Trào lưu ôm bò để giải tỏa căng thẳng

Theo BBC, nhiệt độ cơ thể ấm và nhịp tim chậm hơn của bò được cho sẽ thúc đẩy năng lượng tích cực ở người, giúp họ hạnh phúc bằng cách tăng cường lượng hormone tình yêu oxytocin.

Trị liệu bằng cách ôm bò, thường được gọi bằng thuật ngữ "koe knuffelen”, đang trở thành trào lưu chăm sóc sức khỏe mới, giúp giảm căng thẳng và tăng năng lượng tích cực.

Bắt nguồn từ thị trấn nông thôn Reuver của Hà Lan, ôm bò đang dần phổ biến khắp thế giới, khi các trang trại lớn từ Thụy Sĩ đến Mỹ đều đang cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý đặc biệt này.

Suzanne Vullers (Mỹ) là chủ trang trại Mountain Horse Farm tại vùng ngoại ô New York. Trang trại này cung cấp dịch vụ ôm ấp bò với mức giá 75 USD cho 2 người trong 1 giờ, các trải nghiệm diễn ra 1-2 lần một ngày.

Bà Vullers kể có nhiều người sẵn sàng lái xe nhiều giờ, vượt đường xa tới đây chỉ để có được vuốt ve, chải lông, chăm sóc và ngồi cạnh những con bò. Liệu pháp tâm lý đem đến cho khách hàng cảm giác hạnh phúc và nguồn năng lượng tươi mới.

Ôm bò trở thành phương pháp trị liệu mới giúp con người giải tỏa căng thẳng, có thêm năng lượng và hạnh phúc.

Liệu pháp hạnh phúc

José van Stralen, người điều hành Farmsurvival ở Spanbroek (Hà Lan), đã bắt đầu tổ chức các buổi trị liệu bằng cách ôm bò từ cách đây 6 năm, khi ông nghe những người nông dân khác kể về nó.

“Chúng ta có thể đọc được ngôn ngữ cơ thể của những con bò. Khi mắt chúng nhắm hờ và đôi tai rủ xuống, hay nằm gục đầu vào người ôm nghĩa là chúng đang thực sự thư giãn”, ông nói với Insider.

“Đó là quá trình trao đổi năng lượng tích cực. Người ôm trở nên thư giãn khi ở cạnh cơ thể ấm áp hơn của con bò, đôi khi họ có thể kiểm soát được nhịp tim của mình. Đây là việc đôi bên cùng có lợi và thực sự mang đến trải nghiệm tuyệt vời”.

José van Stralen cho biết những người tham gia thấy việc ôm bò mang đến cho họ nhiều ý nghĩa hơn mong đợi. “Họ cảm thấy ấm áp, được chấp nhận và yêu thương, và đó cũng chính là cảm xúc họ mang tới cho những chú bò”.

Ở ngoài trời, giữa không khí trong lành và vây quanh bởi những chú bò thân thiện được xem là trải nghiệm tuyệt vời.

Theo BBC, nhiệt độ cơ thể ấm hơn, nhịp tim chậm hơn của bò được cho sẽ thúc đẩy năng lượng tích cực ở người, khiến họ hạnh phúc bằng cách tăng cường lượng oxytocin - hormone tình yêu giúp giảm căng thẳng, giảm lo âu xã hội.

Người được ôm ấp bò có nhịp tim thấp hơn và có dấu hiệu thư giãn về thể chất.

Theo một nghiên cứu năm 2007 của các nhà khoa học Pháp và Áo được công bố trên Tạp chí Khoa học Hành vi Động vật Ứng dụng, những con bò "có dấu hiệu thích thú và thư giãn khi được người khác xoa bóp hoặc vuốt ve", People đưa tin.

Cùng với đó, người ôm những con bò cũng có nhịp tim thấp hơn và có dấu hiệu thư giãn về thể chất.

Trong thực tế, các buổi ôm, vuốt ve những chú bò thường kéo dài đến 3 tiếng tùy thuộc vào trang trại. Song giống như con người, một số con bò sẽ hòa đồng hơn các con khác, và chúng sẽ bỏ đi nếu thấy không hứng thú.

Tuy nhiên, Philip Wilson, Cố vấn Đối ngoại của Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới, nói với Insider: “Mặc dù có một số lợi ích đối với con bò được ôm, nhưng đối tượng hưởng lợi chính dường như là con người”.

“Là một tổ chức phúc lợi động vật, chúng tôi lo ngại về bất kỳ căng thẳng không cần thiết nào gây ra khi tiếp xúc không mong muốn với con người, những rủi ro đối với cả động vật và người”.

“Nếu xét về lợi ích trị liệu, chúng tôi sẽ đặt câu hỏi liệu việc sử dụng động vật đồng hành như chó và mèo có hiệu quả và ít gây rủi ro hơn cho các bên hay không”.

Các phương pháp trị liệu tâm lý bằng động vật không còn xa lạ trên thế giới. Chăm sóc những vật nuôi gần gũi như chó, mèo được chứng minh giúp con người cảm thấy hạnh phúc, yêu đời hơn.

Tại Singapore, chăm sóc và chải lông cho ngựa được đưa vào chương trình trị liệu, giúp cải thiện sức khỏe tâm thần của hàng trăm người cao tuổi - những người hàng ngày đang phải chống chọi với bệnh mất trí nhớ và trầm cảm.

Trong các phương pháp trị liệu nhờ sự hỗ trợ của động vật ở Singapore, chó và mèo là hai loài phổ biến hơn, nhưng việc sử dụng ngựa đã bắt đầu tạo được sức hút trong thời gian gần đây. Mục tiêu của phương pháp này là giúp bệnh nhân phát triển các kỹ năng và cảm xúc cần thiết, thông qua những tương tác của họ với con ngựa.

"Khác với chó, mèo và cả con người - những động vật ăn thịt - ngựa luôn là con mồi vì vậy chúng rất nhạy cảm với môi trường xung quanh. Chúng có thể nhận thức và phản ứng với những thay đổi nhỏ nhất, bao gồm giọng nói, ngôn ngữ cơ thể, hành vi, cảm xúc và thậm chí sự thay đổi hóa sinh của con người", bà Jessamine Ihrcke, nhà sáng lập của Educational Riding in Singapore (Theris), cho biết.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trao-luu-om-bo-de-giai-toa-cang-thang-post1142818.html