Tiếp tục kiến nghị Trung ương sớm bố trí vốn để nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 62
Sáng 22/10, diễn ra phiên thảo luận Tổ đầu tiên của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV về kết quả thực hiện kế hoach phát triển kinh tế - xã hội (KT -XH) năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển KT - XH năm 2023; các báo cáo, tờ trình về ngân sách nhà nước; Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM.
Đại biểu Lê Thị Song An - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần ưu tiên bố trí nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến giao thông có tác động đến phát triển KT - XH cho vùng, nhất là Quốc lộ 62, N2 và cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Theo đại biểu Lê Thị Song An: Trong 9 tháng năm 2022, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực. Đây là tín hiệu rất phấn khởi cho sự phát triển đất nước sau tác động của thiên tai và đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, qua tiếp xúc truớc kỳ họp của Đoàn ĐBQH tỉnh Long An, cử tri còn băn khoăn về tình trạng “được mùa - mất giá”, làm cho người nông dân chưa an tâm sản xuất. Qua đây, đại biểu Lê Thị Song An tiếp tục kiến nghị Chính phủ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công thương cần có các giải pháp chỉ đạo quyết liệt hơn trong việc bình ổn giá cả vật tư nông nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến thị trường tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, giúp người nông dân an tâm sản xuất. Tập trung rà soát, hướng dẫn người dân sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật (như GlobalGap; VietGap,…) nhằm góp phần nâng cao chất lượng giá trị sản xuất của hàng nông sản Việt. Song song đó, ban hành các cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Để thực hiện đồng bộ giải pháp đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế, đại biểu Lê Thị Song An đề nghị Quốc hội và Chính phủ ưu tiên bố trí các nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng. Đây là những dự án đã đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Đồng thời, ban hành các cơ chế thông thoáng hơn cho địa phương thực hiện các dự án hạ tầng giao thông như Đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, Đường vành đai 3 TP.HCM,... Đặc biệt, sớm bố trí nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 62, vì hiện nay tuyến Quốc lộ này đã xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường hư hỏng, nhỏ, hẹp không đáp ứng đủ nhu cầu giao thông cũng như tiềm ẩn các yếu tố mất an toàn giao thông. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công đưa vào khai thác sử dụng cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Tiếp tục nghiên cứu đưa việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ N2 đoạn Đức Hòa (tỉnh Long An) đến Mỹ An (tỉnh Đồng Tháp) vào kế hoạch đầu tư công để triển khai thực hiện trong thời gian tới. Đại biểu Lê Thị Song An cho rằng, đây là các tuyến đường có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng, tăng cường kết nối và tạo động lực cho sự phát triển KT - XH các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải sớm có chủ trương thu phí trở lại đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương nhằm tạo nguồn thu cho công tác duy tu, bảo dưỡng và bổ sung nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối phát triển KT - XH cho các tỉnh trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Chính phủ sớm có tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội sửa đổi; bổ sung Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; bổ sung thông tin về nơi sinh trong Hộ chiếu điện tử cho phù hợp với các quy định và thông lệ quốc tế, góp phần phát triển du lịch, kinh tế đối ngoại, cũng như công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm điều chỉnh tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức; có các giải pháp quản lý chặt chẽ hơn, tạo môi trường không gian mạng lành mạnh, an toàn và văn minh; kịp thời xử lý có hiệu quả các hành vi nói xấu, bôi nhọ, cá cược, cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng./.