Tình cảm đặc biệt của Người với xứ Huế

Huế không những là nơi in đậm bóng hình của Bác, nơi đọng lại những tình cảm sâu nặng, những ký ức vẹn nguyên thuở thiếu thời, mà Huế còn là một thành tố quan trọng đối với sự hình thành con người vĩ đại Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị họp bàn và ra Nghị quyết về “Tổng công kích, tổng khởi nghĩa” vào dịp Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: Tư liệu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị họp bàn và ra Nghị quyết về “Tổng công kích, tổng khởi nghĩa” vào dịp Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: Tư liệu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Bác Hồ sống ở Huế cùng những người thân trong gia đình gần 10 năm, tương đương với thời gian Người sống ở quê nhà Nghệ An. Mười năm so với cuộc đời 79 mùa Xuân của Bác Hồ không phải là dài, nhưng đây lại là thời gian đặc biệt có ý nghĩa đối với nhận thức khởi đầu của một con người. Chính vì vậy ở con người của Bác vừa có cái chất nghiêm nghị của người dân xứ Nghệ, vừa có cái trầm lắng, nhẹ nhàng, tinh tế của con người xứ Huế.

Nếu Hoàng Trù là nơi sinh ra của Người, Kim Liên nơi Người đã lớn lên thì làng Dương Nỗ là nơi Người bắt đầu học chữ Hán, Trường Quốc Học là nơi Người đã tham gia đấu tranh chống thuế. Với lẽ đó, Thừa Thiên Huế tự hào là mảnh đất đã gắn bó với thời gian niên thiếu của Hồ Chủ tịch trong khoảng 10 năm (1895 - 1901 và 1906 - 1909), khi Người và gia đình đến sinh sống, lao động, học tập tại Kinh đô Huế. Chính mảnh đất và con người nơi đây đã để lại trong Người những tình cảm đặc biệt. Trong tình cảm chung ấy, Bác vẫn luôn dành cho Huế một tình cảm sâu lắng, một tình cảm rất riêng.

Một điều không ai nghĩ đến bốn mươi năm sau, khi bộn bề công việc của thời cơ tổng khởi nghĩa đang đến gần, giữa vùng rừng núi Tân Trào, nơi cách Thừa Thiên Huế ngót ngàn cây số, Bác luôn dành tình cảm đặc biệt cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế, cho những người con của xứ Kinh kỳ; đặc biệt tình cảm của Người dành cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một người con ưu tú của mảnh đất xứ Thần Kinh.

Ngay lần đầu tiên, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng và Hội nghị Quốc dân họp tại Tân Trào, ngày 13/8/1945, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã dành cho đồng chí Nguyễn Vịnh những thiện cảm đặc biệt. Trước khi nghe báo cáo tình hình chuẩn bị khởi nghĩa ở Thừa Thiên Huế, Người bỗng quay sang hỏi Nguyễn Vịnh: “Huế bây chừ sen có đẹp hơn, hội thả diều có vui hơn không?”. Với câu hỏi “nhớ đời” ấy khoảng cách giữa vị lãnh tụ vĩ đại và người cán bộ tài ba của Đảng trên quê hương Thừa Thiên Huế hầu như không còn.

Tại Hội nghị Quốc dân khi công bố danh sách các Ủy viên Ủy ban Dân tộc giải phóng do lãnh tụ Hồ Chí Minh đứng đầu, Nguyễn Vịnh được chính Bác Hồ đặt tên mới: Nguyễn Chí Thanh. Từ đó, trải qua bao thử thách, Nguyễn Vịnh - Nguyễn Chí Thanh luôn giữ vững khí tiết, phẩm chất của người cách mạng, xứng đáng với lòng thương yêu của Người. Là linh hồn của mặt trận Bình Trị Thiên khói lửa, trở thành “Vị tướng du kích” như Bác đã trìu mến gọi.

Trong mỗi câu chuyện về những người Huế được gặp Bác Hồ, sự quan tâm của Bác đến cuộc sống riêng của mỗi người, mỗi cán bộ, chiến sĩ thể hiện một tình cảm bao la mà sâu đậm luôn in sâu trong mỗi người dân xứ Huế.

Dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Văn Hòa (còn gọi là cu Theo) ở huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay sống tại địa chỉ 104 Phùng Quán, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế), ra Bắc được vào gặp Bác Hồ. Trong lần đầu tiên cùng Đội Thiếu niên tiền phong vào Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đã hỏi về nguyện vọng từng cháu. Bác tặng “cu Theo” ba cuốn sách với một vốc kẹo, rồi ân cần hỏi han: “Giờ cu Theo có nguyện vọng chi không? Có muốn ở lại Hà Nội học tập không?”. Lúc ấy, nghe Bác hỏi, “cu Theo” rất xúc động, nhưng vẫn lễ phép trả lời là muốn gặp cha. Bác lại hỏi: “Cha cháu tên gì, công tác ở đâu?”. Cậu trả lời: “Thưa Bác, cha của cháu tên Nguyễn Văn Cục, đi tập kết ra Bắc từ lúc cháu chỉ mới 1 tuổi nhưng nay vẫn chưa nhận tin tức gì ạ...”. Sau buổi ăn cơm tối hôm đó, Bác Hồ gọi nhà thơ Tố Hữu, lúc ấy là Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương đến và giao nhiệm vụ “tìm cha cho cu Theo”. Nhà thơ Tố Hữu dẫn “cu Theo” về nhà mình và lấy cảm hứng viết nên bài thơ “Chuyện em Hòa...”.

Trong ký ức của nữ Anh hùng dân tộc Pa Cô (huyện A Lưới) vẫn nhớ như in ngày được đến Phủ Chủ tịch gặp mặt Bác Hồ. Tháng 6/1968, đoàn anh hùng, dũng sĩ diệt Mỹ của miền Nam gồm 5 người ra thăm miền Bắc, trong đó có bà Kan Lịch. Bà là nữ anh hùng người dân tộc đầu tiên của chiến trường. Đoàn đã được đi thăm nhiều nơi, được gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị quan khách quốc tế. Đặc biệt đoàn được gặp Bác Hồ, chụp ảnh cùng Bác. Tấm ảnh “Bác Hồ cùng với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam” trong đó có bà Kan Lịch đã đi vào lịch sử. Bà Kan Lịch xúc động cho biết: “Trong chuyến đi này, thật vinh dự, bà đã 7 lần được gặp Bác Hồ, trong đó có 3 lần được ăn cơm với Bác. Bác Hồ đã tặng bà bút viết để đi học, đồng hồ đeo tay, đài, súng”.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Bác chỉ đạo và theo dõi rất sát chiến trường. Bác rất vui với từng trận đánh thắng của quân và dân miền Nam từ Quảng Trị đến Nam Bộ. Mỗi trận thắng làm cho Bác khỏe thêm.

Sau những chiến công oanh liệt đầu Xuân 1968, với lòng phấn khởi tin tưởng vào ý chí cách mạng của quân và dân Thừa Thiên Huế, tháng 8/1968, Hồ Chủ tịch gửi thư động viên:

Thân ái gửi đồng bào, cán bộ và các chiến sĩ lực lượng cách mạng thành phố Huế, các cô các chú thân mến!

Bác đã nhận được thư quyết tâm của các đơn vị, của đồng bào, chiến sĩ và cán bộ. Bác rất vui mừng vừa qua Huế đã đánh giỏi, công tác giỏi, thu được nhiều thắng lợi to lớn hơn. Đến nay trước tình hình và nhiệm vụ mới, các cô, các chú có quyết tâm và hứa lập nhiều thành tích mới, to lớn hơn, cho nên Bác càng vui lòng, nhân đây Bác dặn thêm các cô, chú mấy điểm:

Khi thắng lợi chớ kiêu căng, khi tạm thời có khó khăn, quyết không nản chí.

Luôn nắm vững đường lối giai cấp cách mạng trong mọi công tác quân sự cũng như chính trị, ở thành thị cũng như nông thôn.

- Ra sức phát huy ưu điểm và sáng kiến, kịp thời rút kinh nghiệm, quyết tâm tiêu diệt địch, đoàn kết bảo vệ Nhân dân, xây dựng và phát triển vững chắc các lực lượng cách mạng để bảo đảm càng đánh càng thắng, càng đánh càng mạnh.

- Mọi công việc bất kỳ to nhỏ, phải có quyết tâm cao, kế hoạch chu đáo thì mới bảo đảm chắc chắn thành công.

- Tất cả cán bộ cần gương mẫu chủ yếu là đoàn kết trong chiến đấu và sinh hoạt hằng ngày.

Bác gửi lời thân ái thăm hỏi toàn thể đồng bào, cán bộ và chiến sĩ.

Chúc các cô, chú sức khỏe tốt, công tác tốt, giành được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa

Chào thân ái và quyết thắng!

Lời động viên, dạy bảo của Bác đã làm dấy lên trong đồng bào và cán bộ các lực lượng vũ trang cách mạng Thừa Thiên Huế một tình cảm thiêng liêng, một lòng biết ơn sâu sắc và một niềm tin sắt đá vào sức mạnh của mình. Niềm tin và sức mạnh đó ngày càng được nâng lên gấp bội để vượt qua thử thách ác liệt, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến ngày toàn thắng.

Hôm nay, mảnh đất Cố đô đã sạch bóng quân thù, cùng với cả nước tiến lên CNXH. Lá cờ đỏ sao vàng thắm tươi – lá cờ từ trong giấc mơ “Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh” của Bác đã trải qua những chặng đường khói lửa của cuộc đấu tranh cách mạng, bây giờ đã tung bay trên mọi miền đất nước, kiêu hãnh trên đỉnh Phu Văn Lâu.

Lê Thị Mai An

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/tinh-cam-dac-biet-cua-nguoi-voi-xu-hue-140917.html