Tinh hoa múa rối nước tại miền Nam

Múa rối nước là văn hóa đặc trưng ra đời từ nền văn minh lúa nước. Loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống có từ thế kỷ XI, đến nay múa rối nước vẫn được gìn giữ tại Hà Nội và khi tới thành phố Hồ Chí Minh trở thành một loại hình văn hóa thu hút người dân và du khách.

Nhà hát Múa Rối nước Rồng Vàng ở TP.HCM, nhiều năm nay đã phát huy được giá trị tinh thần của loại hình nghệ thuật này. Các chương trình biểu diễn rối nước đã được giới thiệu tại nhiều liên hoan Quốc tế và các nước trên thế giới. Là một phần của di sản văn hóa Việt Nam, múa rối nước như một chân dung sống động của lịch sử và văn hóa nước nhà.

Truyền thuyết Vua Lê Lợi trả gươm thần cho Kim Quy

Anh Bùi Tấn Đạt, nghệ sĩ gạo cội đã cống hiến hơn 30 năm trong nghề chia sẻ: “Múa rối nước là loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc ta, gốc từ đồng bằng Bắc Bộ với nghề trồng lúa nước. Được các thầy vô Sài Gòn truyền nghề. Công việc này đòi hỏi người diễn viên phải có sức khỏe và lòng đam mê, vì mỗi show diễn phải đứng ngâm mình trong nước 45 phút, tập trung cao độ điều khiển con rối, điều khiển linh hoạt, tay phải khỏe để đủ sức giữ con rối nổi và biểu diễn”.

Đến với sân khấu rối nước, đa số là khách nước ngoài, họ rất hào hứng và vui vẻ chia sẻ: “Chúng tôi rất bất ngờ về múa rối nước của các bạn, mọi thứ thật sự rất tuyệt vời và đáng để xem nhất bởi vừa được nghe nhạc vừa được xem người nghệ sỹ di chuyển con rối trên mặt nước rất điêu luyện, phối hợp nhịp nhàng, chuẩn xác. Chúng tôi có một trải nghiệm vô cùng thú vị và ấn tượng ở thành phố Hồ Chí Minh về đêm.”

Khách nước ngoài ghi lại những khoảnh khắc khi xem múa rối

Ngoài ra, nhà hát còn có các chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc cùng với biểu diễn múa rối nước vào mỗi tối hàng ngày. Mỗi suất sẽ trình diễn 16 tích truyện cổ kết hợp hát chèo, diễn trò cùng ban nhạc truyền thống. Các tích truyện như bật cờ hội, Tễu giáo trò, em bé chăn trâu thổi sáo, truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm, múa tứ linh… đều là những nét đặc sắc được phối hợp vô cùng nhuần nhuyễn, hứng thú khán giả. Có thể nói, chưa xem múa rối là chưa đến Việt Nam. Xem múa rối chính là cách tốt nhất để tìm hiểu lịch sử, đời sống văn hóa cổ truyền của người dân Việt.

Việc sử dụng ngôn ngữ chính thống Việt Nam tưởng chừng như cứng nhắc, cô lập, nhưng cảm nhận của khách nước ngoài cho biết: “Bạn tôi giới thiệu khi vừa du lịch ở VN về. Cô ấy vô cùng phấn khích khi kể cho tôi nghe và đưa ra lời khuyên rằng rối nước rất hay và đáng xem. Quả thực, tôi cảm thấy rất kinh ngạc với những gì diễn ra trên sân khấu rối nước. Trong đầu tôi luôn lo lắng bởi vì rào cản ngôn ngữ. Sẽ tuyệt vời hơn nếu như chúng tôi có thể hiểu được ngôn ngữ bản xứ hoặc lời thoại được chuyển sang tiếng Anh để khách du lịch có thể hiểu. Hơn nữa, tôi thực sự ngạc nhiên khi loại hình này đã được làm từ những năm rất lâu trong lịch sử mà vẫn còn được duy trì cùng với công nghệ hiện đại cho tới ngày nay. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng mỗi nền văn hóa đều có nét đặc trưng riêng, nếu loại hình này mà chuyển sang tiếng Anh thì có thể nó sẽ không diễn tả hết được văn hóa, ngôn ngữ và tính đặc trưng của nền văn hóa của các bạn”.

Trò rối nước là trò khéo, dùng mặt nước làm sân khấu, diễn viên khéo lấy động tác làm ngôn ngữ diễn đạt, gắn bó với âm nhạc như nghệ thuật múa. Âm nhạc điều khiển tốc độ, giữ nhịp, dẫn dắt động tác, gây không khí với tiết tấu truyền thống đóng vai trò chủ đạo khi kết hợp với các làn điệu chèo, dân ca đồng bằng Bắc Bộ.

Sẽ không khó để bắt gặp những gia đình nhiều thế hệ cùng đến xem múa rối như là cách giáo dục và gắn kết. Khi được hỏi về lý do chọn thưởng thức rối nước khi tham quan Sài Gòn, khách từ miền Tây chia sẻ: “Tôi được biết đây là loại hình biểu diễn dân gian có từ thế kỷ 11, truyền thống của miền Bắc. Xưa chưa phát triển điện ảnh thì người dân tổ chức những chương trình như thế này để truyền lại cho con cháu và giải trí lúc nông nhàn. Rất hay khi rối nước mang tính truyền thống và giáo dục. Gia đình tôi ở miền Tây chưa có dịp đi Hà Nội nên nay tới đây liền cho cả nhà đi coi, dù toàn người lớn nhưng coi rồi mới càng thấy hiểu văn hóa nước nhà hơn”.

Các suất diễn đông kín ghế đã chứng tỏ múa rối nước nói riêng và các bộ môn nghệ thuật truyền thống Việt Nam nói chung đã tạo được ấn tượng đậm nét đối với du khách. Múa rối nước cũng đóng vai trò thúc đẩy phát triển ngành du lịch. Từ một nghệ thuật mang yếu tố dân gian, múa rối nước đã trở thành một môn nghệ thuật truyền thống, một sáng tạo đặc trưng của người Việt Nam sẽ được bảo tồn, lưu giữ và lan tỏa ra khắp thế giới.

(VP thường trú đài Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh)

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tinh-hoa-mua-roi-nuoc-tai-mien-nam-198937.htm