Tránh xa những mê lầm do giác quan mang lại

Những ngày qua, tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), hàng vạn người đã đổ về chiêm bái, đảnh lễ di vật được cho là 'xá lợi tóc của Đức Phật'. Theo thông tin từ website của chùa đưa ra thì đây là một trong 8 sợi tóc mà Đức Phật tự tay nhổ trên đầu mình, trao cho hai thương buôn người Myanmar hơn 2.600 năm trước. Những thông tin liên quan đến xá lợi tóc, về việc sợi tóc hàng ngàn năm vẫn có thể chuyển động đã tạo ra dư luận nhiều chiều.

Trên các nền tảng xã hội của chùa Ba Vàng liên tục trong những ngày qua có đưa thông tin về xá lợi tóc, về việc trải qua hơn 2.600 năm, sợi tóc vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí sợi tóc có thể cử động, đồng thời cho rằng: “Xá lợi tóc là vô cùng linh thiêng, cao quý; cho nên những ai dù chỉ một lần cung kính chiêm bái, đảnh lễ, cúng dường cũng được vô lượng phúc báu cho hiện đời và nhiều đời về sau. Bởi năng lực của ngài vẫn còn đang hiện diện trên thế gian này thông qua xá lợi tóc chuyển động; cho nên khi chúng ta bạch Phật thì Ngài vẫn gia hộ”. Nhiều ngày qua, hàng vạn người đã về đây để chiêm bái và đảnh lễ, song cũng không ít ý kiến nghi hoặc, thậm chí lo lắng trước hiện tượng này.

TS Hoàng Văn Chung, Viện Nghiên cứu tôn giáo, cho rằng, không có cơ sở khoa học nào để khẳng định một vật thể hữu cơ có nguồn gốc từ con người vẫn tồn tại sau hàng ngàn năm. Đức Phật cũng chỉ là một con người như chúng ta lúc còn tại thế. Do đó, việc nói “khoa học không thể giải thích được” hiện tượng này để gây thêm sự tò mò, chú ý của người dân chỉ là ngụy biện và có động cơ không trung thực.

Mặt khác, Đức Phật không muốn ai xem mình là một vị thần linh có quyền năng siêu nhiên cứu vớt hay ban cho con người sự giác ngộ. Thông điệp chính của Đức Phật như ghi lại trong kinh điển là Ngài đã tìm ra con đường đạt đến sự giác ngộ, và chỉ ra cho chúng sinh những con đường để đi đến cái đích đó. Cho nên, cần phải phân biệt rõ việc tôn kính Đức Phật như một bậc có trí tuệ và đạo hạnh cao vời với việc thần thánh hóa Ngài, thờ cúng Ngài và cầu xin những lợi ích phàm trần. Tin vào những điều không có căn cứ khoa học hay không có căn cứ trong kinh điển Phật giáo thì rõ ràng là mê tín.

Đại đức Thích Nguyên Chính, Phó Chánh văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết, hiện chưa có thông tin cụ thể từ phía chùa Ba Vàng về vấn đề liên quan tới sự việc này. Theo Đại đức, có xá lợi niềm tin và xá lợi thật của Đức Phật. Xá lợi của Đức Phật thường được các nước tôn vinh là báu vật quốc gia, khó có thể mang ra khỏi biên giới. Trước đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng từng có văn bản đề nghị Sri Lanka rước về cho bà con trong nước được chiêm bái nhưng không thực hiện được.

Chia sẻ liên quan tới việc thời gian qua, nhiều nơi, nhiều người cho rằng đến chùa xây ngoại cỡ nọ, chiêm bái báu vật hiếm có kia… sẽ được vun bồi phúc báu. TS Hoàng Văn Chung cho rằng đó chỉ là những thông tin, là kết quả của sáng tạo cá nhân có chủ ý, là lợi dụng lòng tin của người mến mộ Phật giáo. Phật giáo thực chất cảm hóa con người bằng sự chân thành, giản dị, không coi trọng vật chất, tránh xa những mê lầm do giác quan mang lại. “Chuyện hàng vạn người dồn về chiêm bái di vật được cho là xá lợi tóc Phật tại Quảng Ninh những ngày qua nếu như có dấu hiệu trục lợi, dấu hiệu của việc hoạt động tôn giáo làm ảnh hưởng đến không gian công cộng, cũng như an toàn và trật tự nơi công cộng thì chính quyền địa phương nên có biện pháp chấn chỉnh kịp thời”, TS Hoàng Văn Chung đề nghị.

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tranh-xa-nhung-me-lam-do-giac-quan-mang-lai-post720589.html