Trẻ bị sốt xuất huyết khi nào cần đưa đến viện? Cách chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà

Trẻ em bị sốt xuất huyết cũng có biểu hiện giống như người lớn, trẻ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, đau cơ, khớp. Trẻ bị sốt xuất huyết có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu trẻ có những biểu hiện dưới đây thì cần đưa trẻ đến viện ngay.

Trẻ sốt xuất huyết khi nào cần đến viện?

Theo BSCKII Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trẻ bị sốt xuất huyết có thể chỉ cần hạ nhiệt, sang ngày thứ 4 lui sốt trẻ sẽ đỡ đau đầu, bớt quấy khóc nếu diễn tiến tốt thì trẻ sẽ tỉnh táo, chơi, nghịch được.

Một bệnh nhi bị sốt xuất huyết được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời

Một bệnh nhi bị sốt xuất huyết được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời

Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ lờ đờ không chơi, không nghịch, trẻ nhỏ bỏ bú, tiểu ít… thì chắc chắn có diễn tiến nặng phải đến bệnh viện ngay.

Trẻ trong giai đoạn sốt cao sẽ có biểu hiện háo, khát, nếu cho bú trẻ vẫn bú, cho uống nước trẻ vẫn uống nhưng sau đó khi hết sốt trẻ bỏ bú thì cần đến viện ngay.

Ngoài ra, 7 dấu hiệu mất nước ở trẻ sốt xuất huyết cần cho trẻ nhập viện theo dõi gồm:

Đi tiểu ít hơn bình thường (> 6 giờ không đi tiểu)

Khóc không có hoặc ít nước mắt

Mắt trũng hơn so với bình thường

Trẻ dưới 1 tuổi có thể gặp dấu hiệu thóp trũng

Miệng, môi, lưỡi khô

Mệt nhiều, vật vã hoặc thay đổi tinh thần

Chân và tay lạnh, ẩm ướt

Cách chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà

TS.BS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý, việc hạ sốt cho trẻ sốt xuất huyết nếu sốt trên 38,5 độ C dùng paracetamol liều 10-15mg/kg/ngày. Sau 4-6 giờ nếu vẫn sốt cao thì tiếp tục cho trẻ uống hạ sốt, ngày dùng không quá 4 lần (không sử dụng các thuốc có thành phần aspirin hoặc ibuprofen để hạ sốt).

Khi bị sốt xuất huyết, trẻ sốt rất cao trong 3 ngày đầu rồi sẽ lui sốt, hầu như không có trường hợp nào sốt kéo dài đến 5-7 ngày. Vì thế, khi bị sốt cao do sốt xuất huyết, bên cạnh dùng thuốc paracetamol theo phác đồ, cha mẹ nên dùng các biện pháp vật lý như chườm ấm, cởi bỏ bớt quần áo, ăn đồ loãng như cháo, sữa... Việc này cần kiên trì, từ ngày thứ 3 - thứ 4 sốt cũng sẽ lui xuống.

Ngoài ra, trẻ cần được tăng cường bù nước do trong quá trình sốt cao, nôn, đi ngoài, ăn uống kém... dễ làm trẻ mất nước. Tốt nhất nên sử dụng nước oresol, đảm bảo dinh dưỡng, tăng cường ăn thêm rau quả...

Điều lo ngại nhất ở bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là tình trạng sốc, thường xảy ra ở pha 2 (từ cuối ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 7) khó theo dõi. Nếu bệnh nhân được can thiệp tốt ngay từ khi có dấu hiệu cảnh báo, chưa sốc thì phục hồi nhanh. Nếu không phát hiện được để diễn tiến sang sốc thì diễn biến vô cùng xấu, tỷ lệ cứu sống không được cao.

Phương Thanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tre-bi-sot-xuat-huyet-khi-nao-can-dua-den-vien-cach-cham-soc-tre-sot-xuat-huyet-tai-nha-169231128144712585.htm