Thương hiệu phim khủng long hóa kinh dị với 'Jurassic World 2'

Thiếu vắng chất phiêu lưu thường thấy, 'Jurassic World: The Fallen Kingdom' giống như một tác phẩm kinh dị với hàng loạt cảnh hù đọa đáng sợ.

Trailer bộ phim 'Thế giới khủng long: Thế giới sụp đổ' Phần tiếp theo của bom tấn khủng long "Jurassic World" từng thu hơn 1,67 tỷ USD hồi mùa hè 2015.

Thể loại: Viễn tưởng, kinh dị
Đạo diễn: J.A. Bayona
Diễn viên chính: Chris Pratt, Bryce Dallas Howard, Rafe Spall, Justice Smith, Daniella Pineda, James Cromwell
Zing.vn đánh giá: 7/10

Giống như khoảng cách thời gian ở ngoài đời thực, Fallen Kingdom là những sự kiện xảy ra khoảng ba năm sau Jurassic World (2015).

Jurassic World: The Fallen Kingdom lấy bối cảnh ba năm sau những sự kiện ở Jurassic World (2015).

Lúc này, những con khủng long do loài người tạo ra vẫn đang sinh sống trên hòn đảo Isla Nublar. Nhưng một ngọn núi lửa bỗng dưng hoạt động trở lại, và đe dọa sinh mạng của loài sinh vật vốn thuộc về 65 triệu năm trước.

Trong lúc chính phủ Mỹ quyết định bỏ mặc đám khủng long, thì Benjamin Lockwood (James Cromwell) - nhà đồng sáng lập nên Công viên kỷ Jura năm xưa - quyết định nhờ cậy Claire Dearing (Bryce Dallas Howard) giúp đỡ một biệt đội giải cứu, bởi cô có thể truy cập vào hệ thống an ninh trên hòn đảo và định vị các sinh vật trên đó.

Sau khi thuyết phục thành công Owen Grady (Chris Pratt) nhập hội, cả nhóm bèn lên đường tới hòn đảo Isla Nublar. Song, một âm mưu đen tối đang chờ đợi họ cùng loài khủng long ở phía trước.

Đậm tính giải trí nhờ yếu tố kinh dị

Đối với những ai từng trải qua thời tuổi thơ với loạt phim Jurassic Park, việc trông thấy loài khủng long trên màn ảnh rộng luôn là trải nghiệm khó có thể bỏ qua. So với tập phim cách đây ba năm, Jurassic World: The Fallen Kingdom mang đến sự thay đổi lớn lao khi ngồi trên ghế đạo diễn nay là J.A. Bayona chứ không phải Colin Trevorrow.

Nhà làm phim người Tây Ban Nha đã mang cái chất kinh dị rùng rợn từ The Orphanage (2007), cũng như bầu không khí kịch tính mà ông từng thành công tạo ra trong bộ phim mang đề tài thảm họa The Impossible (2012), đến với thế giới khủng long.

Đạo diễn J.A. Bayona đẩy yếu tố kinh dị, giật gân lên hàng đầu trong Jurassic World: Fallen Kingdom.

Sự căng thẳng luôn hiện hữu khi những sinh vật săn mồi khát máu cứ thế lởn vởn trong bóng đêm xung quanh các nhân vật con người. Yếu tố jump-scare được lồng ghép một cách khéo léo nhằm tạo ra hàng loạt màn hù dọa cực kỳ ấn tượng.

Bên cạnh đó, ánh sáng nhấp nháy và yếu tố âm thanh cũng được tận dụng tối đa để đẩy nỗi sợ hãi lên mức cao độ. Liệu còn gì kinh hoàng hơn khi những tiếng bước chân, gầm gừ, hay những cái bóng khủng long in trên tường ngày một tiến lại gần hơn?

Kỷ xảo tiếp tục là điểm nhấn sáng giá của bộ phim khi những con khủng long vốn là các mô hình animatronic tân tiến hiện lên vô cùng chân thực, chỉn chu từ tạo hình cho tới hành động.

Khán giả hoàn toàn dễ dàng cảm nhận rõ tính cách và cảm xúc riêng của từng nhân vật khủng long, mà nổi bật là Blue và Indoraptor với những biểu cảm đặc sắc. Các pha cắn xé của chúng cũng hết sức chi tiết, đậm chất kinh dị và máu me so với những bộ phim trước thuộc thương hiệu Jurassic.

Kịch bản vẫn còn lỗ hổng

Cách đây đúng ba năm, Jurassic World gặt hái thành công với doanh thu lên tới 1,67 tỷ USD toàn cầu, nhưng vẫn vấp phải không ít chỉ trích về mặt nội dung kịch bản. Có một chút đáng tiếc khi giám đốc sản xuất Steven Spielberg và đạo diễn J.A. Bayona chưa thể khắc phục trọn vẹn điểm yếu ấy ở Fallen Kingdom.

Mô-típ của bộ phim khá quen thuộc, với nhiều chi tiết từng xuất hiện ở các tập phim trước. Do đó, cái kết và diễn biến của Fallen Kingdom thực tế không đem lại quá nhiều sự bất ngờ.

Nội dung Fallen Kingdom có nhiều tình tiết nhang nhác với các phim khủng long trước đây.

Một số tình huống trong phim vẫn mang đậm yếu tố sắp đặt. Điều đó khiến những trường đoạn cao trào đánh mất đi sự kịch tính hoặc tính thuyết phục. Ngày từ đầu, việc giải cứu khủng long không gặp phải bất cứ trở ngại nào từ chính phủ, trong khi đây thực tế là hành động phi pháp và cuộc tranh cãi đang là tâm điểm của xã hội.

Chuyện bộ đôi nhân vật chính Claire Dearing - Owen Grady thoát khỏi hòn đảo Isla Nublar mà không bị phát hiện là điều khó tin. Có lẽ J.A. Bayona đã hết sức khéo léo khi đưa khoảnh khắc vô cùng xúc động liên quan tới loài khủng long vào thời điểm đó để khán giả tạm quên đi sự vô lý.

Các nhân vật chính diện nhiều lần thoát hiểm một cách may mắn. Hậu quả là khán giả dần không còn quá lo lắng cho họ khi bộ phim đi đến hồi kết. Cái kết phim khá mở khi một quyết định mạo hiểm được đưa ra, khiến sinh mạng của hàng triệu người dân bị đe dọa trong khi chỉ để bảo vệ một vài cá thể vốn không thuộc về thời đại này.

Đó là cái khó dành cho một phim phần hai thuộc một bộ ba phim (trilogy). Jurassic World: Fallen Kingdom buộc phải đưa ra đoạn kết mở như vậy để loạt phim có thể tiếp tục, và điều đó vô tình khiến tính độc lập của tác phẩm bị suy giảm.

Các nhân vật con người không đem lại nhiều ấn tượng như loài khủng long trong phim.

Về diễn xuất, các diễn viên đều mới dừng lại ở mức tròn vai. Phản diện Eli Mills không mang đến nhiều đột phá với tham vọng kiếm tiền từ những sinh vật tiền sử quen thuộc. Còn Claire và Owen lại lý tưởng hóa quá mức việc bảo vệ loài khủng long dù chúng liên tục được miêu tả như những cỗ máy săn mồi tàn bạo.

Hai gương mặt mới là Zia Rodriguez (Daniella Pineda) và Franklin Webb (Justice Smith) không có nhiều đất diễn, và chưa mang đến sự tươi mới cho mô-típ nhân vật “nữ cá tính” và “nam nhút nhát” đã dần đi vào lối mòn.

Nhìn chung, Jurassic World: Fallen Kingdom sẽ vẫn dễ dàng chinh phục khán giả nhờ yếu tố giải trí vốn được đặt nặng trong mỗi mùa phim hè. Nội dung phim còn nhiều điều đáng bàn, nhưng nó chắc chắn sẽ tiếp tục khiến người xem tò mò về phần kết ra mắt sau đây ba năm nữa.

Jurassic World: Fallen Kingdom - Thế giới khủng long: Vương quốc sụp đổ chính thức khởi chiếu từ 8/6.

Tuấn Lương
Ảnh: Universal

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thuong-hieu-phim-khung-long-hoa-kinh-di-voi-jurassic-world-2-post849734.html