Tranh da xăm của người quá cố
Khoảng 26% dân số Mỹ có xăm hình. Thời gian gần đây, giới xăm mình xuất hiện công việc mới: Thu hồi da xăm và tái tạo thành tranh da nghệ thuật. Nó nhắm vào nhu cầu bảo quản và tưởng niệm người quá cố của tang gia.
Tranh da tưởng niệm
Năm 2019, em song sinh của Jonathan Gil (cư dân Mỹ) qua đời vì tai nạn chèo thuyền. Gil được gọi đến để nhận mặt, nhưng không dám xác thực vì diện mạo người chết đã bị hủy hoại.
Anh yêu cầu được nhìn hình xăm. Các chuyên gia khám nghiệm tử thi cho biết, thi thể em song sinh của Gil trương phình quá nghiêm trọng. Hình xăm trên da bị giãn, không thể so sánh và xác thực.
Bước đường cùng, Gil tìm tới Thomas Boyland (Giám đốc Nhà tang lễ Thomas F. Boyland ở Queens, New York) cầu cứu.
Boyland giới thiệu cho Gil đến Save My Ink Forever (SMIF), công ty cung cấp dịch vụ thu hồi da có hình xăm, phục hồi nguyên dạng và bảo quản vĩnh viễn. Công ty nằm ở Ohio (Mỹ).
SMIF là công ty mới, liên kết với các nhà tang lễ, hỏa táng trên 21 tiểu bang của Mỹ, mở rộng sang Canada và Anh. Họ nhận yêu cầu phục hồi hình xăm trên da người quá cố, chế tác thành tranh da và đóng khung bảo vệ. Sau 3 tháng kể từ khi nhận 2 mảnh da có hình xăm từ Gil, họ trao tận tay tranh da hình xăm đã được đóng khung như tác phẩm mỹ thuật cho anh và mẹ của anh.
“Mọi thứ ùa về, theo một cách kỳ lạ nhưng cũng rất an ủi. Tuy khác thường, chúng tôi đã đón được người thân quá cố trở về”, Gil chia sẻ. Anh 2 treo bức tranh da hình xăm của em song sinh trên tường, ngắm nhìn và tưởng nhớ.
Dịch vụ độc quyền
“Chúng ta đang sống trong thời đại đa dạng hình thức tưởng niệm người quá cố. Không ít người đã không tiếc tiền của, biến tro cốt thành kim cương. So với thời Victoria, khi tang quyến giữ lại tóc của thân nhân và bện vào vòng cổ, việc giữ lại phần da có hình xăm không quá lạ”, Kyle Sherwood, nhân viên bảo quản hình xăm của SMIF chia sẻ.
Với các nhà tang lễ và hỏa táng liên kết, SMIF yêu cầu liên hệ trong vòng 48 - 72 giờ. Ngay khi nhận được thông báo có khách hàng đăng ký dịch vụ, họ liền gửi bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ thủ tục và tài liệu cần thiết cho quá trình khôi phục hình xăm.
Tang quyến sẽ nhận được tranh da tưởng niệm trong vòng 3 tháng. Chuyên gia của SMIF tự sáng tạo khung tranh phù hợp với phong cách hình xăm, sử dụng kính UV chất lượng bảo tàng. Tùy theo kích thước hình xăm, giá thành dịch vụ biến động.
Hiện, SMIF là công ty duy nhất trên thế giới cung cấp, kiểm soát dịch vụ tranh da tưởng niệm. “Mỗi một nghệ nhân tranh da của chúng tôi đều là những Picasso và
Rembrandt thời nay”, Sherwood tự hào giới thiệu. Qua bàn tay của họ, hình xăm không chỉ sống lại, mà còn được bảo quản mãi mãi. Các tang quyến đều bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với SMIF, khẳng định nhờ họ mà người đã mất như vẫn ở lại bên mình.
Phạm luật?
“Tôi cho rằng, dịch vụ của SMIF rất ý nghĩa”, luật sư Tanya Marsh đánh giá. Tuy nhiên, “tôi không nghĩ pháp luật hợp pháp hóa dịch vụ này”, ông nói thêm.
Trên toàn nước Mỹ, không có quy định liên bang hoặc tiểu bang nào cho phép cắt, giữ một phần da của người chết. Luật hình sự còn quy định, lạm dụng xác chết là phạm pháp. Mọi hành vi ngược đãi, tổn hại thi thể đều bị xét là phạm luật.
Dịch vụ của SMIF dựa trên thu hồi da có hình xăm. Trên mặt pháp luật, nó vi phạm quy định cấm lạm dụng thi thể. “Chúng tôi chỉ làm việc với tang quyến đồng thuận”, Don Ferfolia, cố vấn pháp lý của SMIF, giải thích.
Hồ sơ nhận khách của họ bao gồm mẫu đơn miễn trách nhiệm pháp lý cho nhà tang lễ, tránh trường hợp dẫn tới các cáo buộc hình sự. Chỉ cần trong tang quyến có người phản đối, SMIF sẽ từ chối nhận làm tranh da hình xăm.
“Tôi nghĩ, pháp luật nên linh hoạt đối với khía cạnh này, để mọi người có thể tận dụng dịch vụ của SMIF vì mục đích tâm linh ý nghĩa”, Marsh bày tỏ sự ủng hộ. Cho đến nay, SMIF chưa hề vướng phải rắc rối nào. Công ty cũng khẳng định ưu tiên tuân thủ pháp luật lên hàng đầu, chịu trách nhiệm bồi thường nếu vi phạm pháp lý.
Theo báo cáo khảo sát của Statista năm 2021, 26% người Mỹ có ít nhất một hình xăm. SMIF tin tưởng, tranh da tưởng niệm sẽ ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Họ đang hợp tác với các nghệ sĩ công nghệ để chuyển đổi tranh da tưởng niệm sang dạng NFT (tranh kỹ thuật số).
Nói về tương lai của tranh da tưởng niệm, Sherwood tự tin có một ngày nó sẽ xuất hiện trong phòng trưng bày nghệ thuật hoặc viện bảo tàng, với tư cách hiện vật lịch sử và văn hóa. Ông dẫn chứng tại Nhật Bản, bác sĩ kiêm nhà bệnh học Masaichi Fukushi (1878 – 1956) đã tiên phong bảo quản và sưu tầm da người có hình xăm.
Khi Fukushi qua đời, bộ sưu tập của ông được hiến tặng cho Bảo tàng Bệnh học Y khoa của Đại học Tokyo. Ngày nay, các tấm da người này vẫn đang được trưng bày và nhận nhiều sự chú ý từ khắp nơi trên thế giới.
Theo Vice
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tranh-da-xam-cua-nguoi-qua-co-post601837.html