Tìm giải pháp căn cơ tiếp sức doanh nghiệp

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trợ lý Bí thư Thành ủy TP HCM - Chính phủ cần phải kiên trì mục tiêu về phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân

Phóng viên: Bên cạnh những kết quả rất đáng phấn khởi, báo cáo của Chính phủ cũng như Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đã chỉ ra một số khó khăn, tồn tại. Ông có thể phân tích rõ hơn về những thách thức của nền kinh tế?

- PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN: Bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng trân quý, chúng ta còn một số tồn tại, nhất là tình hình doanh nghiệp (DN) trong nước đang còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng DN rút lui khỏi thị trường tăng tới 20%. Cho nên, phải có những chính sách đồng bộ để hỗ trợ DN.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trợ lý Bí thư Thành ủy TP HCM

PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trợ lý Bí thư Thành ủy TP HCM

Điều mà DN cần nhất là thể chế, môi trường thuận lợi, tạo ra sự cạnh tranh công bằng. Điều DN cần tiếp theo là chính sách về thuế, phí. Cần tiếp tục miễn, giảm, giãn, hoãn các loại thuế, phí và tiền thuê đất. Vì sao chúng ta có thể làm được? Vì trong những năm qua, dù khó khăn nhưng thu ngân sách vẫn tăng, do đó nợ công năm 2023 mới kéo giảm xuống còn 37% GDP. Như vậy là còn dư địa rất lớn để tiếp tục dùng đòn bẩy chính sách tài khóa để hỗ trợ DN phục hồi. Khi DN phục hồi sẽ tạo công ăn, việc làm cho người dân.

Tình hình thế giới đang xuất hiện 3 đặc điểm cần lưu ý. Một là, khó lường, khó dự báo, diễn biến nhanh, xung đột địa chính trị… Điều đó đòi hỏi chúng ta phải phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho địa phương mới ứng phó kịp thời; nếu cứ phải xin giấy phép, phải chờ, làm thủ tục gửi ra các bộ thì sẽ không phù hợp, mất thời cơ.

Hai là, biến đổi khí hậu rất khắc nghiệt. Thế giới kiên định mục tiêu phát triển xanh, thân thiện với môi trường và giảm phát thải khí nhà kính nên sẽ xuất hiện vấn đề về thuế carbon, tín chỉ, thị trường carbon. Ngành nông nghiệp Việt Nam đang có lợi thế: Vừa tạo ra sản phẩm phục vụ thị trường 100 triệu dân, phục vụ xuất khẩu vừa có thêm nguồn thu là tín chỉ carbon... Vì vậy, phải có chính sách tiếp sức để nâng thế mạnh của nền nông nghiệp Việt Nam.

Ba là, thời đại ngày nay là cách mạng khoa học công nghệ, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, internet, big data... Cho nên, chúng ta phải có chính sách để thu hút nguồn nhân lực trong các lĩnh vực này, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài đang khao khát đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Những chính sách ấy phải hết sức cụ thể, không chỉ là về thu nhập.

Dệt may là một trong những ngành sản xuất của Việt Nam đang được phục hồi mạnh mẽ trong những tháng đầu năm 2024. Ảnh: TẤN THẠNH

Dệt may là một trong những ngành sản xuất của Việt Nam đang được phục hồi mạnh mẽ trong những tháng đầu năm 2024. Ảnh: TẤN THẠNH

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định 3 đột phá chiến lược. Chính phủ cũng đề ra 3 động lực tăng trưởng. Vậy đâu là những "nút thắt" cần phải tháo gỡ hiện nay, thưa ông?

- Bối cảnh kinh tế thế giới thời gian qua không thuận lợi, thậm chí rất bất lợi với những nước có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam, đòi hỏi chúng ta cần có các chính sách tương thích. Tình hình những tháng đầu năm 2024 cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn còn chịu tác động từ kinh tế thế giới do độ mở lớn; đồng thời lo lắng lạm phát tăng, xuất nhập khẩu giảm kéo theo nguồn thu ngân sách cũng giảm, nhất là với các mặt hàng đánh thuế cao như ô tô, máy móc thiết bị, sắt thép...

Bên cạnh việc kinh tế tăng trưởng, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, đã có những dấu hiệu cảnh báo cần quan tâm. Cụ thể, tỉ giá bắt đầu tăng trở lại, lạm phát cao hơn so với bình quân các năm trước. Đây là những cảnh báo về kinh tế vĩ mô, cần phải tăng cường kiểm soát.

Về bội chi ngân sách, chúng ta cũng đã kéo giảm. Thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt trên 1,754 triệu tỉ đồng, tăng 8,2% so với dự toán nhưng lại thấp hơn năm 2022 là 1,7%. Do đó, để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Tôi có 3 khuyến nghị đối với 3 động lực tăng trưởng (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng).

Về tình hình xuất khẩu, 4 tháng đầu năm dù thuận lợi nhưng chỉ là trước mắt. Về lâu dài, với các xung đột chính trị trên thế giới; tình hình bảo hộ mậu dịch, thực hiện những điều ước quốc tế, các FTA... nên xuất khẩu trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn. Rồi yêu cầu về chuyển đổi xanh của kinh tế thế giới. Khối EU cảnh báo sẽ áp dụng thuế carbon đối với các mặt hàng ảnh hưởng đến môi trường, thải khí nhà kính... Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ DN chuyển đổi xanh. Cũng cần quan tâm đến thị trường nội địa với 100 triệu dân, trong đó tầng lớp trung lưu chiếm khoảng 13% và dự kiến năm 2026 là 26% dân số. Như vậy, chúng ta có điều kiện để quan tâm hơn nữa đến thị trường nội địa và khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Về đầu tư, cần ưu tiên thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường và kết nối với DN trong nước. Khu vực đầu tư dân doanh đang gặp rất nhiều khó khăn khi số DN rút khỏi thị trường 3 năm qua không ngừng tăng. Do vậy, cần có những chính sách hỗ trợ nhiều hơn, như miễn, giảm thuế, phí, gia hạn nợ, cơ cấu nợ... để tiếp sức DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Đầu tư công là động lực quan trọng. Cần nỗ lực nhiều hơn trong việc giải ngân để đồng bộ hạ tầng giao thông, thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm.

Về tiêu dùng, người dân đã bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch COVID-19, sau đó là lạm phát, đơn hàng xuất khẩu bị cắt..., nên cần tiếp tục giảm thuế, phí. Trong đó, việc giảm 2% thuế GTGT cần tiếp tục thực hiện, thậm chí có thể giảm 3% và kéo dài đến cuối năm 2024.

Về 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực) trong phát triển KT-XH, chúng ta đang nỗ lực hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và thông qua 10 luật. Chính phủ cần ban hành các văn bản triển khai thực hiện nhanh hơn, đồng bộ hơn. Đặc biệt, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền các địa phương để bảo đảm tính ứng phó kịp thời, điều hành linh hoạt. Khi phân cấp, phân quyền phải bảo đảm toàn bộ, trọn gói cho địa phương.

Chúng ta cần quan tâm đầu tư hơn nữa về hạ tầng giao thông, dự án, công trình trọng điểm mang tính dẫn dắt, thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, quan tâm hơn nữa đến nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục, y tế... bằng những chính sách thu hút, đãi ngộ xứng đáng.

Chính phủ đã đề ra 11 nhóm giải pháp phát triển KT-XH trong những tháng còn lại của năm 2024. Ông đánh giá thế nào và có khuyến nghị gì?

- 11 giải pháp Chính phủ đưa ra là đồng bộ và cần thiết. Vấn đề còn lại là nên chia ra những giải pháp dài hạn và trước mắt để thực hiện cho được, tháo gỡ khó khăn của DN trong giai đoạn hiện nay. Về dài hạn, phải kiên trì mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Do đó, bên cạnh giải pháp ngắn hạn phải có giải pháp dài hạn song hành.

Các giải pháp của Chính phủ đang đi đúng hướng, song vấn đề là cần nỗ lực nhiều hơn và phải có những bước đi bài bản. Cụ thể như đầu tư công, phải tiếp tục kiên định đầu tư. Vấn đề còn lại là phải đầu tư đúng và nhanh, hiệu quả để bảo đảm đồng bộ. Khi hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ sẽ lan tỏa đến khu vực đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, cần có những chính sách hỗ trợ, đầu tư cho địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, như khu vực ĐBSCL. Như vậy mới đồng bộ, vừa bảo đảm phát triển vừa ứng phó được những vấn đề trước mắt.

DN đang gặp nhiều khó khăn và rút lui khỏi thị trường với số lượng lớn. Vì vậy, cần phải tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp căn cơ để hỗ trợ, tiếp sức DN; làm sao để người dân tự tin bỏ vốn tham gia, mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội

Bước vào tuần làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 7, hôm nay (27-5), Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Ngày 28-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Ngày 29-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.

Ngày 30-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025; dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Ngày 31-5, Quốc hội nghe Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng; thảo luận ở tổ về những dự thảo này...

Văn Duẩn thực hiện

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tim-giai-phap-can-co-tiep-suc-doanh-nghiep-196240526221228027.htm