Thực hiện các giải pháp bình ổn giá những tháng cuối năm
Thời điểm này, cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng đang chuyển sang giai đoạn 'thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19', vì thế các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ thương mại đang dần khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thị trường trở nên sôi động hơn. Để giảm đến mức thấp nhất các biến động bất thường về giá trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác quản lý, bình ổn giá, giữ ổn định thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Nhiều cửa hàng ở TP Thanh Hóa đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Những tháng đầu năm, nhiều nhóm hàng hóa là đầu vào của chuỗi sản xuất cung ứng liên tục tăng khiến cho thị trường bị tác động mạnh. Có thời điểm nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ chính cùng tăng, như: nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình, giao thông, hàng hóa và dịch vụ khác... Trong đó, tăng mạnh nhất là nhóm hàng vật liệu xây dựng (30%), thức ăn chăn nuôi (20%), chất đốt (40%),... Với mức tăng này sẽ có những tác động đến chi phí đầu vào sản xuất, giá thành và giá bán một số hàng hóa dịch vụ tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh vẫn tương đối ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến, bất hợp lý.
Để bình ổn giá những tháng cuối năm, Sở Công Thương đang tập trung theo dõi, đánh giá diễn biến thị trường hàng hóa, chủ động phương án bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, nhất là đối với một số mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp tết. Hàng hóa phải bảo đảm về chất lượng và giá cả hợp lý để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến, nhất là trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp. Sở Công Thương cũng chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan theo dõi sát tình hình sản xuất nông nghiệp, diễn biến thời tiết, dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò; đánh giá nguồn cung các mặt hàng nông sản, nhất là thịt lợn, thịt bò, thủy, hải sản của tỉnh để kịp thời tham mưu các biện pháp cân đối cung cầu phù hợp.
Cục Quản lý thị trường và các ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chủ động công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Trong đó, chú trọng kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, nhất là các mặt hàng thuộc diện kê khai giá như: xăng dầu, xi măng, sắt thép, phân bón... Qua đó phát hiện và xử phạt các đơn vị không thực hiện kê khai giá, không thông báo mức giá điều chỉnh bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cũng đã triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; giám sát thị trường bất động sản, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lũng đoạn thông tin để đẩy giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Để tiếp tục quản lý, điều hành và kiểm soát giá, những tháng cuối năm 2021, các sở, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến giá cả thị trường, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các biện pháp bình ổn giá phù hợp, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công. Tăng cường công tác kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề về quản lý giá, giám sát giá cả thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về giá. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn thị trường và kiềm chế lạm phát, như: chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt; điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát; quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư công, tăng cường quản lý thị trường và thúc đẩy lưu thông hàng hóa.