Thực hiện các tiêu chí ESG để giữ chân nhân tài

Vốn là yếu tố đứng giữa trong bộ tiêu chí ESG (Environmental - Social - Governance), chữ 'S' có ý nghĩa là sự cam kết của các doanh nghiệp đối với việc tạo ra giá trị cho cộng đồng, cải thiện chất lượng cuộc sống cho con người, trước hết là người lao động của từng đơn vị. Với một thị trường có thế mạnh về nguồn nhân lực như Việt Nam, đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để định hình chiến lược phát triển dài hạn cho doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Nhân lực là yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững

Ngày 30/10, tại Hà Nội, báo Dân trí tổ chức Hội thảo "Nhân lực bền vững - Trung tâm của chữ "S" trong ESG?" với nhiều thông tin, bình luận đáng chú về yếu tố "S" tức Social (Xã hội) trong ESG - vốn được biết đến là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp (DN) đến cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu tại sự kiện cho biết, với cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị thượng đỉnh COP26, Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó phát triển ESG đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống xã hội.

Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới cũng đã nhấn mạnh phát triển bền vững là một mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển đất nước.

Quang cảnh sự kiện

Quang cảnh sự kiện

Bà Hà chia sẻ, nhân lực bền vững không chỉ đơn thuần là thu hút và giữ chân người tài, mà còn là việc xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, an toàn, công bằng và tạo điều kiện cho người lao động phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Điều này đòi hỏi sự chung tay góp sức của tất cả các bên, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và các tổ chức xã hội.

TS Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng chỉ ra, trong báo cáo tổng hợp năm 2023 có tới 96% các công ty G250 báo cáo về các vấn đề bền vững hoặc ESG; 64% các công ty G250 coi biến đổi khí hậu là một rủi ro đối với hoạt động kinh doanh. Do đó, trách nhiệm xã hội trước đây chỉ là khuyến khích thì nay đã chuyển sang bắt buộc.

Đồng quan điểm với các chuyên gia, Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu và thiên tai trên toàn cầu. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho doanh nghiệp và nhà nước phải có các chính sách ứng phó để bảo vệ người lao động và duy trì bền vững trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bà Ingrid cho biết thêm, tác động của toàn cầu hóa và chuỗi cung ứng tạo ra cả cơ hội và thách thức đối với việc làm và công việc có chất lượng. Quốc gia cần tăng cường hội nhập quốc tế và đẩy mạnh cải cách trong nước, qua đó tiến xa hơn trong thúc đẩy công việc hiệu quả và bền vững.

ESG là câu chuyện lâu dài

Các chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến nghị đối với các doanh nghiệp khi thực hành bộ tiêu chuẩn ESG nói chung và chữ “S” - tức yếu tố về xã hội nói riêng.

Đưa ra thông điệp về vấn đề cân đối bài toán nguồn lực đầu tư cho ESG ra sao, ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Dự án Sáng kiến Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) cho rằng, đầu tư về con người thực ra không ngắn hạn. Doanh nghiệp có tầm nhìn bền vững chắc chắn phải quan tâm. Ông Tuấn lưu ý, vấn đề nguồn lực là sống còn với nhiều doanh nghiệp.

Hiện nay, thế giới đánh giá mức độ bền vững không chỉ ở từng doanh nghiệp, mà đánh giá theo chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp Việt Nam đang muốn tham gia chuỗi sản xuất quốc tế thì phải tiệm cận được tiêu chuẩn mà các bạn hàng quốc tế đặt ra. Chủ DN khi tiến hành công tác quản trị cũng phải tính đến hiệu suất, chi phí. Đơn cử như khi thị trường biến động, làm sao để lao động gắn bó với mình.

Các chuyên gia đóng góp ý kiến, trao đổi tại Hội thảo

Các chuyên gia đóng góp ý kiến, trao đổi tại Hội thảo

Trong khi đó, TS Bùi Thanh Minh khuyến nghị rằng, thực hành chữ “S” trong ESG hay hỗ trợ phát triển người tài cần gắn với lợi ích sát sườn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không biết giữ chân thì chắc chắn lao động sẽ nghỉ việc. Ông Minh đưa ra ví dụ về những doanh nghiệp lớn thu hút người tài bằng cách quan tâm đến đào tạo, tạo cơ hội phát triển, cũng như quan tâm đến đời sống của người lao động. Như một tập đoàn lớn về công nghệ hỗ trợ thêm đào tạo cho con em, đẩy mạnh chính sách tăng cường gắn bó nhân viên giúp tỷ lệ nghỉ việc giảm đi, tăng năng suất lao động.

Dưới góc độ là lãnh đạo một doanh nghiệp đã có kinh nghiệm thực hành ESG, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jeans kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Trong ba yếu tố của ESG, tiêu chuẩn Xã hội (S) chịu tác động lớn từ các yếu tố nhân lực như sức khỏe và an toàn, quản lý nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng và kết nối cộng đồng.

Mỗi doanh nghiệp sẽ lựa chọn những tiêu chí phù hợp để cam kết và quản lý rủi ro, theo ông Việt các tiêu chí xã hội phổ biến gồm: đảm bảo quyền lợi của người lao động, an toàn và sức khỏe lao động, bảo vệ dữ liệu cá nhân và phát triển nguồn nhân lực.

Lãnh đạo Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh không quên nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc thực hành bộ tiêu chí: “Thiết lập và thực hiện các cam kết bền vững về ESG không chỉ giúp doanh nghiệp cải thiện hình ảnh và thương hiệu, duy trì năng lực cạnh tranh trên thị trường, mà còn thu hút và giữ chân nhân tài”, ông Việt phát biểu.

Hồng Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thuc-hien-cac-tieu-chi-esg-de-giu-chan-nhan-tai-157274.html