Tổn thương khi cha mẹ ly hôn

Sau một cuộc hôn nhân tan vỡ, những tổn thương tâm lý của người trong cuộc và con trẻ là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu cha mẹ biết cách quan tâm và chia sẻ với các con sẽ giúp các con vượt qua cú sốc tinh thần này và bình tâm bước tới tương lai.

Ly hôn có lẽ là một trong những quyết định vô cùng khó khăn của những cặp vợ chồng. Dẫu biết rằng có một số trường hợp ly hôn là quyết định cuối cùng và cần thiết khi cuộc hôn nhân đã không còn cách cứu vãn. Tuy vậy, khi đối mặt với những sự đổ vỡ, chia ly của cuộc hôn nhân không hạnh phúc, chắc hẳn không ai có thể tránh khỏi những xót xa đau buồn. Đối với người lớn, họ có thể biết cách kiểm soát và kiềm chế cảm xúc của bản thân. Nhưng với con trẻ, lại hoàn toàn khác.

Các con phần nhiều sẽ bị ảnh hưởng tâm lý rất lớn sau đổ vỡ hôn nhân của bố mẹ. Thậm chí, sau khi bố mẹ ly hôn, có cháu còn sinh ra suy nghĩ chán ghét bản thân, cho rằng mình chính là nguyên nhân khiến cho cha mẹ phải ly hôn, dẫn đến việc các em chán nản và tuyệt vọng. Sự mặc cảm, tội lỗi đó sẽ kéo dài liên tục làm ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt và kết quả học tập. Nếu tình trạng này không sớm được phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ khiến các em phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe tâm lý nguy hiểm như trầm cảm, rối loạn lo âu, căng thẳng thần kinh,…

Qua những câu chuyện thực tế trong cuộc sống, có thể thấy tổn thương tâm lý lớn nhất mà trẻ phải đối diện sau khi cha mẹ ly hôn đó chính là cảm giác cô đơn, bất lực và lạc lõng. Cho dù cha hoặc mẹ có cố gắng bù đắp, dành nhiều sự quan tâm, chiều chuộng hơn cho con cũng không thể nào thay thế hoàn toàn cho vị trí của người còn lại được.

Không ít em khi tiếp nhận tin cha mẹ ly hôn còn hình thành tâm lý phản kháng, chống đối dữ dội. Tình trạng này có lẽ là xuất phát từ việc các em lo sợ bị cha mẹ bỏ rơi. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh khi chứng kiến con cái có những hành vi chống đối thì lại cho rằng do con hư hỏng, không hiểu chuyện mà không biết được những tổn thương quá lớn đối với tâm lý của các con sau khi chứng kiến cha mẹ ly hôn. Từ đó nhiều người lại có phản ứng hay những lời nói trách móc, chỉ trích con cái, càng khiến cho những tổn thương tâm lý trầm trọng hơn. Và nguy hiểm nhất là, từ đó các em sẽ mất đi niềm tin vào cuộc sống.

Để giảm bớt những cú sốc tâm lý cho các con, những cuộc nói chuyện của cha mẹ với con trước khi quyết định ly hôn là điều cần thiết. Hãy coi con mình là người bạn thật sự. Nên lựa chọn thời điểm thích hợp để con có thể tiếp nhận thông điệp một cách tốt nhất. Nếu cha mẹ ly hôn mà không cho con cái biết được lý do cụ thể, trẻ dễ suy luận rằng nguyên nhân của sự đổ vỡ là từ con cái… Và tâm lý tội lỗi, tự trách bản thân sẽ luôn khiến các em cảm thấy suy sụp, bế tắc.

Hiện nay có không ít các trường hợp giành quyền nuôi con khiến cho nhiều gia đình phải mệt mỏi, đôi bên thù hằn lẫn nhau. Việc con cái sống cùng ai không thể chỉ dựa vào quyết định của cha mẹ. Chúng ta cần phải lắng nghe và tôn trọng nguyện vọng của các con. Đồng thời cha mẹ cũng cần suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ lưỡng xem con nên về sống cùng ai sẽ tốt hơn, cả mặt thể chất lẫn tinh thần. Đừng vì sự sỹ diện, ích kỷ cá nhân mà làm ảnh hưởng đến tâm lý và cả tương lai của con cái.

Sau ly hôn, không chỉ con cái có sự bất ổn về tâm lý, mà ngay cả cha mẹ cũng gặp nhiều vấn đề trong việc ổn định tâm lý của mình. Nếu tâm lý của cha mẹ không ổn định, rất khó để chính họ có thể dành nhiều sự quan tâm và thời gian lắng nghe, thấu hiểu và xoa dịu những tổn thương cho các con.

Một cuộc hôn nhân tan vỡ, những tổn thương tâm lý của người trong cuộc và con trẻ là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu cha mẹ biết cách quan tâm và chia sẻ với các con, cho các con cảm nhận được rằng: dù cha mẹ không còn sống cùng nhau nhưng vẫn sẽ dành cho con sự yêu thương như thuở ban đầu, các con vẫn là anh chị em của nhau, thì điều đó sẽ giúp các con vượt qua được nỗi đau tinh thần và bình tâm bước vào tương lai.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ton-thuong-khi-cha-m-ly-hon-200240.htm