Tranh cãi về rủi ro khi Australia cho Trung Quốc thuê cảng trọng yếu 99 năm
Darwin là một trong những cảng trọng yếu của Australia và là căn cứ của lực lượng quốc phòng Australia, lính thủy đánh bộ Mỹ.
Bộ Quốc phòng Australia nói: Không rủi ro!
Trong báo cáo đánh giá rủi ro do Bộ Quốc phòng Australia thực hiện và vừa được công bố cách đây ít ngày, Bộ này một lần nữa khẳng định việc cho công ty Landbridge (Trung Quốc) thuê cảng biển Darwin thuộc Lãnh thổ phía Bắc (Northern Territory) của Australia là không tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh quốc gia.
Chính quyền Lãnh thổ Bắc Australia đã cho công ty Trung Quốc thuê cảng Landbridge từ năm 2015 với số tiền 506 triệu USD. Sau 6 năm, trong bối cảnh căng thẳng giữa Canberra và Bắc Kinh ngày càng gia tăng, Ủy ban An ninh Quốc gia Australia đã ủy thác cho Bộ Quốc phòng Australia đánh giá lại nguy cơ an ninh.
Ngoài vai trò là một cảng thương mại, Darwin còn là căn cứ của lực lượng quốc phòng Australia và lính thủy đánh bộ Mỹ. Theo thỏa thuận đã ký, Landbridge Group chỉ được phép tiếp cận đầu cuối thương mại của cảng và công ty không thể mời các chuyến thăm của hải quân nếu không có sự chấp thuận của chính phủ.
Trước đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định ông sẽ chỉ hành động về vấn đề thuê cảng theo khuyến cáo từ Bộ Quốc phòng.
Australia phải cân nhắc rất kỹ về quyết định hủy bỏ hợp đồng cho thuê cảng với Trung Quốc vì nếu thực hiện động thái đó, họ sẽ đứng trước nguy cơ bị tụt hạng trong bảng xếp hạng đầu tư của Australia cũng như phải chịu mức lãi suất lớn khi phải trả các khoản vay và tín dụng, chịu nhiều ảnh hưởng về kinh tế và chắc chắn sẽ làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa Bắc Kinh - Canberra vốn đã rất tồi tệ trong năm qua.
Chuyên gia vẫn lo ngại
Tuy nhiên về mặt an ninh, dù Bộ Quốc phòng Australia khẳng định không nhận thấy nguy cơ với hợp đồng cho thuê cảng biển trọng yếu này nhưng các chuyên gia trong nước lại có ý kiến khác.
Giáo sư về đạo đức công trường Đại học Charles Sturt - Clive Hamilton khẳng định có rất nhiều vấn đề an ninh đáng ngại.
“Nếu Bắc Kinh chỉ đạo, tất cả các công ty Trung Quốc, chắc chắn sẽ phải tham gia vào hoạt động gián điệp hoặc hành động bất chính”, ông Hamilton cho biết và nhấn mạnh “công ty Landbridge sẽ không có lựa chọn nào khác”.
Khi đó, chính phủ trung ương của Australia rơi vào thế phải cân bằng ngoại giao rất phức tạp.
“Chúng ta phải nhìn xa trong 10 năm tới và dự báo nếu xảy ra xung đột, việc để một công ty Trung Quốc sở hữu cảng chiến lược nhất của chúng ta sẽ có tác động gì”, Giáo sư Hamilton bỏ ngỏ.
Một số nghị sĩ đảng đối lập tại Australia cũng bày tỏ quan ngại về thỏa thuận này.
Thượng Nghị sĩ đảng Lao động Australia Penny Wong bỏ ngỏ: “Chúng ta sẽ cam kết với các đồng minh như thế nào khi tư nhân hóa cảng biển cho nước ngoài?”.
Trước đó Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Australia cũng kêu gọi chính phủ Australia hủy hợp đồng thuê vì cho rằng đây là tài sản quan trọng chiến lược, rất có giá trị trong trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan.
Một chuyên gia khác đề xuất chính phủ Australia nên mời các lực lượng quân sự từ Anh, Nhật Bản và Ấn Độ thiết lập sự hiện diện tại vùng lãnh thổ nơi Thủy quân Lục chiến Mỹ đã đóng quân hơn 10 năm.