Tích hợp liên môn, SGK Công nghệ tạo hứng thú cho học sinh khám phá, sáng tạo
Tích hợp STEM vào chương trình học, SGK Công nghệ giúp giáo viên dễ dàng tổ chức các hoạt động thực hành, mang lại hiệu quả học tập cao hơn cho học sinh.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã mang đến nhiều thay đổi quan trọng, hướng tới việc phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất cho học sinh. Một trong những điểm mới nổi bật là sự tích hợp giữa lý thuyết và thực hành trong các môn học, đặc biệt là môn Công nghệ. Việc áp dụng các phương pháp giáo dục hiện đại không chỉ giúp học sinh nắm vững kiến thức mà còn rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Tác giả nói về điểm mới của sách giáo khoa Công nghệ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Hồng, Tổng chủ biên sách giáo khoa Công nghệ, bộ Chân trời sáng tạo nêu ra một số điểm mới của bộ sách giáo khoa Công nghệ này, giúp đáp ứng các yêu cầu phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ nhất, sách bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018, đảm bảo phát triển phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và năng lực công nghệ cho học sinh. Đặc biệt, sách vận dụng tiếp cận giáo dục STEM trong phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Điều này được thể hiện thông qua các bài học có cấu trúc theo dạng chủ đề tích hợp, kết hợp khám phá kiến thức mới với thực hành phát triển kỹ năng và luyện tập, vận dụng, bên cạnh các dự án học tập.
Mỗi bài học của sách đều bắt đầu từ một vấn đề thực tiễn để học sinh giải quyết trong bài thông qua các hoạt động học tập mang tính trải nghiệm cao. Kết quả học tập được đánh giá theo sảm phẩm minh chứng khả năng giải quyết vấn đã được đặt ra, kết hợp đánh giá quá trình học sinh tham gia các hoạt động khám phá, thực hành để giải quyết vấn đề của bài học.
Thứ hai, sách chú trọng đến bản chất của khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong nội dung học tập của các bài học thông qua nguyên lý, cấu trúc, ứng dụng của sản phẩm công nghệ trong cuộc sống, đồng thời nhấn mạnh vật liệu, dụng cụ, các bước trong quy trình thiết kế và chế tạo minh họa mô hình sản phẩm phù hợp thực tế.
Thứ ba, sách dễ dạy cho giáo viên và dễ học cho học sinh nhờ các bài học được xây dựng với nội dung mang tính phổ thông, cốt lõi; sản phẩm công nghệ thiết thực, gần gũi với đời sống, phù hợp điều kiện dạy học; các bước thực hành minh họa rõ ràng, dễ thực hiện; linh hoạt trong dạy và học.
Thứ tư, sách chú trọng tích hợp giáo dục môi trường và giáo dục tài chính trong nội dung học tập như: giáo dục ý thức xây dựng môi trường xanh thông qua sử dụng công nghệ; hướng dẫn sử dụng vật liệu thân thiện môi trường trong thiết kế, chế tạo sản phẩm; giáo dục sử dụng và phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo; hướng dẫn tính toán chi phí vật liệu để làm đồ chơi và mô hình sản phẩm công nghệ.
Thứ năm, sách phù hợp với đặc điểm nhận thức theo lứa tuổi học sinh thông qua tính thiết thực, hấp dẫn, dễ hiểu của nội dung; sự kết hợp hài hòa, cân đối giữa kênh hình và kênh chữ trong trang sách; hình ảnh sinh động và câu từ rõ ràng, trong sáng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Hồng cho biết, nhờ áp dụng phương pháp giáo dục STEM vào các bài học, sách giáo khoa Công nghệ giúp học sinh phát triển tư duy phản biện và sáng tạo một cách hiệu quả. Đây chính là điểm mạnh của môn học này, với nội dung có tính liên môn cao và gắn liền với thực tiễn. Đặc biệt, môn Công nghệ kế thừa kiến thức từ Toán học, Khoa học tự nhiên và Tin học, giúp giáo viên dễ dàng triển khai các phương pháp dạy học trải nghiệm như giải quyết vấn đề, khám phá, thực hành và dự án. Qua đó, học sinh có thể phát triển năng lực giao tiếp, hợp tác, tư duy phản biện và sáng tạo.
Sách còn dễ dạy và dễ học, nội dung linh hoạt, gần gũi với cuộc sống, và phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Nhờ đó, sách đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và học tập ở nhiều vùng miền khác nhau. Ngoài ra, sách cũng tích hợp các bài học định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ (STEM), giúp học sinh có được những kiến thức nền tảng quan trọng để chuẩn bị cho hành trình hướng nghiệp sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở.
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Công nghệ cấp trung học cơ sở đã giới thiệu các chủ đề công nghệ mới từ lớp 8 và lớp 9. Đặc biệt, nội dung trải nghiệm nghề nghiệp trong môn Công nghệ 9, với mô đun Nông nghiệp 4.0, mang đến cho học sinh những kiến thức cơ bản về nông nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Học sinh có cơ hội thực hành thiết kế và lắp ráp mạch điện, ứng dụng công nghệ tưới tiêu tự động trong nông nghiệp và đánh giá các xu hướng phát triển của nông nghiệp công nghệ cao. Qua các chủ đề này, các em tiếp cận được những công nghệ hiện đại như Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), máy bay không người lái, robot thông minh và công nghệ Blockchain. Các em cũng thực hành sử dụng các thiết bị cảm biến thông minh để chế tạo mô hình tưới tiêu tự động.
Thầy Hồng chia sẻ, khi lắng nghe ý kiến của các giáo viên, đa số giáo viên đánh giá cao tính mới mẻ, thực tiễn và dễ hiểu của sách giáo khoa Công nghệ. Bộ sách giúp giáo viên dễ dàng tổ chức các hoạt động học tập tích cực, giúp học sinh hứng thú hơn với môn học so với trước đây. Tuy nhiên, một số giáo viên từ các bộ môn khác khi được phân công dạy môn Công nghệ do thiếu giáo viên chuyên ngành đã gặp phải khó khăn.
Hỗ trợ học sinh trung học cơ sở định hướng nghề nghiệp
Cô Huỳnh Thị Hồng Cẩm - giáo viên Công nghệ cấp trung học cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bộ sách giáo khoa Công nghệ thuộc bộ Chân trời sáng tạo mà hiện nay trường đang sử dụng rất phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là đối với khối 8.
Bàn sâu về nội dung sách giáo khoa Công nghệ 8, cô Hồng Cẩm cho biết chương trình được chia thành 4 phần: Vẽ Kỹ Thuật, Cơ Khí, Kỹ Thuật Điện và Thiết Kế Kỹ Thuật. Các chương học đều liên kết chặt chẽ với nhau, giúp học sinh không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn có thể ứng dụng ngay vào các dự án thực tế. Chẳng hạn, sau khi học xong Bản vẽ kỹ thuật, học sinh có thể vận dụng kiến thức này để thiết kế bản vẽ cho các dự án tiếp theo như lắp ráp cánh tay rô-bốt thủy lực.
Theo cô Hồng Cẩm, điểm hay của sách giáo khoa Công nghệ 8 chính là việc hình thành và phát triển năng lực cho học sinh thông qua các chuỗi hoạt động như Khởi động, Khám phá, Luyện tập, Vận dụng và Kết luận. Sách còn tạo cơ hội cho học sinh thực hành qua các dự án như thiết kế và lắp ráp mô hình cánh tay rô-bốt hay mô hình bồn rửa tay.
"Khi thực hiện các dự án này, học sinh rất hứng thú với việc tự tay đo, cắt và lắp ráp theo hướng dẫn, dù có thể những sản phẩm đầu tiên chưa hoàn thiện. Điều quan trọng là qua quá trình đó, các em được trải nghiệm, củng cố kiến thức và phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề cũng như năng lực sáng tạo", cô Hồng Cẩm nói thêm.
Cô Hồng Cẩm chia sẻ, khi hướng dẫn học sinh lớp 8 thực hành, đặc biệt là với những bài học yêu cầu sản phẩm cụ thể như các dự án học tập, giáo viên cần trực tiếp chỉ dẫn từng em. Tuy nhiên, với sĩ số lớp học đông, việc một mình giáo viên hỗ trợ hết tất cả học sinh là điều khó khăn. Vì vậy, cô đề xuất việc sử dụng sách điện tử tích hợp các đường link video hướng dẫn, giúp hỗ trợ cả giáo viên và học sinh trong quá trình giảng dạy và học tập một cách hiệu quả hơn.
Cô Hồng Cẩm cũng thông tin, đối với học sinh lớp 8, đặc biệt tại ngôi trường cô đang giảng dạy, một số em sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở có định hướng theo học nghề thay vì tiếp tục học lên cấp trung học phổ thông. Vì vậy, kiến thức mà sách giáo khoa Công nghệ 8 cung cấp đã đóng vai trò hỗ trợ đắc lực cho các em trong việc định hướng nghề nghiệp hoặc tiếp tục chương trình học tập ở bậc trung học phổ thông.
"Nếu học sinh chọn con đường học nghề sau trung học cơ sở, những kiến thức từ môn Công nghệ 8 sẽ là nền tảng vững chắc, đặc biệt đối với các ngành nghề liên quan đến cơ khí và kỹ thuật. Ngược lại, đối với các em tiếp tục theo học lên trung học phổ thông, môn học này cũng đặt những viên gạch đầu tiên giúp các em có nền tảng vững chắc để tiếp cận và nghiên cứu sâu hơn trong chương trình Công nghệ ở cấp học cao hơn”, cô Hồng Cẩm cho hay.
Giáo viên dễ giảng dạy, học sinh dễ tiếp thu
Cô Bùi Thị Ngọc Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Trường Thạnh (thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay nhà trường cũng đang sử dụng sách giáo khoa Công nghệ thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo.
Sau quá trình sử dụng để giảng dạy cho học sinh, cô Huyền nhận thấy sách giáo khoa môn Công nghệ thuộc bộ Chân Trời Sáng không chỉ đảm bảo nội dung về công nghệ và đời sống, thủ công kỹ thuật mà còn góp phần phát triển phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và năng lực công nghệ cho học sinh.
Cô cho biết, thông qua bộ sách, học sinh được làm quen với các sản phẩm công nghệ trong gia đình như đèn học, quạt điện, điện thoại, tủ lạnh, đồng thời được học cách thiết kế các sản phẩm thủ công kỹ thuật đơn giản như dụng cụ học tập, đồ chơi, diều giấy hay mô hình điện mặt trời. Đặc biệt, sách còn giúp học sinh biết cách xử lý các tình huống thực tế trong cuộc sống.
Đánh giá các hình ảnh minh họa, sơ đồ và nội dung trực quan trong sách giáo khoa Công nghệ, Cô Ngọc Huyền nhận định sách có chất lượng cao, rõ ràng và phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh tiểu học. Những yếu tố này không chỉ giúp giải thích các kiến thức mà còn tạo hứng thú cho học sinh, giúp các em dễ dàng kết nối bài học với thực tế. Điều này đã góp phần nâng cao hiệu quả học tập, giúp học sinh nắm bắt kiến thức nhanh hơn và sâu sắc hơn. Các bài học có nội dung gần gũi với cuộc sống hằng ngày của học sinh và được cấu trúc chi tiết, rõ ràng, giúp giáo viên dễ dàng giảng dạy và học sinh dễ tiếp thu, ghi nhớ.
Cô Ngọc Huyền chỉ ra, môn Công nghệ có sức hấp dẫn lớn học sinh bởi tính ứng dụng cao. Phần "Công nghệ và đời sống" và "Thủ công kỹ thuật" không chỉ cung cấp lý thuyết mà còn đi kèm thực hành, giúp các em tự tay tạo ra sản phẩm của mình. Điều này khiến học sinh tự hào khi có thể sử dụng những sản phẩm mình làm ra trong học tập và cuộc sống hằng ngày, từ đó khơi dậy sự sáng tạo và tinh thần hiếu học trong các em.
Cô Ngọc Huyền cho rằng để việc triển khai giảng dạy sách giáo khoa Công nghệ đạt hiệu quả cao hơn, cần tổ chức thêm các buổi tập huấn về sách, các chuyên đề giảng dạy và trao đổi chuyên môn giữa giáo viên ở các khối lớp. Cô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu thập đánh giá, phản hồi từ giáo viên trong quá trình giảng dạy, từ đó làm cơ sở để điều chỉnh và bổ sung nội dung sách sao cho phù hợp hơn với thực tế giảng dạy và nhu cầu của học sinh.