạp.
Nguyên nhân chính làm dịch bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan là: Cấp ủy, chính quyền cấp xã ở một số nơi chưa thực sự quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch, lơ là trong việc chỉ đạo, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn người dân thực hiện công tác phòng, chống dịch theo quy định; hộ chăn nuôi lợn chưa chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y tối thiểu trong phòng, chống dịch bệnh (chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ không đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học); có hiện tượng bán chạy lợn trong ổ dịch, vứt xác lợn chết mắc dịch ra sông, suối làm lây lan dịch bệnh kéo dài; tại các ổ dịch cũ mầm bệnh vẫn còn lưu hành, tồn tại trong môi trường, khi gặp điều kiện thời tiết thay đổi, sức đề kháng của vật nuôi giảm làm phát sinh dịch bệnh; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin DTLCP cho đàn lợn thịt còn thấp so với kế hoạch đề ra...
Để sớm kiểm soát các ổ dịch, ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho người chăn nuôi và phát triển ngành chăn nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành liên quan và UBND cấp xã (mới) tập trung, triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh.
UBND cấp xã (mới) tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến người chăn nuôi về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP, hiệu quả của việc phòng bệnh bằng vắc xin trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ngay tại cơ sở.
Chỉ đạo, phối hợp lực lượng Công an, Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán lợn trong vùng có dịch, vứt xác lợn và các sản phẩm từ lợn ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.
Thực hiện rà soát, quản lý chặt chẽ các hộ kinh doanh, giết mổ lợn trên địa bàn theo quy định; tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các chợ thuộc địa bàn quản lý.
Về biện pháp kỹ thuật, tổ chức thành lập ngay các tổ phòng, chống dịch tại địa bàn các xóm có dịch, túc trực 24/24h thực hiện kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch, xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, động vật chết, tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh, giải quyết dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ở dịch mới.
Chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh từ cơ sở, nhất là tại các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, vận chuyển lợn ra, vào vùng dịch, không thực hiện tiêu hủy và vứt xác lợn ốm, chết ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan ra diện rộng, bùng phát dịch.
Khẩn trương rà soát, thống kê tổng đàn lợn hiện có, tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn...; khoanh vùng dịch bệnh và xây dựng kế hoạch, phương án bố trí nguồn lực để tổ chức đồng bộ các giải pháp chống dịch.
Thực hiện việc quản lý giết mổ lợn trong vùng dịch theo quy định tại Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 7/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP, giai đoạn 2020 - 2025 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chuyên ngành Trung ương, của tỉnh. Chủ tịch UBND các xã, phường chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả tiêm phòng, công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn được giao quản lý.
Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các địa phương chủ động giảm sát tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo, chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch. Chủ động cung cấp đầy đủ vắc xin tiêm phòng, hóa chất phun khử trùng tiêu độc để khống chế dịch bệnh và báo cáo định kỳ theo quy định. Tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc, phối hợp với các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn theo quy định, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại cơ sở, tổng hợp, phân tích, dự báo nguy cơ dịch bệnh để kịp thời tham mưu UBND tỉnh các giải pháp phòng, chống dịch...