Tiếp tục đấu thầu vàng miếng, sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng

Đây là những giải pháp được ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu ra tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối buổi sáng 13-5 để hạ cơn sốt giá vàng.

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trước năm 2022, do bất cập của thị trường vàng nên Chính phủ ban hành Nghị định 24 với mục tiêu công nhận quyền sở hữu hợp pháp người dân, sắp xếp lại thị trường vàng miếng, nghiêm cấm dùng vàng làm cơ sở thanh toán. Sau giải pháp này, thị trường diễn biến ổn định.

Những năm gần đây do ảnh hưởng Covid-19, lạm phát tăng cao nên giá vàng quốc tế tăng mạnh khiến trong nước tăng theo. Từ năm 2022 trở lại đây, thị trường trong nước bộc lộ hạn chế, chênh lệch giá trong nước và quốc tế duy trì ở mức cao.

“Nguyên nhân chủ yếu do giá thế giới tăng khi kim loại quý trong nước phụ thuộc thị trường quốc tế. Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới tăng 14%. Cùng đó, nguồn cung vàng trong nước hạn chế, nên chênh lệch giá trong nước cao so với quốc tế”, ông Phạm Thanh Hà lý giải.

Các đại biểu dự phiên họp

Về giải pháp, trước mắt là bổ sung nguồn cung cho thị trường. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu với khối lượng phù hợp nhằm ổn định giá, giảm chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới.

Ngân hàng Nhà nước cũng tăng các biện pháp hỗ trợ quản lý thị trường, tăng cường quản lý nhà nước với thị trường vàng theo quy định tại Nghị định 24. Cùng đó, cơ quan này tiếp tục thanh tra doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh, mua bán vàng miếng, chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh chấp hành nghiêm quy định về hóa đơn thanh toán, kiểm soát giao dịch mua bán.

Dự kiến ngày 14-5, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng và tuần này sẽ còn có thêm một phiên đấu thầu nữa. Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất thêm giải pháp quản lý thị trường vàng, trong đó việc sửa Nghị định 24.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị bình tĩnh để “tìm đúng bệnh, bốc đúng thuốc"

Cùng giải trình vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định, vàng là hàng hóa đặc biệt, có sự liên thông với thị trường ngoại tệ, liên quan rất lớn tới điều hành kinh tế vĩ mô.

“Trước năm 2012, vàng còn “nhảy múa” hơn. Lúc đó có 8 doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng. Sau khi triển khai thi hành nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm nhập vàng nguyên liệu khi có nhu cầu. Việc kinh doanh phải đảm bảo điều kiện rất chặt chẽ”, ông Lê Minh Khái phân tích.

Tuy nhiên, vừa rồi tình hình có biến động, có sự chênh lệch giá rất lớn so với thị trường thế giới. Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng nhiều giải pháp; mấy ngày gần đây tình hình thị trường có biến chuyển nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi.

“Nếu ta không kiểm soát bằng các giải pháp đồng bộ thì rất khó”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo hóa đơn đầu ra - đầu vào được xuất theo từng lần giao dịch. Tiếp tục giữ chắc nguồn cung, không để xảy ra tình trạng nhập lậu vàng miếng (riêng vàng trang sức mỹ nghệ thì giao cho các doanh nghiệp đủ điều kiện).

Chia sẻ với sự “sốt ruột” của các thành viên UBTVQH, song, Phó Thủ tướng cho rằng, cần đánh giá kỹ, bình tĩnh để “tìm đúng bệnh, bốc đúng thuốc".

Dự kiến ngày mai (14-5), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ tiếp tục có cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước về quản lý, điều hành thị trường vàng.

Hai tuần gần đây, 5 phiên đấu thầu được Ngân hàng Nhà nước tổ chức với mục đích tăng nguồn cung ra thị trường, hạ nhiệt giá vàng miếng so với thế giới. Tuy nhiên, các phiên thầu được đánh giá là chưa thành công. Khoảng 8% lượng vàng chào thầu được đưa ra thị trường nhưng giá vẫn liên tục đi lên.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tiep-tuc-dau-thau-vang-mieng-sua-nghi-dinh-24-ve-quan-ly-thi-truong-vang-post739620.html