Trẻ em Singapore ngày càng béo

Các bác sĩ ở đảo quốc sư tử đang chứng kiến nhiều trẻ em thừa cân hơn vì lối sống ít vận động. Điều này gây nên lo ngại trong bối cảnh dịch bệnh.

Là người theo dõi khả năng phục hồi tại nhà của trẻ em mắc Covid-19 trong đại dịch, bác sĩ Lim Yang Chern của Trung tâm Nhi khoa Thomson nhận thấy tỷ lệ trẻ bị thừa cân đáng lo ngại.

Anh hay hỏi cân nặng của bệnh nhi vì liều lượng thuốc thường dựa vào đó.

Theo ước tính của Lim, khoảng 1/5 trẻ em mà anh gặp bị thừa cân (chỉ số khối cơ thể BMI nằm trên bách phân vị thứ 85) hoặc tệ hơn là béo phì (BMI nằm trên bách phân vị thứ 95). Một học sinh tiểu học thậm chí còn bị béo phì nghiêm trọng, tức BMI cao hơn 99% trẻ cùng tuổi.

Những gì Lim thấy tại phòng khám của mình phản ánh dữ liệu quốc gia và điều đó khiến anh lo lắng. Khoảng 13% học sinh Singapore bị béo phì vào năm 2017, tăng từ 11% vào năm 2013, theo Điều tra Sức khỏe Dân số Quốc gia của Bộ Y tế khi dữ liệu về tình trạng béo phì ở trẻ em được thu thập lần cuối, CNA đưa tin.

Các bác sĩ Singapore đang chứng kiến nhiều trẻ em thừa cân hơn vì lối sống ít vận động. Ảnh: iStock.

Rủi ro

Đại dịch đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em KK chứng kiến nhiều trường hợp trẻ em thừa cân hơn kể từ khi Covid-19 tấn công.

Điều này có thể xuất phát từ lối sống ít vận động hơn. Học sinh không thể hòa nhập với bạn bè trong giờ ra chơi, tham gia các hoạt động nhóm như thể dục và hoạt động ngoại khóa khi mắc kẹt ở nhà để học online.

Bác sĩ Lim nhận định trong tình hình hiện tại, điều này thật đáng lo ngại vì béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng, kể cả ở trẻ em.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Stanford (Mỹ) gần đây đã phát hiện virus SARS-CoV-2 nhắm vào các tế bào mỡ, khiến người thừa cân có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cao hơn. Các cơ chế chính xác cho mối liên quan này cần được nghiên cứu thêm nhưng thừa cân là yếu tố nguy cơ.

Một quan niệm sai lầm phổ biến của mọi người rằng trẻ béo phì chỉ là béo. Thực tế, béo phì góp phần làm mất cân bằng nội tiết tố và làm tăng khả năng kháng insulin ở bệnh tiểu đường loại 2.

Trọng lượng dư thừa còn gây sức ép cho các khớp và có thể dẫn đến viêm xương khớp. Béo phì cũng là một trong những yếu tố góp phần lớn nhất đến việc hình thành mảng bám trong mạch tim, có thể bắt đầu từ tuổi thanh niên hoặc sớm hơn, và biểu hiện muộn hơn ở tuổi trưởng thành như bệnh tim mạch vành.

Béo phì gây nên nhiều nguy cơ cho sức khỏe của trẻ em. Ảnh: Joe Tan/Reuters.

Các nghiên cứu cũng cho thấy khoảng 70% trẻ em béo phì lớn lên trong tình trạng tương tự.

“Nếu giải quyết tình trạng béo phì khi còn nhỏ, chúng ta có thể gặt hái nhiều kết quả có lợi. Nhiều người trưởng thành mà tôi biết nói rằng giảm cân giúp cuộc sống của họ được cải thiện như ngủ ngon hơn, tình trạng tiền tiểu đường và gan nhiễm mỡ được giải quyết. Họ không còn cần đến thuốc, thiết bị theo dõi hoặc thậm chí thường xuyên đến gặp bác sĩ nữa”, Lim nói.

Bên cạnh đó, về lâu dài, việc này cũng làm giảm chi phí chăm sóc sức khỏe. Một nghiên cứu được thực hiện ở Mỹ ước tính chi phí y tế của trẻ béo phì cao hơn từ 12.660 đến 19.630 USD so với trẻ có cân nặng bình thường.

Nhiều đứa trẻ béo phì mà bác sĩ Lim gặp cũng có cha mẹ, anh chị em bị thừa cân hoặc béo phì. Thông thường, họ đến từ các gia đình có thu nhập trung bình đến thấp hơn, với cả bố và mẹ đều làm việc để nuôi sống gia đình.

“Họ nói thật khó để nấu những món ăn lành mạnh. Bởi vậy, bữa ăn nhanh chóng và tiện lợi là ưu tiên”, anh nói.

Những người làm việc nhiều giờ cũng không có thời gian cũng như năng lượng cho các hoạt động bên ngoài. Tất nhiên, cũng có yếu tố di truyền vì không phải ai có lối sống không lành mạnh cũng đều bị thừa cân.

Tuy nhiên, theo Lim, không thể phủ nhận lối sống có tác động đến cân nặng của con người. Lười vận động, ăn nhiều, ăn vặt, tiêu thụ quá nhiều calo ẩn như đồ uống có đường, ăn tối muộn và ăn uống vô độ sau khi cố gắng ăn kiêng là những điều phổ biến.

Nỗ lực hơn

Những người lớn lên trong những năm 90 sẽ quen thuộc với câu lạc bộ Trim-and-Fit (TAF), hiện không còn tồn tại trong các trường học, buộc những đứa trẻ thừa cân bỏ giờ ra chơi để tập thể dục. Trong khi một số thành công được báo cáo, nghiên cứu cũng cho thấy nó có thể góp phần vào chứng rối loạn ăn uống.

Kể từ năm 2008, các trường tham khảo Khung Sức khỏe Toàn diện cho tất cả học sinh, không chỉ những em thừa cân.

Ở cấp độ chăm sóc sức khỏe cao nhất, cả hai bệnh viện nhi (NUH và KKH) đều điều hành các phòng khám tập trung vào quản lý cân nặng ở trẻ em. Đây là phương pháp tiếp cận đa lĩnh vực liên quan đến bác sĩ nhi khoa, đôi khi là bác sĩ nội tiết nhi khoa, bác sĩ dinh dưỡng, nhà trị liệu nghề nghiệp và vật lý hay nhân viên xã hội y tế.

Quản lý cân nặng thành công thường đòi hỏi phải thay đổi lối sống nhất quán và rất khó đạt được. Các phòng khám quản lý cân nặng xác định đâu là rào cản có khả năng xảy ra nhất đối với từng trường hợp cụ thể và phát triển biện pháp can thiệp có mục tiêu.

Ví dụ về những rào cản này bao gồm giáo dục kém về cân nặng bình thường, khỏe mạnh, nguy cơ béo phì, động lực kém, các vấn đề sức khỏe tâm thần đồng thời và thiếu sự hỗ trợ của gia đình.

Theo chuyên gia, vấn đề béo phì ở trẻ em nên được ưu tiên giải quyết. Ảnh: Kevin Frayer/Getty.

Bác sĩ Lim hy vọng những biện pháp can thiệp kể trên có hiệu quả và Singapore sẽ không cần đến các trại huấn luyện giảm cân kiểu quân đội như ở Trung Quốc - nơi bệnh béo phì ở trẻ em cũng trở thành mối quan tâm về sức khỏe cộng đồng ngày càng tăng. Ở đảo quốc sư tử, chỉ những thanh niên thừa cân mới phải phục vụ lâu hơn cho nghĩa vụ quốc gia.

“Chúng tôi muốn ngăn ngừa béo phì và những vấn đề sức khỏe này trước khi chúng xảy ra. Việc thực hiện những thay đổi lối sống lành mạnh khi còn nhỏ sẽ dễ dàng hơn và có thể trở thành thói quen tốt mà trẻ có thể tiếp tục thực hành khi trưởng thành. Sau này, khi trở thành cha mẹ, chúng sẽ truyền lại cho con cái”, anh nói.

Theo Lim, các chiến lược ban đầu nên nhắm đến mục tiêu tăng cân chậm hơn trước, sau đó là đạt được cân nặng hợp lý khi trẻ lớn lên.

Theo kinh nghiệm của nam bác sĩ nhi khoa, một tỷ lệ đáng kể trẻ em thừa cân xuất phát từ các gia đình có tiền sử gia đình hoặc cha mẹ bị béo phì, thuộc những tầng lớp kinh tế xã hội thấp hơn hoặc có trình độ học vấn thấp hơn. Nếu điều này có thể được xác nhận, mọi nguồn lực có thể tập trung vào đó.

Khi tài chính là rào cản, nhân viên xã hội y tế có thể giúp nhiều gia đình có thu nhập thấp. Sự hợp tác của nhiều bộ, ban, ngành có thể đưa đến hiệu quả.

Lim cho rằng một số lỗ hổng có thể được giải quyết bao gồm: Phát triển các chương trình nuôi dưỡng khả năng chơi tự nhiên của trẻ, qua đó đưa việc tập thể dục vào thói quen của chúng; nhất thiết không được kỳ thị trẻ em thừa cân vì điều này có thể dẫn đến hình ảnh tiêu cực về bản thân và chứng rối loạn ăn uống trong tương lai.

Cuộc khảo sát năm 2020 của Bộ Y tế chỉ ra rằng tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2010, với 10,5% cư dân Singapore bị béo phì.

“Hãy ưu tiên giải quyết vấn đề béo phì ở trẻ em. Ngăn chặn bao giờ cũng tốt hơn là chống lại một cuộc chiến”, Lim nói.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tre-em-singapore-ngay-cang-beo-post1287488.html