TPHCM: Chương trình tiếng Anh tích hợp đạt nhiều thành công sau 10 năm triển khai
Chiều 29-11, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án 'Dạy và học các môn Toán, Khoa học và Tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam' theo Quyết định số 5695/QĐ-UBND (ban hành ngày 20-11-2014) của UBND TPHCM.
Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy và lãnh đạo Sở GD-ĐT nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Chương trình mang tính đột phá
Trong 10 năm qua, Sở GD-ĐT TPHCM đã phối hợp với EMG Education triển khai Đề án "Dạy và học các môn Toán, Khoa học và Tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam" theo Quyết định số 5695/QĐ-UBND (ban hành ngày 20-11-2014) của UBND TPHCM (gọi tắt là Đề án 5695).
Đề án được đánh giá mang tính đột phá, tiên phong trong việc dạy và học tiếng Anh, trở thành cơ sở vững chắc để triển khai hiệu quả việc đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học theo yêu cầu đặt ra tại Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị (ban hành ngày 12-8-2024) về tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Theo bà Nguyễn Phương Lan, Tổng Giám đốc EMG Education, để thực hiện thành công chương trình, cần đảm bảo 4 điều kiện then chốt gồm: mô hình hợp tác "bốn nhà"; xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi; xây dựng khung chương trình ứng dụng công nghệ tiên tiến, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế; tạo môi trường ứng dụng tiếng Anh mọi lúc mọi nơi, không giới hạn trong các giờ học trên lớp.
Trong đó, mô hình hợp tác "bốn nhà" gồm: nhà quản lý, nhà trường, nhà doanh nghiệp (đơn vị tham gia giảng dạy và triển khai chương trình) và nhà người học (phụ huynh – học sinh).
Cụ thể, nhà quản lý lựa chọn và chỉ định các trường tham gia phù hợp nhu cầu của xã hội, phụ huynh, điều kiện phát triển của địa phương, đồng thời giám sát, chỉ đạo và hỗ trợ trong suốt quá trình triển khai chương trình.
Tiếp đó, nhà trường có trách nhiệm hỗ trợ, phối hợp và điều hành công tác triển khai chương trình. Nhà doanh nghiệp được giao nhiệm vụ phát triển khung chương trình và triển khai giảng dạy. Riêng học sinh đóng vai trò trung tâm, trực tiếp tham gia quá trình học tập và thụ hưởng các giá trị giáo dục, còn phụ huynh giữ vai trò đồng hành, trở thành điểm tựa lớn cho sự phát triển của học sinh.
"Trong quá trình học ngôn ngữ tích hợp nội dung kiến thức các môn Toán, Khoa học, học sinh được phát triển toàn diện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh thông qua các hoạt động lồng ghép của giáo viên trong giờ học. Qua đó, học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn tự tin giao tiếp và làm việc bằng tiếng Anh, sẵn sàng cạnh tranh với bạn bè quốc tế trong các chương trình trao đổi học sinh, kỳ thi quốc tế, chuẩn bị cho việc học ở các bậc học cao hơn và định hướng nghề nghiệp sau này", bà Nguyễn Phương Lan bày tỏ.
Về phía các trường học, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) Lâm Triều Nghi cho rằng, việc học sinh trường công lập được học chương trình quốc tế với chi phí hợp lý là giải pháp rất thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tiến đến mục tiêu hội nhập thế giới.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao sự tham mưu rất kịp thời, đúng mục tiêu, tầm nhìn xa và nhanh nhạy của Sở GD-ĐT TPHCM cùng quyết tâm dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của lãnh đạo UBND TPHCM. Theo đó, Đề án 5695 đã góp phần triển khai một trong các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là chủ động hội nhập và nâng cao khả năng hội nhập quốc tế.
Việc triển khai chương trình giúp học sinh nâng cao năng lực và phẩm chất; giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nhà trường tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; phụ huynh tăng thêm niềm tin với giáo dục và đào tạo nói riêng, chính quyền thành phố nói chung; riêng ngành giáo dục có thêm mô hình xã hội hóa hiệu quả.
"Ngoài sự quan tâm của lãnh đạo thành phố và các quận huyện, sự chủ động tham mưu của Sở GD-ĐT, chương trình thành công còn nhờ có công tác tuyên truyền, công khai và minh bạch quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt, quá trình hợp tác công tư được triển khai hiệu quả nhờ tìm được đối tác đủ năng lực thực hiện", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT bày tỏ.
Trên cơ sở kết quả đã đạt được, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đề nghị TPHCM tiếp tục nghiên cứu mở rộng thêm số trường, lớp học, số môn học tổ chức giảng dạy bằng tiếng Anh để từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Đối với các tỉnh, thành khác, lãnh đạo Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương chủ động học tập kinh nghiệm, mạnh dạn triển khai kế hoạch thực hiện, từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học chứ không ngồi chờ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
"Việc triển khai không dàn hàng ngang, nơi nào có đủ điều kiện thì thực hiện theo hình thức vết dầu loang, một lớp dẫn dắt trường, một trường dẫn dắt địa phương. Bộ GD-ĐT sẽ có thêm hướng dẫn làm cơ sở pháp lý cho các địa phương thực hiện", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy đề nghị lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Tới đây, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục mở rộng phạm vi thực hiện để tăng đối tượng học sinh được thụ hưởng chương trình, nghiên cứu tăng số lượng môn học giảng dạy bằng tiếng Anh và các hình thức đào tạo khác với chi phí thấp hơn nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của người học.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM biểu dương nỗ lực thực hiện của các đơn vị trong thời gian qua, đồng thời kêu gọi sự tiếp tục đồng hành của phụ huynh trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả triển khai chương trình.