Tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn trong thực phẩm đường phố

Triển khai Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2024 diễn ra từ 15/4 - 15/5, Hà Nội thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành cũng như chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác lấy mẫu kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng thực phẩm.

Qua kiểm tra ban đầu cho thấy, chất lượng thực phẩm cung ứng ra thị trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng khi không may sử dụng.

Nhiều cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 70.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Qua kiểm tra, huyện Thanh Oai hiện có 1.923 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Đây là địa phương có tốc độ phát triển các ngành nghề chế biến thực phẩm nhanh, chủ yếu là miến, giò, chả, bún bánh..., trong tổng số 653 mẫu thực phẩm được lấy xét nghiệm nhanh, cơ quan chức năng xác định có 17 mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý.

Thức ăn đường phố thường tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tương tự tại huyện Quốc Oai, đoàn kiểm tra tổ chức lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm dù với số lượng mẫu còn rất khiêm tốn, nhưng trong tổng số 17 mẫu được phân tích, đánh giá chất lượng, cơ quan chức năng xác định có 2 mẫu không đạt chỉ tiêu theo quy định về an toàn thực phẩm khi xét nghiệm nhanh.

Tại huyện Thạch Thất có tổng số 2.156 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó chỉ có 49 cơ sở thuộc cấp thành phố quản lý, còn lại là các cơ sở do huyện, xã quản lý. Huyện Thạch Thất tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật đối với 402 cơ sở. Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng, ghi nhận có 11 cơ sở vi phạm quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, trong đó tập trung chủ yếu vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Các cơ quan chức năng của huyện đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 cơ sở, với tổng số tiền 75 triệu đồng.

Trong quá trình kiểm tra, kết quả lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm tại nhiều quận, huyện, thị xã cũng cho ra kết quả đáng lo ngại. Khi tiến hành xét nghiệm nhanh, nhiều mẫu thực phẩm chưa đáp ứng được các chỉ tiêu về hóa lý, vi sinh. Điều này cho thấy chất lượng thực phẩm cung ứng ra thị trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng khi không may sử dụng.

Bên cạnh đó, các hàng quán vỉa hè, hàng rong bán đồ ăn uống không có nhãn mác, không có giấy phép kiểm định an toàn thực phẩm, đang thu hút nhiều học sinh tiêu thụ với mức giá rất rẻ. Cụ thể là ở khu vực gần một số trường học thuộc quận Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng... Xiên thịt nướng hay ly nước ngọt chỉ có giá 2.000 đồng. Thực phẩm thịt xiên, các loại viên rán rau củ quả, cá, tôm, bò... không rõ nguồn gốc, được chiên rán bằng dầu không rõ nguồn gốc xuất xứ, lại tái sử dụng nhiều lần dẫn tới nguy cơ gây độc cho chính đồ ăn.

Kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm

Theo chuyên gia dinh dưỡng Phạm Thị Liên, nguyên nhân chính gây ra ngộ độc thực phẩm là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh; ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, thực phẩm ôi thiu, hết hạn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản và chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, dụng cụ; quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm chưa đúng cách…

Lý giải về vấn đề ngộ độc thực phẩm, chuyên gia dinh dưỡng Phạm Thị Liên cho rằng, thực phẩm hết hạn sử dụng có thể chứa vi khuẩn gây bệnh. Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm có thể kể đến như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, sốt và trong trường hợp nghiêm trọng làm mất nước, gây tổn thương nội tạng. Do vậy, trong ăn uống phải sử dụng thực phẩm an toàn có nguồn gốc xuất xứ, không nên ăn thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh.

Để kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Phùng Khắc Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, huyện tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thường xuyên suốt cả năm chứ không chỉ trong Tháng hành động Vì an toàn vệ sinh thực phẩm. Triển khai Tháng hành động Vì an toàn vệ sinh thực phẩm, huyện chỉ đạo các phòng, ban xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể.

Cùng với đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, huyện tổ chức 2 đoàn liên ngành, 3 đoàn chuyên ngành và 23 đoàn tuyến xã, thị trấn để kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm các cơ sở có vi phạm để bảo đảm tính răn đe, ông Phùng Khắc Sơn thông tin.

Theo ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trong quá trình kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2024 tại các địa phương, Đoàn liên ngành số 2 thành phố Hà Nội chủ trương thực hiện nghiêm túc. Nhiều cơ sở có vi phạm đã bị đoàn kiểm tra lập biên bản, giao lại cho chính quyền địa phương và đề nghị xử phạt hành chính.

Không chỉ trong Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm mà từ nay đến cuối năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền kết hợp với kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cần tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm, đánh giá sớm nguy cơ mất an toàn thực phẩm; thu hồi, tiêu hủy sản phẩm không đạt tiêu chuẩn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp có vi phạm.

Nam Giang

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/tiem-an-nhieu-nguy-co-khong-an-toan-trong-thuc-pham-duong-pho-i730999/