Tôi hát về mảnh đất quê tôi, nơi bắt đầu từ đây Tổ quốc…

Chiến thắng Biên giới năm 1950, đặc biệt là Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2/1951) đã mở ra một bước ngoặt lịch sử trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Mặc dù tỉnh Lạng Sơn đã được giải phóng nhưng ở những vùng khác như tỉnh Hưng Yên, Hòa Bình, thị xã Vĩnh Yên, thung lũng Nghĩa Lộ (Yên Bái)... thế địch vẫn còn rất mạnh. Cảnh giác cao trước âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn vừa lao động sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, nỗi lo máy bay địch ném bom vẫn còn canh cánh trên đầu. Triệu Thủy Tiên đã được sinh ra trong những tháng ngày vất vả ấy...

Tiếng khóc chào đời cất lên ở trong hang Lùng Heng, bản Khuổi Cáp xã Tân Văn huyện Bình Gia, nơi bố mẹ và cả gia đình hai bên nội ngoại cùng bà con dân bản đang còn sơ tán trong đó. Cuộc sống khó khăn, những ngày tháng trước mắt không biết có được bình an hay không nên lòng người những rối bời, ấy thế nhưng tiếng khóc của đứa trẻ mới chào đời lại lảnh lót hân hoan đến lạ. Nghe tiếng khóc của nó, người ta không thể không vui. Ông ngoại của đứa trẻ thủng thẳng "Tiếng khóc này sẽ mang nó đi xa lắm đấy. Đặt tên nó là Triệu Thị Hảy!"

Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Thủy Tiên hướng dẫn đàn và hát dân ca cho các học viên Câu lạc bộ đàn - hát dân ca Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Ảnh : LA MAI

Hảy, theo tiếng dân tộc có nghĩa là khóc. Cô bé Triệu Thị Hảy càng lớn càng lanh lợi lại hát rất hay. Sau những buổi đuổi trâu thả vịt, trò chơi mà Hảy thích nhất chính là trèo lên ngọn cây cao hát véo von. Mỗi lần Hảy hát, người già trong bản nếu có đi ngang qua cũng dừng lại lắng nghe, còn bọn trẻ con ở khu tập thể lâm trường gần đó thì hò hét: Chúng mày ơi, chị Hảy hát rồi, ra nghe chị Hảy hát đi!. Năm Hảy vào lớp một, chú Thành, một người bạn của bố Hảy bảo Con bé này vừa xinh xắn, vừa hát rất hay. Cái tên Hảy không hợp với nó, nên đổi là Thủy Tiên!. Cho đến bây giờ, vẫn không biết tại sao chú Thành lại chọn cái tên này nhưng Thủy Tiên đã trở thành tên gọi, thành nghệ danh của người nghệ sĩ mà tên tuổi không chỉ vang danh ở mảnh đất miền sơn cước.

Khi học phổ thông, Thủy Tiên học tốt ở các môn và có phần nổi trội ở môn Văn. Năm học 1968-1969 Thủy Tiên được tham gia vào đội tuyển thi giỏi Văn toàn Miền Bắc. Trước đó, khi mới mười hai, mười ba tuổi thì đã có người đến nhà xin làm lễ "khả cáy". Đến mãi sau này, Thủy Tiên mới biết lễ "khả cáy" chính là lời hôn ước của đôi bên để kết tình chồng vợ, nếu muốn hủy hôn, phải trả lại tiền lễ đã nhận của gia đình nhà họ. Thế là cô gái trẻ tuổi, mảnh mai ấy, ngoài công việc đồng áng của gia đình, đã tự canh tác thêm những vạt đỗ, nương ngô của riêng mình để kiếm tiền. Cuối cùng cũng gom đủ mười hai đồng tiền mang đi trả lễ với lý do "Cháu còn phải đi học, chưa thể lấy chồng!". Chuyện trả lễ này đã làm “kinh động” cả một vùng quê vốn còn nhiều hủ tục lúc bấy giờ.

Tốt nghiệp cấp học phổ thông, Thủy Tiên có giấy gọi của trường Đại học Tổng hợp, Khoa Ngữ Văn nhưng đáng tiếc là vì một số lý do, đã không thể theo học. Biết chuyện, lại là chú Thành đến động viên, chú bảo "Cháu phải đi, phải ra khỏi cái bản Khuổi Cáp này. Cháu sinh ra không phải để cúi mặt xuống đất làm ruộng, việc ấy đã có những người khác”. Đi xa, nhưng là đi đâu, bằng cách nào? Có nhẽ mình sẽ đi thanh niên xong phong? Trong khi chờ đăng ký tham gia thanh niên xung phong, Thủy Tiên theo các bà, các mẹ “đi buôn”. Đi buôn hồi ấy, thực ra là việc bỏ công đi thu gom nông sản ở địa phương mang ra bán ở chợ Kỳ Lừa để ăn chênh lệch giá. Trong một ngày chợ phiên Kỳ Lừa, Thủy Tiên đi bán đỗ tương thì được biết Đoàn Văn công Lạng Sơn đang tổ chức tuyển diễn viên. Gửi nải đỗ tương cho bạn chợ trông chừng, cô vội sang đăng ký dự tuyển và hát một mạch hai bài, xong lại tất tả về chợ lo bán đỗ tương. Thủy Tiên đã không biết rằng, tất cả những nghệ sĩ, nhạc sĩ tham gia tuyển diễn viên hôm ấy đã rất hoan hỉ vì tìm được một “con chim sơn ca” của núi rừng.

Thủy Tiên gia nhập Đoàn Văn công Lạng Sơn, gia đình phải bán đi một con trâu để sắm cho cô hai bộ quần áo, một đôi giày và một số vật dụng cá nhân. Nhưng cũng kể từ khi bước vào nghề diễn viên, là cô gái Nùng mỏng mày hay hạt ấy phải tự cường, nuôi dưỡng niềm đam mê của người nghệ sĩ và vượt qua bao bộn bề cơm áo gạo tiền để yêu và say đắm với nghề.

Cho đến tận bây giờ, nghệ sĩ Triệu Thủy Tiên vẫn không thể quên được cảm xúc lần đầu trình diễn đơn ca một tiết mục then. Đó là Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Đà Nẵng năm 1985. Lạng Sơn tham gia với tư cách là Đoàn Văn công đại diện các tỉnh Đông Bắc. Đây cũng là lần đầu các ca sĩ của Lạng Sơn được thu âm tại một phòng thu hiện đại của Đài Truyền hình Đà Nẵng. Một mình bước ra sân khấu với cây đàn tính trên tay, nữ ca sĩ dường như lọt thỏm giữa sân khấu choáng ngợp, nhưng khi Thủy Tiên dạo đàn và cất tiếng hát, đã hoàn toàn chinh phục được khán giả. "Tôi hát về mảnh đất quê tôi, nơi bắt đầu từ đây Tổ quốc, sông Kỳ Cùng uốn khúc, chợ Kỳ Lừa náo nức tiếng sli....". Thời gian này, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới phía Bắc vẫn còn trong giai đoạn đầy cam go, thử thách. Cả nước hướng về biên cương, nơi đâu cũng xanh màu áo lính. Chính bài hát này, ca sĩ Thủy Tiên đã biểu diễn cho bộ đội và đồng bào các dân tộc trong những chương trình lưu diễn đầy gian nan, nguy hiểm dọc các chốt tiền tiêu, các bản làng nơi biên giới. Cảm xúc thiêng liêng ấy vẫn giữ lại trọn vẹn trong giọng hát của người nghệ sĩ và làm xúc động người nghe. Tiết mục đơn ca bài then "Xứ Lạng quê tôi" (tác giả Lý Hải đặt lời) đã giành Huy chương Vàng tại Liên hoan. Cũng tại Liên hoan này, Đoàn Văn công Lạng Sơn đã giành Huy chương Bạc toàn đoàn. Trở về Lạng Sơn. Đoàn được mời trình diễn các tiết mục xuất sắc tại kỳ họp HĐND tỉnh, lúc bấy giờ ông Hoàng Giai, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã ân cần thăm hỏi từng diễn viên, riêng ca sĩ Thủy Tiên thì đang bị ốm sau chuyến lưu diễn dài ngày đã được đích thân đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng một chai dịch truyền (đạm) để bồi bổ sức khỏe. Với Nghệ sĩ Triệu Thủy Tiên, đó thực sự là những kỷ niệm không thể nào quên.

Năm 1986, nữ nghệ sĩ Triệu Thủy Tiên được bổ nhiệm trọng trách là Phó Đoàn Văn công Lạng Sơn. Năm 1993, bà được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, là nghệ sĩ ưu tú đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn. Năm 2000, bà là Trưởng Đoàn Văn công Lạng Sơn. Trong giai đoạn này, Đoàn Văn công Lạng Sơn có những chuyển biến tích cực, được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác biểu diễn. Cũng trong giai đoạn này, hoạt động của đoàn có nhiều thăng hoa, tâm huyết. Tôi đã từng được theo đoàn đi biểu diễn tại xã Tĩnh Bắc, một xã vùng sâu của huyện Lộc Bình, chứng kiến những rưng rưng xúc động của bà con khi cả đời người, bây giờ mới được xem văn công biểu diễn thì mới hiểu vì sao các anh chị nam nữ diễn viên hồi ấy lại say nghề đến thế. Tôi ngồi trên chiếc xe U-oát cùng nữ nghệ sĩ Trưởng đoàn, chị em nam nữ diễn viên ngồi trên chiếc xe tải cùng đồ nghề biểu diễn. Đi đến đâu, dân ùa ra đường hò reo đến đấy: "Văn công mà bản, văn công mà bản vớ...". Đến UBND xã Tĩnh Bắc, đích thân chủ tịch UBND xã ra đầu đường đón đoàn, ông cười khà khà: "Văn công về rồi! Dân mong văn công lắm, ngày nào cũng có người đến ủy ban xã hỏi chính xác là văn công sẽ biểu diễn hôm nào...". Đêm diễn hôm đó thật vui, bà con có hoa tặng hoa, có quả tặng quả, có người chạy lên sân khấu chỉ để nắm tay người nghệ sĩ. Đêm diễn kết thúc, bà con vẫn còn nán lại rất lâu. Tôi nhớ hôm đó, chúng tôi trở về thị xã Lạng Sơn khi trời đã sắp sáng, tôi mệt gần như muốn xỉu, Thủy Tiên khi ấy nhìn tôi, bảo "Thế thì em không làm diễn viên được rồi!".

Hơn ba mươi năm trong nghề, với vai trò là ca sĩ, rồi sau này, là người quản lý, cùng với các anh em diễn viên của Đoàn Văn công Lạng Sơn, dấu chân của nghệ sĩ Thủy Tiên đã in vết khắp mọi nẻo đường quê Xứ Lạng, mang tiếng hát điệu múa đến với cán bộ, chiến sĩ, bà con nhân dân các dân tộc chỉ với một ước nguyện giản dị mà vô cùng cao quý của người nghệ sĩ là làm sao để cho con người ta thêm tin yêu cuộc sống này!

Năm 2006, nghệ sĩ Triệu Thủy Tiên được nghỉ hưởng chế độ hưu trí, bà lại âm thầm bắt tay vào một dự án mới, đó là truyền dậy hát dân ca trong cộng đồng. Năm 2009, Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca của tỉnh Lạng Sơn được thành lập, bà Triệu Thủy Tiên là Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Đến nay, Câu lạc bộ đã có hơn một nghìn thành viên, học viên tham gia, và điều quan trọng nhất là, phong trào học đàn và hát dân ca đã lan tỏa khắp các địa phương, các trường học trong toàn tỉnh. Đến nay, trên toàn tỉnh có khoảng trên 200 câu lạc bộ đàn hát dân ca. Bà Thủy Tiên cho biết: "Điều quan trọng không phải là có bao nhiêu người tham gia câu lạc bộ, mà quan trọng là đã xuất hiện những hạt nhân của phong trào này, thực hiện việc truyền dậy đàn và hát dân ca trong cộng đồng. Điều đó làm cho tôi thực sự yên tâm...". Được biết tiếng vang của Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca tỉnh Lạng Sơn không chỉ ở trong khu vực, trong nước mà các nghệ sĩ đã được mời trình diễn then tại Paris- thủ đô nước Pháp trong một chương trình nghiên cứu về then của UNESCO (tháng 12/2017). Nghệ sĩ nhân dân Triệu Thủy Tiên cũng được mời tham gia nhiều hội thảo về then cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc.

Chia sẻ về niềm vinh dự được nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (năm 2019), nghệ sĩ Triệu Thủy Tiên thành thực: "Tôi phải cảm ơn người bạn đời của mình vì những thông cảm, thấu hiểu cho công việc của người nghệ sĩ, có như vậy thì tôi mới có được ngày hôm nay. Nhiều người bảo tôi nhận danh hiệu vào lúc này là muộn, nhưng tôi cho rằng mọi việc xảy ra trên cuộc đời đều có thời khắc riêng của nó. Tôi hoàn toàn thanh thản, hài lòng và xin được cảm ơn tất cả những yêu thương của mọi người dành cho tôi...".

Chúng tôi ngồi bên tách trà tỏa hương, lắng nghe tâm sự của người nghệ sĩ mà như vừa lật giở những trang đời của cô bé Hảy năm xưa. Cô bé ấy, bằng tình yêu, bằng tấm chân tình của cả cuộc đời, đã mang tiếng hát quê hương đi xa khắp bốn phương trời. "Tôi hát về mảnh đất quê tôi, nơi bắt đầu từ đây Tổ quốc, sông Kỳ Cùng uốn khúc, chợ Kỳ Lừa náo nức tiếng sli..."

VI THỊ THU ĐẠM

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/toi-hat-ve-manh-dat-que-toi-noi-bat-dau-tu-day-to-quoc-5006851.html