Trần Quang Khải như nước hồ tĩnh lặng
Trong bức tranh dữ dội thời nhà Trần, nhất là khoảng thời gian 3 lần kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, Trần Quang Khải (1241 - 1294) như là một nét vẽ tinh tế, giàu cảm xúc, đầy thơ mộng. Con người ông từ cậu học trò đến khi giữ chức Thái sư lúc nào cũng tỏ vẻ sự trầm lặng, sự điềm tĩnh của người học rộng, tài cao, người mang trọng trách gánh vác giang sơn.
Ở đây cũng cho thấy cách dùng người hợp lý khi các vua Trần (Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông) khéo léo khi cân nhắc vị trí cua Trần Quang Khải bên cạnh vị tướng kiệt xuất là Trần Quốc Tuấn. Trong lịch sử, mọi người thường nhớ đến Trần Quang Khải như một tướng văn bên cạnh tướng võ là Trần Quốc Tuấn. Thực tế, cả hai con người này đều văn võ toàn tài. Nhưng xét riêng, Trần Quang Khải là người thiên về văn chương hơn, là nhà ngoại giao, là nhà thơ... Trần Quang Khải là Thái sư, chức lớn chỉ sau vua, còn Trần Quốc Tuấn lại là Quốc công tiết chế, tổng chỉ huy quân đội. Sự sắp xếp hợp lý này giúp cả hai phát huy hết thế mạnh của mình, giúp vua trong xây dựng và đặc biệt là bảo vệ đất nước.
Chiến công hiển hách với Chương Dương độ
Khi nói đến danh tướng Trần Quang Khải về mặt quân sự, người ta nghĩ ngay trận bến Chương Dương lừng lẫy trong tổng công kích đại phá quân Nguyên Mông ở chiến tranh Đại Việt - Nguyên Mông lần thứ 2 (năm 1285) và sau đó là bài thơ bất hủ của ông: “Tụng giá hoàn kinh sư". Nói về văn chương, Trần Quang Khải là nhà thơ đặc sắc có vị trí trong tiến trình văn học Việt Nam với tập “Lạc đạo thi tập” nay còn lưu lại 9 bài thơ.
Chiến tranh Đại Việt - Nguyên Mông lần thứ 2 có vị trí đặc biệt trong 3 cuộc chiến tranh giữa hai nước này. Trận là cuộc chiến mà quân Nguyên Mông không còn chủ quan như trận chiến lần thứ nhất, tập hợp nhiều tướng giỏi, như: A Lý Hải Nha (một viên tướng xuất sắc, làm phó cho Thoát Hoan), Lý Hằng, Khoan Triệt, Bột La Hợp Đáp Nhĩ, Toa Đô, Ô Mã Nhi, cùng các tướng người Hán là Lý Bang Hiến, Tôn Hựu, Tôn Đức Lâm, Lưu Thế Anh, Lưu Khuê, Nghê Nhuận. Lực lượng Nguyên Mông gồm 50 vạn chia làm nhiều mũi tấn công; đường bộ từ Bắc tràn xuống theo nhiều mũi, trong Nam đánh ra, thêm mũi tiến quân thủy binh.
Lực lượng nhà Trần do Trần Quốc Tuấn tổng chỉ huy cũng chia lực lượng ngăn chặn địch. Chiến tranh lần này kéo dài đến 4 tháng ròng rã từ cuối tháng 1 - cuối tháng 5/1285, nhiều trận đánh lớn xảy ra, quân nhà Trần trước sự dũng mãnh của địch những ngày đầu đã không thể ngăn chặn chúng và buộc phải rút lui để bảo toàn lực lượng, trong đó phải kể đến lần quan quân vua Trần từ Thiên Trường thoát thế gọng kìm của địch bằng cách rút về Thanh Hóa. Tuy nhiên, đọc kỹ sách sử thì quân nhà Trần dù nhiều tổn thất về lực lượng nhưng càng đánh quân lính lại càng đông. Điều này cho dự đoán kết cục của cuộc chiến phần toàn thắng thuộc về bên nào.
Toàn thắng mở ra khi quân nhà Trần mở cuộc tổng phản công, trong đó trận mở đầu lớn nhất là ở Hàm Tử - Tây Kết do Trần Nhật Duật chỉ huy.
Trần Nhật Duật sai Trần Quốc Toản về Thanh Hóa báo tin thắng trận. Quân nhà Trần quyết định đưa đại binh từ Thanh Hóa ra bắc giải phóng thành Thăng Long, Trần Quang Khải được cử làm Chánh tướng, Phạm Ngũ Lão và Trần Quốc Toản làm Phó tướng; cánh quân của Trần Nhật Duật ngăn không cho Toa Đô hợp binh được với Thoát Hoan đang ở Thăng Long.
Trần Quang Khải tấn công quân Nguyên – Mông ở Chương Dương (huyện Thường Tín), đánh cho đội quân ở đây tan tác, bỏ chạy, đốt và chiếm các chiến thuyền của địch. Sau đó, lực lượng của Trần Quang Khải cùng hợp với lực lượng khác giải phóng Thăng Long. Quân Thoát Hoan phải bỏ chạy.
Một vài dòng không thể miêu tả được chiến công lẫy lừng trong kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông lần thứ hai của nhà Trần, cũng không thể nói hết được vai trò của Trần Quang Khải trong cuộc chiến này. Nhưng Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí nhận xét về Trần Quang Khải: “Công lao thu phục được nước, ông đứng thứ nhất”.
Ngay sau khi giải phóng Thăng Long, Trần Quang Khải có bài: Tụng giá hoàn kinh sư (Theo xa giá về kinh đô): Đoạt sáo Chương Dương độ/ Cầm Hồ Hàm Tử quan/ Thái bình tu nỗ lực/ Vạn cổ thử giang san; bản dịch thơ của Trần Trọng Kim: Chương Dương cướp giáo giặc/Hàm Tử bắt quân thù/ Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy nghìn thu.
Với "Tụng giá hoàn kinh sư", Trần Quang Khải lột tả được tinh thần yêu nước của quân dân nhà Trần với khí thế hào sảng, với trách nhiệm công dân trước họa xâm lăng, tuyệt nhiên không có chút gì nói về công lao của cá nhân cả.
Con người tự tri
Trong cuộc chiến nói trên, nếu để ý kỹ thì Trần Quang Khải chịu sự điều động của Trần Quốc Tuấn, tất nhiên vị tổng chỉ huy quân đội này muốn điều động Trần Quang Khải phải thông qua vua. Điều hay là Trần Quang Khải, lúc này là Thượng tướng Thái sư, tuân thủ sự điều động này. Lần thứ nhất, ông được điều động về Nghệ An để chặn đường tấn công của Toa Đô. Lần thứ hai, ông được Trần Quốc Tuấn giữ chánh tướng đánh trận Chương Dương và giải phóng Thăng Long.
Điều này cho thấy Trần Quốc Tuấn hiểu được tài năng thực chiến của Trần Quang Khải. Nên nhớ, Trần Quang Khải lúc mới sinh thể chất yếu ớt, lớn lên thụ giáo nhà sử học, người viết bộ chính sử dầu tiên của nước ta Đại Việt sử ký là Lê Văn Hưu. Điều này cho thấy Trần Quang Khải thiên về văn chương, chữ nghĩa hơn là võ nghệ. Tuy nhiên, Trần Quốc Tuấn vẫn tin dùng ông dù trước đó đã cử Trần Kiện với 1 vạn quân trấn giữ Nghệ An.
Quan trọng hơn, Trần Quang Khải hiểu rõ bản thân mình, dù chức cao nhất trong hàng quan lại nhưng vẫn chịu sự điều động của Trần Quốc Tuấn, "người kỳ tài”, như Ngô Sĩ Liên nhận xét. Trước đó, sách sử có kể chuyện Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải “không ưa nhau” (chứ không phải thù nghét nhau, có lẽ do khác biệt về tính cách) chơi cờ với nhau trên thuyền suốt ngày (Trần Quang Khải chủ động đến thuyền của Trần Quốc Tuấn) rồi Trần Quốc Tuấn cho nấu nước lá thơm, tắm cho Trần Quang Khải.
“Quốc Tuấn nói: Hôm nay được tắm cho thượng tướng. Quang Khải cũng nói: Hôm nay được quốc công tắm cho” (Đại Việt Sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, trang 324). Hai ông từ đó, một tướng văn, một tướng võ, tình cảm chan hòa hết lòng giúp vua. Đó cũng là sự tự biết mình, tôn trọng người khác để cùng lo việc lớn.
Trong bài thơ “Xuân nhật hữu cảm” (Cảm xúc ngày xuân), Trần Quang Khải viết: Vũ bạch phì mai tế nhược ty/Bế môn ngột ngột tọa thư si/ Nhị phần xuân sắc nhàn sai quá/ Ngũ thập suy ông dĩ tự tri/ Cố quốc tâm hoàn phi điểu quyện/ Ân ba hải khoát túng lân trì/ Sinh bình đởm khí luân huân tại/ Giải đảo đông phong phú nhất thi.
Bản dịch bài thơ này của Ngô Tất Tố: Lâm râm mưa bụi gội hoa mai/ Khép chặt phòng thơ ngất ngưởng ngồi/ Già nửa phần xuân cam bỏ uổng/ Tới năm chục tuổi biết suy rồi/ Mơ màng nước cũ chim bay mỏi/ Khơi thẳm nguồn ân, cá khó bơi/Đảm khí ngày nào rày vẫn đó/ Đè nghiêng ngọn gió đọc thơ chơi!
Trong bài thơ này, Trần Quang Khải có câu: “Ngũ thập suy ông dĩ tự tri”: Ông “tự tri” mình đã 50 tuổi và sức khỏe yếu đi. Tuy nhiên, sau đó ông cũng tự thấy: “Sinh bình đởm khí luân huân tại”, nghĩa là ông biết hùng khí nơi con người mình vẫn còn đó. Thật vậy, Trần Quang Khải con người bề ngoài thư sinh, người giàu cảm xúc thơ ca không thiếu đởm lược để giúp nước, cứu dân trước vó ngựa quân xâm lược Nguyên Mông.
Cuộc đời của Trần Quang Khải như hồ nước xanh thẳm và tĩnh lặng vì bản thân ông là người học rộng, tài cao và không thấy cần sự bon chen vị trí cao thấp trong chốn quan trường. Đó là điều để các vua nhà Trần sử dụng ông, phát huy hết khả năng của ông trong cả trị quốc lẫn bảo vệ đất nước.
Trong bài thơ “Xuân nhật hữu cảm”, Trần Quang Khải có câu: “Ngũ thập suy ông dĩ tự tri”: Ông “tự tri” mình đã 50 tuổi và sức khỏe yếu đi. Tuy nhiên, sau đó ông cũng tự thấy: “Sinh bình đởm khí luân huân tại”, nghĩa là ông biết hùng khí nơi con người mình còn đó. Thật vậy, Trần Quang Khải con người bề ngoài thư sinh, người giàu cảm xúc thơ ca nhưng không thiếu đởm lược và tài năng để giúp nước, cứu dân trước vó ngựa quân xâm lược Nguyên Mông.