Tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp

BHG - Tỉnh ta có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp (DLNN). Tập trung khai thác và phát triển loại hình du lịch này là một trong những giải pháp được tỉnh quan tâm triển khai, thực hiện nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, góp phần từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

DLNN là loại hình du lịch trải nghiệm, tạo ra sản phẩm du lịch dựa trên hoạt động sản xuất nông nghiệp. Loại hình du lịch này không chỉ mang đến cho du khách trải nghiệm thú vị, mới lạ mà còn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, loại hình du lịch này khá phát triển. Việc phát triển DLNN được thực hiện song song với các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và đều tuân thủ nguyên tắc du lịch trải nghiệm, khai thác các giá trị tổng hợp dựa trên thành quả của ngành Nông nghiệp.

Ruộng bậc thang xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) là sản phẩm du lịch nông nghiệp tiềm năng thu hút khách du lịch.

Tại tỉnh ta, Nông nghiệp hiện vẫn là ngành kinh tế quan trọng, giữ vai trò trụ đỡ trong nền kinh tế. Trong sản xuất nông nghiệp, với những điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, lượng mưa, những năm qua, tỉnh tập trung phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao và tổ chức sản xuất thành các sản phẩm hàng hóa đặc sản như: Cam Sành, chè Shan tuyết, Thảo quả, Hồng không hạt, Tam giác mạch, mật ong Bạc hà, lợn đen Lũng Pù, bò Vàng… Từ phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đến nay, toàn tỉnh xây dựng, phát triển được hơn 200 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 – 4 sao OCOP cấp tỉnh; đặc biệt, tỉnh có 2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia là sản phẩm Trà xanh và Hồng trà hộp 100 gam của Hợp tác xã chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì).

Có thể thấy, những sản phẩm nông nghiệp kể trên đều là những sản phẩm mang tính đặc trưng, chủ lực của tỉnh, có giá trị kinh tế cao, được người dân và khách du lịch ưa chuộng, tin dùng. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để tỉnh phát triển sản phẩm DLNN. Trên cơ sở đó, những năm qua, tỉnh tập trung đầu tư phát triển loại hình DLNN và một số sản phẩm đặc trưng chất lượng cao như: Sản phẩm du lịch Ruộng bậc thang ở huyện Hoàng Su Phì; hoa Tam giác mạch ở 4 huyện vùng Cao nguyên đá; khám phá cây chè Shan tuyết cổ thụ trên đỉnh Tây Côn Lĩnh; trải nghiệm những vườn cam Sành ở Bắc Quang… Các sản phẩm DLNN được khai thác đã đem đến nhiều cung bậc cảm xúc cho du khách, giúp họ có được trải nghiệm khác biệt; nhiều sản phẩm nông nghiệp cũng được kết nối, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ qua loại hình du lịch này.

Anh Cù Minh Hiếu, du khách đến từ tỉnh Phú Thọ chia sẻ: Tôi vừa có chuyến tham quan, trải nghiệm tại thôn vùng cao Xà Phìn của xã Phương Tiến (Vị Xuyên). Nơi đây có khí hậu trong lành, mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên đẹp, có nhiều món ăn dân tộc độc đáo, hấp dẫn. Nhưng điều khiến tôi ấn tượng hơn là những vườn chè Shan tuyết cổ thụ canh tác theo hướng hữu cơ. Được biết, toàn thôn có hơn 32 ha chè Shan tuyết, trong đó có nhiều cây lên đến hàng trăm năm tuổi. Hương vị chè nơi đây rất ngon, màu vàng xanh, ngọt hậu. Sau chuyến khám phá rừng chè, tôi cũng không quên mua mấy gói chè về thưởng thức và làm quà cho bạn bè.

Du khách quốc tế hào hứng trải nghiệm bắt cá chép ruộng ở Hoàng Su Phì. Ảnh: Yên Hoa

Để phát triển ngành Du lịch nói chung và sản phẩm DLNN nói riêng, tỉnh đã ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách để triển khai, thực hiện, điển hình trong đó có Nghị quyết số 11 năm 2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch số 43 năm 2022 của UBND tỉnh về phát triển sản phẩm du lịch giai đoạn 2022 – 2025; Nghị quyết số 10 năm 2023 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đến năm 2028 trên địa bàn tỉnh. Qua triển khai các nghị quyết, kế hoạch của tỉnh đã tác động tích cực đến ngành Du lịch, lượng khách du lịch đến tỉnh không ngừng tăng; riêng trong tháng 10.2023, toàn tỉnh đón hơn 283.000 lượt người, tăng 10,4% so với tháng trước và tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu từ du lịch đạt hơn 666 tỷ đồng.

Với những chủ trương, chính sách của tỉnh, loại hình DLNN đang từng bước phát triển, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách đến Hà Giang. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển DLNN còn nhiều hạn chế cần khắc phục, đó là: Phần lớn các hoạt động DLNN và DLNN chất lượng cao trên địa bàn tỉnh vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy hoạch và kết cấu hạ tầng về du lịch chưa thực sự đồng bộ; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường du lịch ngày một phát triển của các tỉnh trong khu vực; nguồn thu nhập của người dân địa phương từ loại hình DLNN còn hạn chế, phần lớn chi tiêu của du khách đối với DLNN chỉ dừng lại ở sử dụng dịch vụ lưu trú, mua vé tham quan, ăn uống mà chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ…

Để nâng tầm DLNN, tạo nguồn sinh kế giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH, thiết nghĩ ngành chuyên môn cần tham mưu cho tỉnh xây dựng quy hoạch chi tiết không gian phát triển các trang trại, nhà vườn gắn với phát triển nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc trưng chất lượng cao, sản phẩm truyền thống của từng địa phương nhằm tạo ra tính thống nhất để khai thác tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm DLNN hiệu quả; xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, hấp dẫn nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân liên kết, đầu tư phát triển lĩnh vực DLNN; chú trọng xây dựng các sản phẩm DLNN đặc sản, đặc trưng chất lượng cao phục vụ cho phát triển du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch trên nền tảng số…

Bài, ảnh: TRẦN KẾ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202311/tiem-nang-phat-trien-san-pham-du-lich-nong-nghiep-6533a2d/