Trao giải cuộc thi sáng tác kịch bản phim kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng
Các kịch bản không chỉ tập trung vào những cột mốc lịch sử lớn lao của Đảng mà còn quan tâm đến những con người bình dị, những nhân vật tiêu biểu của sự nghiệp cách mạng từ năm 1930 đến nay.
Chiều 1/10, tại Hà Nội đã diễn ra lễ công bố và trao giải thưởng cuộc thi "Sáng tác kịch bản phim truyện, phim tài liệu năm 2023-2024 hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2030)”.
Sau tám tháng phát động và trong hai tháng tiếp nhận kịch bản (từ 1/2/2024 đến hết ngày 1/4/2024), cuộc thi đã thu hút sự tham gia của các nhà biên kịch, nhà văn chuyên nghiệp và người viết không chuyên trên toàn quốc, trong đó có tác giả gửi hai kịch bản ở một loại hình và có kịch bản dự thi cả ở hai loại hình phim tài liệu và phim truyện; có tác giả ở độ tuổi 25-35, tác giả lớn tuổi nhất đã ngoài 80 tuổi.
Tuy nhiên, Ban Giám khảo đã không thể tìm ra giải Nhất của hạng mục Kịch bản phim truyện. Giải Nhì duy nhất trị giá 50 triệu đồng thuộc về kịch bản “Lựa chọn thiên tài” của tác giả Lê Ngọc Minh.
Ba giải Ba trị giá mỗi giải 30 triệu đồng được trao cho các kịch bản: “Mùa Xuân đầu tiên” (Nguyễn Thị Khánh Ly), “Niềm tin và tình yêu” (Đào Thùy Trang) và “Dấu chân huyền thoại” (Đoàn Tuấn).
Hạng mục Kịch bản Phim tài liệu cũng không có giải Nhất. Giải Nhì trị giá 30 triệu đồng được trao cho kịch bản “Nhà báo trẻ đi tìm nhà văn Sơn Tùng nơi ‘Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh’” của tác giả Đào Tuệ Trinh (Hà Nội).
Hai giải Ba mỗi giải trị giá 20 triệu đồng thuộc về kịch bản “Văn Cao-Đảng với đa tài, Đảng với thiên tài” (Giang Hà Vỵ-Nguyễn Hoài Giang) và “Ngôi trường xưa bên dòng sông Công” (Nguyễn Thị Mỹ Trang).
Phát biểu tại lễ tổng kết và trao giải, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho hay nội dung các kịch bản tham dự cuộc thi đã phần nào phản ánh sinh động công lao to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
“Các kịch bản không chỉ tập trung vào những cột mốc lịch sử lớn lao của Đảng mà còn quan tâm đến những câu chuyện về những con người bình dị, những nhân vật tiêu biểu của sự nghiệp cách mạng từ năm 1930 đến nay. Nhiều tác phẩm đã khắc họa sâu sắc về sự nghiệp đấu tranh của các thế hệ Đảng viên và Nhân dân Việt Nam,” ông Vi Kiến Thành nói.
Theo ông Vi Kiến Thành, có 70 kịch bản phim tài liệu và kịch bản phim truyện tham dự cuộc thi. Trong số đó, kịch bản phim tài liệu đề cập khá đa dạng lĩnh vực của đời sống, những vấn đề mới của đất nước gắn với chủ trương, đường lối và sự lãnh đạo của Đảng; mối quan hệ gắn bó của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Kịch bản phim truyện dự thi tập trung thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền cuộc đời hoạt động cách mạng của Người với cách mạng Việt Nam.
Nhiều sự kiện lịch sử trong tiến trình lãnh đạo cách mạng của Đảng đã được các tác giả đề cập, tái hiện, phản ánh vai trò lãnh đạo của Đảng với cách mạng Việt Nam.
Nhóm đề tài về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; đấu tranh phòng, chống diễn biến hòa bình; phòng, chống tham nhũng; bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa cũng được một số tác giả quan tâm xây dựng kịch bản./.