Thực hiện thành công Chương trình MTQG về văn hóa thì hiệu quả hết sức to lớn, khó có thể đong đếm bằng tiền

Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 đang được Quốc hội khóa XV thảo luận, cho ý kiến và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Bộ Chính trị cũng vừa có Kết luận số 100, trong đó bày tỏ sự thống nhất về chủ trương đầu tư Chương trình này.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội)

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội)

Nguồn vốn phân bổ cho Chương trình là hợp lý

Bày tỏ sự ủng hộ cao là phải có chương trình này, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) đánh giá cao Ban soạn thảo đã có sự sửa đổi khá nhiều, tích cực so với kỳ họp thứ 7.

Để hoàn thiện Chương trình, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng, về ngân sách, kinh phí cho chương trình, việc phân bổ ngân sách giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỷ đồng, giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng, tổng cộng là 256.250 tỷ đồng, trong đó vốn huy động hợp pháp dự kiến là 12,4% là số vốn hợp lý để thực hiện được 7 nhóm mục tiêu tổng quát đã đề ra.

Chúng ta thấy hiệu quả đưa lại nếu thực hiện thành công chương trình này là hết sức to lớn. Dự kiến các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào GDP của cả nước sẽ là 7% ở giai đoạn 1 và 8% ở giai đoạn 2. Đặc biệt, những đóng góp vào hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, hỗ trợ sáng tác, công bố phổ biến các tác phẩm, v.v. là rất lớn, khó đong đếm và đo lường bằng tiền được. Chúng tôi ủng hộ việc có đủ ngân sách từ các nguồn để đảm bảo thực hiện thành công chương trình văn hóa rất ý nghĩa này" - ĐBQH Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Về cơ quan, đơn vị thực hiện chương trình, dự án ở Mục VII, trong đó có đề cập đến lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức, đại biểu cho rằng, xác định như vậy rất đúng. "Tôi nghĩ đây mới là lực lượng chính, chủ yếu để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng này. Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam với 10 hội thành viên, ở đó tập hợp đông đảo các văn nghệ sĩ tên tuổi, lão thành, uy tín. Họ là những văn nghệ sĩ bậc thầy với những tác phẩm để đời trong mọi lĩnh vực, kể cả văn học, nghệ thuật, nhiếp ảnh, ca khúc, v.v.." - vị ĐBQH Đoàn TP.Hà Nội nêu quan điểm

Theo đại biểu, trên thực tế, họ làm tốt việc đào tạo, huấn luyện và một điều rất quan trọng nữa đó là công tác định hướng: định hướng dư luận, định hướng phong cách sáng tác, định hướng trào lưu nghệ thuật v.v.. Vì vậy, cần đưa các hội vào cuộc, có nội dung công việc, có kinh phí, có kế hoạch cho các hội để họ có đóng góp, có thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này.

Đối với việc xây dựng các Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cũng bày tỏ sự ủng hộ với chủ trương này. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng phải cân nhắc thật kỹ về sự cần thiết và tính hiệu quả, vì bản chất đây là xuất khẩu văn hóa, là quảng bá văn hóa, điều đó phụ thuộc rất lớn vào khẩu vị văn hóa, sự yêu thích, thậm chí kể cả vấn đề chính trị của quốc gia đó, quan hệ giữa 2 quốc gia.

"Nếu xây dựng các Trung tâm văn hóa thì cần phải đảm bảo có tính lưỡng dụng cao, đó là văn hóa, là biểu diễn, là trưng bày, hội nghị, hội thảo, hội chợ, họp mặt v.v.. và lưu ý là không chỉ chúng ta dùng mà bạn cũng dùng, việc này là rất quan trọng để tăng tính hiệu quả. Chỉ xây khi dự kiến thu bù đủ cho chi, vì xây bây giờ thì có thể có kinh phí của chương trình, nhưng sau này phải có kinh phí thu được từ các hoạt động của trung tâm để trang trải cho việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, kể cả kinh phí thuê đất, v.v. thì mới tồn tại lâu dài được" - ĐBQH Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm, đồng thời tiếp tục khẳng định ông rất ủng hộ chương trình này và mong muốn các ĐBQH cũng ủng hộ để chương trình này sớm đi vào hiện thực.

Đề án chương trình được thực hiện rất chu đáo, công phu, tỉ mỉ

Bày tỏ sự ủng hộ cao và mong muốn Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 sẽ sớm thực tiễn hóa để không ngừng vun đắp sức mạnh nội sinh của người dân đất Việt trong kỷ nguyên mới hôm nay, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá, hồ sơ Chương trình đã bao gồm các thông tin chi tiết về mục tiêu, nội dung dự án cụ thể, địa điểm triển khai, ngân sách và các hoạt động dự kiến, với 11 phụ lục thiết thực, đánh giá rõ nguồn lực cần thiết, bao gồm tài chính, nhân lực, cơ sở hạ tầng và thiết bị để thực hiện chương trình, đồng thời cũng đưa ra lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn triển khai, các mốc thời gian cần thiết để đánh giá tiến độ.

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

"Tôi cho rằng đề án chương trình này thực hiện rất chu đáo, công phu, tỉ mỉ" - ĐBQH Nguyễn Thị Sửu đánh giá.

Để góp phần hoàn thiện thêm Chương trình, nữ đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ số liệu và tính khả thi mục tiêu số 3 cụ thể, đó là đến năm 2030 phấn đấu 95% di tích quốc gia đặc biệt tương đương với 127 di tích và 70% di tích quốc gia tương đương khoảng hơn 2.500 di tích được tu bổ, tôn tạo.

Điều này sẽ tạo thuận lợi cho công tác theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, mặt khác hiện nay có hơn 130 di tích quốc gia đặc biệt và con số này sẽ còn tăng thêm qua các đợt xét công nhận từng năm.

"Tôi đề nghị phải có những rà soát, đánh giá kỹ lưỡng số liệu, hiện trạng di tích, di sản, hạ tầng cơ sở văn hóa và các nội dung đưa vào mục tiêu cụ thể để không chỉ bảo đảm tính bao quát mà còn thể hiện được tính dự báo về các di tích, di sản có thể được xếp hạng và cả nguồn lực phục vụ tu bổ, tôn tạo các di tích, di sản được nâng hạng, nhất là hạng đặc biệt" - đại biểu nhấn mạnh.

Về nguồn lực tài chính, đại biểu cho rằng, đây một trong những vấn đề quyết định sự thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia này, vì vậy bên cạnh nguồn lực trung ương, địa phương, chương trình đã tính toán đến việc huy động các nguồn lực khác trong xã hội để thực hiện. Điều này sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách và cũng tăng thêm phần trách nhiệm cộng đồng xã hội trong việc thực hiện thành công của chương trình.

Đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn

Tại phiên thảo luận Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 diễn ra ngày 1/11, trình bày Tờ trình, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, có 4 đối tượng thụ hưởng từ Chương trình đó là: Người dân, cộng đồng dân cư tại các vùng miền của Tổ quốc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài;

Đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức, nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đoàn thể, cá nhân hoạt động trực tiếp trong hoặc liên quan đến lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, công chúng, khán giả, đặc biệt là công chúng trẻ;

Các di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt và di tích cấp quốc gia, các di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO, di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và một số di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; Các di sản tư liệu được ghi danh vào Danh sách quốc gia, khu vực và thế giới; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;

Các thiết chế văn hóa, không gian văn hóa, sáng tạo; không gian văn hóa công cộng; đội tuyên truyền lưu động; các đồn biên phòng; các cơ sở, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em; các cơ sở giáo dục, đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Chương trình đề ra 7 mục tiêu tổng quát; 9 mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 9 mục tiêu cụ thể đến năm 2035. Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần.

Trình bày báo cáo thẩm tra sau đó, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, việc xây dựng Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn. Hồ sơ Chương trình đã đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật. Chính phủ đã có báo cáo tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và các cơ quan của Quốc hội, ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

"Ủy ban nhận thấy, Hồ sơ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội. Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư đã bao gồm đầy đủ các nội dung theo quy định của Luật Đầu tư công" - ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh./.

Thế Công - Xuân Trường

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/thuc-hien-thanh-cong-chuong-trinh-mtqg-ve-van-hoa-thi-hieu-qua-het-suc-to-lon-kho-co-the-dong-dem-bang-tien-20241106143941401.htm