Tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác phòng cháy

Sáng 14.5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 33, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Tăng cường quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

Tờ trình dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long trình bày cho biết, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Trong đó, có Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 25.6.2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Kết luận số 02-KL/TW ngày 18.5.2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy…

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ còn hết sức hạn chế.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật”. Nhưng, hoạt động cứu nạn, cứu hộ đối với những tai nạn, sự cố thông thường xảy ra trong đời sống hàng ngày chưa được quy định cụ thể trong văn bản luật, chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và không phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Thực tế cũng cho thấy, tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, gây ra những thiệt hại về người và tài sản, đòi hỏi cấp thiết phải tăng cường các giải pháp, biện pháp, yêu cầu để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.

Do đó, cần thiết phải xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ảnh: Hồ Long

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ảnh: Hồ Long

Dự thảo Luật gồm 9 chương, 65 điều, đã bổ sung quy định về phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ để cụ thể hóa và thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bổ sung và quy định bao quát hơn các nội dung có liên quan đến quản lý về phòng cháy, chữa cháy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đồng thời, kế thừa, bổ sung các quy định để khắc phục những vướng mắc, bất cập và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động phòng cháy; bỏ các nội dung hiện đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật…

Bổ sung đầy đủ, cụ thể hơn các quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ

Báo cáo thẩm tra dự án Luật, do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày, nêu rõ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm thể chế đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về công tác này; luật hóa những quy định hiện hành và bổ sung quy định đầy đủ, toàn diện về hoạt động cứu nạn, cứu hộ mà lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đang được giao đảm nhiệm nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để nâng cao hiệu quả công tác này trong thực tiễn, tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới.

Cơ bản tán thành tên gọi, phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Luật, song một số ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, cần thể hiện rõ Luật này chỉ điều chỉnh đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ do lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện; bổ sung nội dung điều chỉnh “quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” tại Điều 1 và rà soát, thể hiện đầy đủ các chương của dự thảo Luật. Bổ sung đầy đủ, cụ thể hơn các quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ; tiếp tục rà soát, sắp xếp để bảo đảm sự cân đối, logic giữa các chương, điều của dự thảo Luật.

Quy định cụ thể hơn về phòng cháy đối với nhà ở

Đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; cho rằng dự thảo Luật đã cơ bản bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về công tác này; phù hợp với quy định của Hiến pháp; cơ bản bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, đây là dự án Luật rất quan trọng, tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội, đời sống của Nhân dân và doanh nghiệp, gắn với bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Do đó, "vừa cần khẩn trương nhưng cũng phải nghiên cứu, rà soát một cách kỹ lưỡng để khắc phục những bất cập, hạn chế, đồng thời, có những đổi mới phù hợp, khả thi, gắn với đời sống kinh tế - xã hội", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý.

Chỉ rõ những bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, cần có những đúc kết, rút kinh nghiệm để hạn chế tối đa số vụ cháy, nổ cũng như thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bám sát sự chỉ đạo của Đảng để có giải pháp lãnh đạo từ Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của MTTQ và các đoàn thể đối với công tác phòng cháy, chữa cháy.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: Hồ Long

Bên cạnh đó, cần bám sát Nghị quyết số 99/2019/QH14, ngày 27.11.2019, của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và Báo cáo giám sát của Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về “Việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020 - 2022” - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Tán thành với phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần có đánh giá và rà soát kỹ lưỡng bởi công tác cứu nạn, cứu hộ liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, có sự giao thoa lớn. Đồng thời, quy định cụ thể hơn về cơ chế phối hợp chỉ huy, hỗ trợ liên quan đến cứu hộ, cứu nạn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quy định về quy hoạch phòng cháy, chữa cháy - nội dung hiện chưa được quy định trong dự thảo Luật. Vì vậy, cần đặt nội dung này trong tổng thể phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.

Về Chương II - Phòng cháy, nêu rõ nội dung chương này về cơ bản đã luật hóa các chỉ đạo của Đảng, nội dung được nêu trong Nghị quyết 99/2019/QH14 của Quốc hội, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “phòng hơn chống”; đề nghị, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu thêm về nội dung này để tiếp tục phân cấp, phân quyền trong việc thẩm tra, thẩm định thiết kế phòng cháy, chữa cháy, nghiệm thu và kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Theo đó, cần rà soát kỹ Điều 14, Điều 15 dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi và cụ thể hơn về phòng cháy, chữa cháy.

Về phòng cháy đối với nhà ở quy định tại Điều 17, dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề được người dân quan tâm, nhưng dự thảo Luật "chưa có điểm mới, nét mới". Do đó, cần có các quy định cụ thể về nội dung này cũng như các quy định về điều kiện bảo đảm phòng cháy, chữa cháy cơ sở nhà ở, đặc biệt là nhà ở kết hợp với dạng sản xuất kinh doanh - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, một số quy định về giải thích từ ngữ trong dự thảo Luật còn chung chung, sẽ gây khó khăn cho quá trình áp dụng cụ thể. Ví dụ, Khoản 13, Điều 3, dự thảo Luật quy định, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành là lực lượng được thành lập để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại một số cơ sở thuộc lĩnh vực có nguy hiểm về cháy, nổ. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị, cần làm rõ khái niệm một số cơ sở thuộc một số lĩnh vực có nguy hiểm về cháy, nổ và cụ thể các tiêu chí, lĩnh vực trong dự thảo Luật để bảo đảm tính công khai, minh bạch. Cùng với đó, cần rà soát thêm các quy định để bảo đảm thống nhất, dễ hiểu, thuận tiện trong quá trình thực hiện.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì xây dựng dự thảo thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội để ban hành.

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh hoàn thiện Báo cáo thẩm tra gửi đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy theo đúng quy định và bảo đảm chất lượng.

Chính phủ chỉ đạo Ban soạn thảo khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ sung các báo cáo, hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu, gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội để gửi cho đại biểu Quốc hội đúng thời gian, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

N. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/tiep-tuc-tang-cuong-phan-cap-phan-quyen-trong-cong-tac-phong-chay-i371688/