Tìm về ký ức đêm xoang
Phong tục những ngày Tết của người Kinh có bánh chưng, giò chả, đi lễ chùa, đi thăm và chúc tết họ hàng, bạn bè…
Tết của người dân tộc thiểu số bản địa ở Tây Nguyên không chỉ kéo dài ba ngày, mà có thể vài tuần, vài tháng, với thịt treo trong bếp, gà nướng, cơm ống và không thể thiếu tiếng cồng chiêng rộn rã cùng vòng xoang ngây ngất.
Tết của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên chính là mùa lễ hội ở Tây Nguyên, vào đầu mùa khô, khi lúa đã tuốt về đầy ắp trong kho. Tiết trời lành lạnh, không khí rạo rực, làm những đôi chân muốn nhún nhảy trong điệu nhạc của cồng chiêng...
Ngày nhỏ, tôi thường theo ba tôi rong ruổi những chuyến điền dã vào các buôn làng. Ba tôi là nhà nghiên cứu âm nhạc bản địa Tây Nguyên, nên những phong tục tập quán của người dân nơi đây, ông đều nắm khá rõ. Tôi theo ba đi vào những buôn làng người J’rai, Bahnar, ăn món thịt nướng, món cá treo gác bếp, miếng cơm gạo đỏ thơm dẻo, bùi bùi ngọt lừ trong miệng. Và hầu như ở đâu tôi cũng được tham dự một lễ hội cồng chiêng, một đêm xoang…
Những hình ảnh, âm thanh và mùi vị đặc biệt của những đêm xoang ấy là những ký ức đẹp đẽ của tôi suốt một thời thơ ấu. Trời ngả tối, những cây củi lớn, dài được tập hợp về khoảng đất trống trước nhà rông, gần cây nêu. Một đống lửa lớn được đốt lên, tiếng nổ lách tách của nó lẫn những vệt lửa bắn lên không trung, tạo ra một không gian ấm áp mà cũng đầy huyền bí, nó sưởi ấm không khí của một vùng rộng lớn. Rồi rượu cần, thịt, cơm ống nứa, măng rừng, rau rừng được mang ra, bày la liệt. Mùi khói củi, mùi thịt nướng, mùi cơm mới quện trong mùi sương, mùi cỏ cây, mùi đất đỏ… dâng lên thành một cảm giác kỳ lạ, bồi hồi trong lồng ngực.
Khi lửa bén củi thành những bó đuốc rực hồng thì cồng, chiêng, trống, chũm chọe bắt đầu cất tiếng. Sau những tiếng hú dài, những anh trai làng khỏe mạnh, da ngăm, đóng khố vung những đôi tay rắn chắc gõ vào núm cồng, cái chiêng, mặt trống, tạo nên một thứ âm thanh rạo rực. Rồi những cô gái chân trần, vai trần trong những bộ váy áo thổ cẩm nắm tay nhau nhún nhảy bước ra, tạo thành một vòng tròn lớn bao quanh đống lửa. Rồi họ mời nhau uống rượu cần khi hết một vòng xoang. Mùi rượu cần ngòn ngọt, thơm phức tan vào sương, như khuấy động thêm không gian, như lôi kéo, gọi mời thêm người nhập cuộc.
Đêm xoang Tây Nguyên
Đêm trong veo
Nhà rông bập bùng ánh lửa
Cô gái J’rai hát câu gì không rõ Trăng lên
Rượu cần lâu năm cất trong đáy mắt em Vít cần
Anh không dám uống
Điệu xoang nhịp nhàng Vòng người sóng sánh
Anh cứ sợ mình lạc mất nhau thôi
Tiếng hú bay xa chín suối mười đồi
Cái cồng con chiêng đêm nay cũng thức
Những bàn chân trần trên đất
Lướt đi rộn rã bồi hồi
Sao hôm đỏ mắt
Tây Nguyên ơi. Và mắt em thắp lửa
Đêm nay rượu cần - mưa đổ
“Cang” thứ ba rồi
Anh tỉnh như say.
Chính vì được hòa mình thật nhiều trong đêm xoang, mà không khí của những đêm xoang đó đã thấm đẫm trong lòng và nên tứ bài thơ “Đêm xoang Tây Nguyên” tôi viết vào năm 1994. Khi nhạc sĩ Văn Chừng phổ nhạc, bài “Đêm xoang Tây Nguyên” ấy đã trở thành bài hát phổ biến của những đêm lễ hội trên các tỉnh Tây Nguyên từ những năm 2000.
Một ngày cuối năm 2023, tôi trở về thăm phố núi Pleiku trong mùa hoa cúc quỳ rực rỡ. Một người bạn có tham vọng tổ chức riêng cho tôi một đêm xoang Tây Nguyên đúng nghĩa trên một góc gần Biển Hồ, sẽ có lửa, có đội cồng chiêng, có rượu cần, cơm ống nứa, thịt nướng và chắc chắn sẽ có một vòng xoang, để tôi được gặp gỡ, được xoang với các bạn bè yêu quý. Thật tiếc, vì một vài lý do đột xuất, đêm xoang ấy đã không thành. Một người bạn khác hứa sẽ tổ chức một đêm xoang khác cho tôi ở Sài Gòn, nhưng tôi xin phép từ chối. Vì xoang ở Sài Gòn không thể là một đêm xoang Tây Nguyên.
Bởi vì, tôi đã thấy, khi lớn lên, đi nhiều vùng đất, nhiều quốc gia khác và tham dự nhiều lễ hội, xem nhiều điệu múa khác nhau, nhưng tôi vẫn không thấy được ở đâu cảm giác mà điệu xoang mang lại cho tôi như trên mảnh đất Tây Nguyên.
Có lẽ là phải trời đất ấy, bầu trời cao mênh mông xanh ngắt, phải không khí lành lạnh mà trong veo ấy, cỏ cây và thời tiết ấy, với những con người Tây Nguyên phóng khoáng, xoang mới trở thành linh hồn của dân tộc bản địa, khi chỉ cần thông qua một điệu múa, là sự giao hòa trời đất đã tạo thành một không khí giản dị mà rất Tây Nguyên. Trong những chuyến hành trình đó, tôi không chỉ là người quan sát mà còn là người tham gia. Những đêm xoang ấy không chỉ là điệu múa cộng đồng, nơi ai cũng có thể múa được, mà còn là nơi tôi trở thành một phần của bức tranh văn hóa độc đáo này. Điều đặc biệt là mỗi người, từ trẻ nhỏ đến cao tuổi, từ người địa phương đến du khách xa xôi đều có thể tham gia vòng xoang, tạo nên không khí phấn khích và gần gũi. Đến một đứa bé như tôi, cũng có thể nhảy tót vào bãi cỏ, háo hức cầm lấy những bàn tay chìa ra của các cô gái, trở thành một nút thắt trong vòng người ấy, háo hức nhún nhảy theo nhịp chiêng, tiếng trống.
Xoang rất dễ múa. Chỉ cần 2, 3 nhịp điệu thôi là bạn đã có thể hòa mình vào vòng người, đi ngược chiều kim đồng hồ và nhịp nhàng như thế bạn đã như múa điệu múa này từ rất lâu rồi.
Với tôi, xoang không chỉ là đơn thuần là một điệu múa, mà là một nghệ thuật giao hòa, xóa nhòa đi khoảng cách giữa con người và con người. Đó là một hành trình tận hưởng sự gắn kết tâm linh, là nơi tâm hồn mỗi người cùng hòa mình vào bức tranh đẹp đẽ của văn hóa bản địa Tây Nguyên.
Xoang không chỉ là đơn thuần những động tác múa, mà còn là cách người dân bản địa gửi lời cầu nguyện tới trời đất - Yàng, nơi những ước vọng giản dị về một cuộc sống ấm no, yên bình và hạnh phúc, trong từng động tác, từng bước di chuyển nhịp nhàng của người Tây Nguyên.
Cùng với tiếng chiêng và trống, xoang vọng lên từ những cánh rừng, từ những buôn làng yên bình, thúc giục người dân vùng cao về cùng tham gia hội. Tiếng trống, tiếng chiêng là nhịp điệu của đêm xoang, là sự kêu gọi, mời gọi mọi người đến với nhau, tạo nên không khí cuồng nhiệt và hào hứng. Xoang không chỉ là một đêm hội, mà là hình ảnh đẹp của một cộng đồng sống động và đa dạng. Đó không chỉ là điệu múa, mà còn là sự tận hưởng niềm vui, trải nghiệm sức mạnh tinh thần của một cộng đồng màu sắc và đầy tính nhân văn. Không chỉ là nơi mọi người nắm tay nhau, mà còn là không gian của truyền thống và giao thoa văn hóa.
Xoang cũng là cách người dân Tây Nguyên chia sẻ cùng nhau. Những niềm vui và nỗi buồn, tất cả được kết nối và thể hiện qua đêm xoang, như một cuộc trò chuyện đậm chất nhân văn. Xoang không chỉ là những dịp ăn mừng lúa mới hay lễ Pơthi - bỏ mả, mà người ta còn múa trong những đám tang. Ở các hội làng hay dịp vui trong phạm vi gia đình, điệu xoang say sưa, rộn rã; song lúc ma chay, đau ốm thì tiết tấu chiêng, điệu xoang cũng chậm hơn, nhẹ nhàng hơn như thể hiện nỗi đau của sự chia ly. Vòng xoang lúc này nhằm an ủi, chia sẻ nỗi buồn đau với gia đình có người ra đi.
Tìm lại đêm xoang không chỉ là một sự đắm chìm vào văn hóa dân tộc, mà còn là cuộc rong ruổi trở lại quá khứ, theo bước chân chinh phục các vùng đất bản địa của ba tôi và những người đi trước, qua những con đường buôn làng, nơi tôi từng được nghe những câu chuyện đẹp về văn hóa Tây Nguyên. Những đêm xoang là thời điểm trời và đất hòa quyện, nơi tiếng chiêng, tiếng trống và vòng xoang kết thành một bản nhạc của núi rừng. Đó không chỉ là lễ hội, mà là niềm tin, là sự kết nối, tạo nên một bức tranh cuộc sống tuyệt vời.
Xem link nguồn
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tim-ve-ky-uc-dem-xoang-post265763.html