Tọa đàm 'Truyền thông với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc'
Chiều 18-11, Ban quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức tọa đàm 'Truyền thông với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc', tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội).
Tọa đàm có sự tham dự của đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Cục Di sản văn hóa...
Các đại biểu tham dự tọa đàm tập trung thảo luận những vấn đề như: Đánh giá thực trạng và hiệu quả của công tác truyền thông với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong thời gian qua; sự phối hợp truyền thông giữa các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa, địa phương trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông về di sản văn hóa trong thời gian tới.
Theo bà Chu Thị Thu Hằng, Tổng biên tập Báo Văn hóa, di sản là một trong những lĩnh vực đặc thù nên cần có những lớp tập huấn về di sản, ngôn ngữ di sản, am hiểu sâu về văn hóa di sản cho phóng viên. Tuy nhiên, trách nhiệm của nhà báo, nếu chỉ chạy theo sự kiện mà không thực sự hiểu về di sản thì bài viết sẽ không sâu sắc. Phải quảng bá di sản kết nối với du lịch.
Ông Trịnh Ngọc Chung, Phó trưởng ban phụ trách Ban quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cho rằng: Truyền thông trong thời đại ngày nay vô cùng quan trọng, thời gian tới công tác truyền thông là nhiệm vụ trọng tâm của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, để làm tốt công tác truyền thông, chúng tôi phải làm tốt các công việc của Làng Văn hóa trước, như việc tái hiện các lễ hội vào cuối tuần, tập trung vào dịch vụ các món ăn miền Tây, chợ vùng cao, ẩm thực, lưu trú, giải trí... Như vậy, khách du lịch có thể ăn trưa, nghỉ tối tại các nhà dân tộc...
Tọa đàm được tổ chức nhằm góp phần làm rõ hơn vai trò, đóng góp quan trọng của truyền thông với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; đồng thời giúp các nhà quản lý, nhà báo nhận diện thực chất hơn về hiệu quả, thực trạng công tác quản lý này. Qua đó, giúp các nhà báo nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm và chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình tác nghiệp, truyền tải thông tin tới công chúng; tăng cường phối hợp truyền thông về di sản văn hóa giữa các cơ quan quản lý báo chí và các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị quản lý di sản văn hóa, Mặt trận Tổ quốc.
Kết thúc buổi tọa đàm, các đại biểu đã tham dự triển lãm ảnh với chủ đề “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam” tại quảng trường Làng III.