Toàn cảnh vụ sạt lở đèo Bảo Lộc khiến 3 chiến sĩ CSGT hi sinh và 1 người dân tử nạn

Mưa lớn những ngày qua khiến đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) xảy ra nhiều vụ sạt lở. Trong đó có một vụ sạt lở nghiêm trọng vùi lấp chốt CSGT khiến 3 chiến sĩ CSGT hi sinh và một người dân tử vong.

Sáng nay, 31/8, lực lượng chức năng đã tìm thấy nạn nhân cuối cùng trong vụ sạt lở nghiêm trọng tại đèo Bảo Lộc. Cũng trong sáng nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký ban hành công điện số của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc và chủ động ứng phó với mưa lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam bộ.

Một điểm sạt lở, đá rơi trên đèo Bảo Lộc.

Công điện nêu rõ, những ngày qua, tại một số địa phương khu vực Nam bộ và Tây Nguyên đã xảy ra mưa lớn, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ, ảnh hưởng lớn đến giao thông và đời sống của người dân.

Đặc biệt ngày 30/7, trên tuyến quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đã xảy ra vụ sạt lở đất làm 3 chiến sĩ CSGT và 1 người dân bị vùi lấp. Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân các gia đình có người bị nạn.

Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mưa ở Tây Nguyên và Nam bộ có khả năng kéo dài nhiều ngày tới. Để khắc phục hậu quả vụ sạt lở nêu trên và chủ động phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng người dân, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh chủ động, triển khai quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Lượng đất đá lớn đổ ập xuống vùi lấp chốt CSGT trên đèo.

Trước đó, Văn phòng Bộ Công an cũng đã có Công điện gửi các cơ quan đơn vị yêu cầu khẩn trương tìm kiếm cứu nạn 3 cán bộ, chiến sĩ Công an và 1 người dân bị mất tích, khắc phục hậu quả vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc.

Công điện yêu cầu Công an tỉnh Lâm Đồng chủ trì, quyết liệt, khẩn trương chạy đua với thời gian để tìm kiếm cứu nạn, huy động lực lượng, phương tiện của lực lượng Công an nhân dân phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp để tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân đang bị vùi lấp trong đất đá và khắc phục nhanh hậu quả vụ sạt lở đất nêu trên.

Tổ chức cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình cán bộ chiến sĩ Công an bị thiệt hại, nhất là gia đình có người bị ảnh hưởng. Bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng tại cơ sở chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn kéo dài, nhất là các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan, doanh trại, công trường, hầm mỏ để chủ động sơ tán, di dời.

Lực lượng chức năng tìm kiếm cứu nạn xuyên đêm 30/7.

Có phương án bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, đảm bảo an ninh, trật tự, bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông, kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm tràn, khu vực nước ngập sâu, nước chảy xiết, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lũ. Bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Mưa lớn những ngày qua khiến đèo Bảo Lộc (thuộc Quốc lộ 20, đoạn qua TP Bảo Lộc và huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng) xảy ra nhiều điểm sạt lở. Trong đó vụ sạt lở nghiêm trọng nhất xảy ra tại chốt CSGT đèo Bảo Lộc. Vụ sạt lở này vùi lấp chốt CSGT trong đó có 3 chiến sĩ CSGT và một người dân,.

Lực lượng chức năng đã tìm thấy 3 chiến sĩ CSGT và một người dân nhưng tất cả đều đã tử vong. Danh tính 3 chiến sĩ CSGT được xác định là Thiếu tá Nguyễn Khắc Thường (SN 1981); Thượng úy Lê Quang Thành (SN 1977) và Thượng úy Lê Ánh Sáng (SN 1990). Một người dân tử vong là nam giới tên Ngọc Anh.

Trước khi xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng nói trên, mưa lớn cũng gây sạt lở đất, đá rơi, cây ngã đổ tại nhiều điểm trên đèo Bảo Lộc.

Trong 3 chiến sĩ CSGT hy sinh,Thượng úy Lê Ánh Sáng vừa tổ chức ăn hỏi, chỉ còn 2 tuần nữa là đến ngày cưới. Theo một cán bộ thuộc Phòng CSGT Lâm Đồng, Thượng úy Lê Ánh Sáng vừa tổ chức đám hỏi và dự định ngày 12/8 làm đám cưới.

Trước khi xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng nói trên, mưa lớn cũng gây sạt lở đất, đá rơi, cây ngã đổ tại nhiều điểm trên đèo Bảo Lộc. Các điểm sạt lở đất tập trung ở phần đèo gần TP Bảo Lộc.

Theo phản ảnh của các tài xế qua đèo, nước mưa từ trên núi dồn xuống đường, tạo thành nhiều dòng chảy nhỏ nhưng mạnh cắt ngang đèo. Các dòng chảy này khiến xe cộ gặp nguy hiểm khi đi qua. Ngoài ra, nước trong các con suối ở khu vực đều dâng cao, chảy mạnh.

Trước khi xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng, trên đèo cũng đã xảy ra nhiều điểm sạt lở nhỏ.

Đèo Bảo Lộc dài khoảng 10 km trên Quốc lộ 20, thuộc địa bàn huyện Đạ Huoai và TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Trên tuyến quốc lộ 20, theo lý trình của tuyến đường thì địa phận đèo Bảo Lộc được tính từ Km 98 (thuộc rừng Nam Huoai, thị trấn Đạ M'ri, Đạ Huoai, độ cao 435m) và kết thúc tại Km 108 (thuộc thôn 3, xã Đại Lào, TP Bảo Lộc, độ cao 980m), cách ngã ba B'Lao đi về khu kinh tế mới B'Laosire 3 km.

Đèo cách ranh giới Lâm Đồng - Đồng Nai 23 km, cách TP Hồ Chí Minh 170 km về hướng Đông Bắc. Ngoài ra, từ chân đèo đi đến trung tâm TP Bảo Lộc khoảng 25 km, cách TP Đà Lạt 135 km về hướng Tây Nam, đều theo Quốc lộ 20.

Con đèo một bên là đồi núi và vách đá dựng đứng còn một nơi là vực thẳm, nhiều khúc cua nguy hiểm đường lại hẹp chỉ có 2 làn xe nên hàng năm ở đây đều xảy ra rất nhiều vụ tai nạn.

X.N

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/toan-canh-vu-sat-lo-deo-bao-loc-khien-3-chien-si-csgt-hi-sinh-va-1-nguoi-dan-tu-nan-143583.html