Thực hư phẫu thuật khiến bệnh nhân ung thư chết sớm
Bạn đọc Lê Văn Yên lo lắng trước thông tin nhiều trường hợp ung thư, sau khi phẫu thuật, bệnh nặng hơn, di căn nhanh hơn.
"Có lẽ vì vậy mà người ta cho rằng 'đụng dao kéo' sẽ khiến người mắc bệnh ung thư nhanh chết. Bác sĩ có thể lý giải điều này được không?", độc giả Lê Văn Yên hỏi.
Thạc sĩ, bác sĩ Thân Văn Thịnh, Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội:
Nhiều bệnh nhân ung thư hiểu sai về phẫu thuật. Có người cho rằng cứ "đụng dao kéo" sẽ chết sớm. Hiện nay, phẫu thuật vẫn là một trong những phương pháp điều trị quan trọng nhất trong đa số bệnh ung thư còn chỉ định.
Phẫu thuật chia làm 2 loại: Phẫu thuật giảm nhẹ triệu chứng (palliative) và phẫu thuật triệt căn. Phẫu thuật triệt căn thực hiện ở giai đoạn bệnh phát hiện sớm, cắt bỏ khối u và nạo vét hạch.
Phẫu thuật giảm nhẹ thường diễn ra khi bệnh nhân ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư đã di căn, không còn khả năng phẫu thuật triệt căn mà mục đích là giảm chèn ép và tránh sùi loét nhiễm trùng.
Mục đích phẫu thuật lúc này không còn để chữa khỏi nhưng sẽ giúp cho chất lượng cuộc sống của bệnh nhân tăng lên, đỡ đau đớn.
Ví dụ, trường hợp một nữ bệnh nhân ung thư vú khối u sùi loét, bốc mùi, chảy dịch khiến con cháu không dám lại gần. Bác sĩ quyết định phẫu thuật để giúp bệnh nhân có những ngày tháng cuối đời được gần gũi con cháu.
Như vậy, thông tin nếu sử dụng dao kéo trong điều trị ung thư khiến dễ di căn hơn là không đúng. Phát hiện và được điều trị hoặc phẫu thuật sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh hoặc nâng cao chất lượng sống, kéo dài sự sống cho người bệnh.
Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thuc-hu-phau-thuat-khien-benh-nhan-ung-thu-chet-som-post937231.html