Trạm y tế 'vắng bóng' người sinh

Từ nhiều năm qua, các trạm y tế (TYT) trong tỉnh được đầu tư cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nhân lực, nhằm thu hút người dân đến thăm khám, giảm tải cho tuyến trên. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều phòng hộ sinh tại các TYT đã không còn phát huy hiệu quả nhưng vẫn phải duy trì.

Mặc dù nhiều năm nay không tiếp nhận sản phụ nào đến sinh con, nhưng phòng hộ sinh của TYT phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) lúc nào cũng phải sẵn sàng nếu có trường hợp đột xuất.

Qua tìm hiểu được biết, gần 10 năm nay, TYT thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn) không tiếp nhận một sản phụ nào đến sinh con, dù trạm được đầu tư khá đồng bộ các phòng chức năng, trong đó có phòng hộ sinh khang trang. Chị Nguyễn Thị Lê, Trạm trưởng TYT thị trấn Rừng Thông, cho hay: “Vì TYT gần Bệnh viện Đa khoa huyện, lại cách không xa Bệnh viện Phụ sản tỉnh, giao thông thuận tiện nên khi trở dạ sản phụ đều lên thẳng tuyến trên để sinh con. Nhiều năm nay, ngoài công tác y tế dự phòng, TYT chỉ thực hiện chức năng thăm, khám sản phụ khoa, khám thai định kỳ và tư vấn sức khỏe cho bà mẹ mang thai”. Tương tự, TYT phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) cũng được đầu tư đầy đủ trang thiết bị chăm sóc sức khỏe sinh sản, có phòng hộ sinh riêng, nhưng hơn 15 năm nay, không có sản phụ nào chọn TYT là nơi để “vượt cạn”. Theo chị Lê Thị Hương, Trạm trưởng TYT phường Phú Sơn, dù không có người sinh nhưng các trang thiết bị như bình ô xy, máy hút nhớt vẫn phải trang bị, đặc biệt là bộ dụng cụ đỡ đẻ vẫn được hấp sấy thường xuyên bảo đảm vô trùng, phục vụ những trường hợp đột xuất.

Không riêng gì TYT thị trấn Rừng Thông hay TYT phường Phú Sơn, hầu hết các TYT trên địa bàn huyện Đông Sơn, TP Thanh Hóa, Hoằng Hóa, TP Sầm Sơn... cũng chung tình trạng đó. Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân khiến sản phụ không còn mặn mà với việc sinh đẻ tại TYT, ông Lê Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Thanh Hóa, cho biết: “Trước đây, mỗi gia đình có thể sinh nhiều con, nên người dân còn có nhiều sự lựa chọn. Nhưng những năm gần đây, mỗi gia đình chỉ sinh một đến hai con nên vấn đề bảo đảm sức khỏe sinh sản cho mẹ và con ngày càng được quan tâm. Vì thế, TYT không còn là địa chỉ được sản phụ lựa chọn để sinh con. Thay vào đó là các bệnh viện với đầy đủ cơ sở vật chất và các bác sĩ chuyên khoa có năng lực chuyên môn cao về chăm sóc sức khỏe sinh sản...”.

Về phía người dân, theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thương, phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa), từ khi mang thai chị cũng đến thăm, khám tại TYT một vài lần, nhưng do là lần đầu sinh con nên chị muốn được đến bệnh viện tuyến trên để sinh cho bảo đảm và cũng yên tâm hơn. Thực tế, với tâm lý dù con so hay con rạ, thì các gia đình đều kỳ vọng “mẹ tròn, con vuông”, nên rất nhiều sản phụ không mặn mà với việc sinh con tại TYT. Tại các vùng nông thôn, sản phụ thường lên bệnh viện tuyến huyện để sinh; còn tại thành phố thì phần lớn đến bệnh viện tuyến tỉnh, thậm chí là Trung ương. Điều đó dẫn đến tình trạng tuyến trên thì quá tải, còn tuyến dưới “vắng bóng” đìu hiu. Trong khi đó, 100% các TYT đều phải duy trì phòng hộ sinh với đầy đủ trang thiết bị và cả nguồn nhân lực. Điều này ít nhiều gây lãng phí và tốn kém không cần thiết. Đấy là chưa nói đến việc không được thực hành thường xuyên, tay nghề của y, bác sĩ, nữ hộ sinh cũng trở nên “non yếu” hơn.

Với chức năng là tuyến cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, không thể phủ nhận vai trò, vị trí của các TYT trong giai đoạn hiện nay. Thế nhưng, từ thực tế trên cho thấy, phần lớn các TYT vẫn chưa thể làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình. Do đó, việc khắc phục những hạn chế, bất cập để tránh lãng phí về tiền của và nhân lực là vô cùng cần thiết. Nhiều người cho rằng, để khắc phục tình trạng này, ngành y tế cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân sinh tại TYT, vì thực tế nhiều trạm vẫn có thể đỡ đẻ và chăm sóc tốt các ca đẻ thường. Đồng thời, ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng cần quan tâm và đầu tư hơn nữa cơ sở vật chất chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các TYT. Đồng thời, cần nâng cao năng lực, kiến thức chuyên môn cho đội ngũ nữ hộ sinh, y sĩ sản nhi thông qua các khóa đào tạo, tập huấn để thực hiện tốt quá trình thăm khám, chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau khi sinh. Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để thu hút bác sĩ sản nhi về tuyến y tế sơ cở công tác. Có như vậy mới tạo được lòng tin nơi người dân, giảm gánh nặng cho các cơ sở y tế tuyến trên.

Lê Phong

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/y-te-suc-khoe/tram-y-te-vang-bong-nguoi-sinh/131040.htm