Trẻ 6 tháng tuổi nguy kịch do mắc tay chân miệng

Bé nhập viện trong tình trạng tim đập nhanh, lơ mơ, hồng ban trên da. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc tay chân miệng mức độ nặng nhất.

Thông tin do Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cung cấp trưa 13/4. Bệnh nhi là bé T.V.M.N, 6 tháng tuổi, quê Đồng Tháp.

Gia đình cho biết trước nhập viện, bé sốt liên tục và nôn nhiều, hay giật mình khi ngủ nhưng nhiều phòng khám tư tại địa phương nhưng không tìm ra bệnh. Đến ngày 9/4, bé được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, cho biết vừa nhập viện, tình hình của bé trở nặng đột ngột, mạch nhanh trên 200 lần/phút. Lúc này, bé bứt rứt, lơ mơ, hai chân yếu dần, có dấu hiệu trào bọt hồng, huyết áp cao và phù phổi.

 Bé gái mắc tay chân miệng độ IV, đã qua cơn nguy kịch sau 2 ngày lọc máu. Ảnh: Phương Vũ.

Bé gái mắc tay chân miệng độ IV, đã qua cơn nguy kịch sau 2 ngày lọc máu. Ảnh: Phương Vũ.

Bệnh nhi nhanh chóng được đặt ống thở hỗ trợ thở máy. Qua xét nghiệm dịch phết họng và phết trực tràng cho thấy trẻ, các bác sĩ xác định được virus EV71, một chủng khiến bệnh tay chân miệng dễ chuyển nặng và gây viêm não.

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, huy động ê-kíp trực nhanh chóng sử dụng huyết thanh miễn dịch tiêm mạch, khẩn trương thiết lập đường truyền trung tâm, tiến hành lọc máu khẩn trong ngày cho bé. Điều này giúp lọc bớt độc chất và giảm gánh nặng cho tim.

May mắn, sau 2 ngày lọc máu liên tục, tình trạng của bé chuyển biến tích cực, mạch giảm còn 140 lần/phút, men tim hồi phục. Hiện bé tỉnh táo và được theo dõi sát tiến trình hồi phục.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra.

Tay chân miệng lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, bỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ tuổi mẫu giáo vì trẻ hay có thói quen cho tay vào miệng.

Phụ huynh lưu ý khi trẻ có biểu hiện một trong các dấu hiệu cảnh báo nặng sau, phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay, bất kể trong đêm: Sốt cao, thở bất thường, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì hoặc ngủ gà, giật mình, hốt hoảng, chới với, ngồi không vững hoặc đi loạng choạng, run tay, chân hoặc co giật, vả mồ hôi, nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, yếu tay chân, da nổi bông, vân tím hoặc xanh tái.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tre-6-thang-tuoi-nguy-kich-do-mac-tay-chan-mieng-post1203848.html