Thực hành tâm từ - con đường hạnh phúc
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, con người phát minh ra nhiều công cụ và vật dụng thích hợp để bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng trước những biến động của tự nhiên.
Tuy vậy, với sức tàn phá khốc liệt của thiên nhiên thì dường như những gì con người cảm thấy kiên cố, vững chắc nhất cũng trở nên nhỏ bé, mong manh. Trong những thời khắc nguy hiểm ấy, có một loại sức mạnh đủ khả năng đối đầu với biến động, đó là tình thương. Dù thiên nhiên có tàn phá tất cả, thậm chí cướp đi tính mạng con người vẫn không thể nào ngăn được tình thương giữa người với người.
Hình ảnh những người xa lạ sẵn sàng đến bên nhau, che chở, hỗ trợ nhau, thậm chí hy sinh cả tính mạng để cứu những người chưa một lần quen biết là minh chứng rõ nhất cho một tình thương vô điều kiện luôn có sẵn, nằm ẩn sâu trong mỗi người. Và tình thương này, trong Phật giáo gọi là tâm từ (metta) - là một trong bốn tâm vô lượng (từ, bi, hỷ, xả) mà Đức Phật luôn khuyến khích chúng sinh thực hành và nuôi dưỡng để đạt được hạnh phúc, thành tựu thiện pháp và trí tuệ giác ngộ:
Ai với tâm từ bi,
Thương tưởng mọi hữu tình,
Một người làm như vậy,
Gặt phước đức thật nhiều.
(Th. 237 - Tiểu bộ kinh)
Bản năng của con người là yêu thương, là xả thân nhưng bản năng của con người cũng là tham lam, ích kỷ, si mê, thù hận. Tất cả những hạt giống ấy có sẵn trong tâm thức của chúng ta. Chúng được biểu hiện, phát triển dựa vào nhiều yếu tố: gia đình, xã hội, giáo dục, văn hóa dân tộc, và quan trọng nhất là nơi nhận thức của mỗi cá nhân. Khi một hạt giống tốt được nuôi dưỡng, nghĩa là chúng ta có thêm một cơ hội được an vui, hạnh phúc.
Ngược lại, mỗi một hạt giống xấu phát triển, chúng ta lại càng chất chứa thêm nhiều bất hạnh và khổ đau. Vì vậy, việc khéo léo nuôi dưỡng những hạt giống tốt, từ bỏ những hạt giống xấu nơi tâm là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người. Nhất là trong việc phát triển tâm từ, tâm từ lớn chừng nào thì chúng ta hạnh phúc, an vui chừng ấy. Bởi đây là thứ tình thương càng cho nhiều càng lợi ích, cho đi bao nhiêu thì nhận về an vui, hạnh phúc bấy nhiêu.
Nói về phương pháp thực hành phát triển tâm từ, trong hệ thống kinh luận của Phật giáo đều đề cập rất chi tiết, đầy đủ. Việc phát triển và thực hành tâm từ phải được thực hành tuần tự, thứ lớp và cần sự nỗ lực tinh tấn. Tâm từ có ba cấp độ: Chúng sinh duyên từ, pháp giới duyên từ và vô duyên đại từ. Cùng với ba cấp độ này thì sẽ có các phương pháp thực hành phát triển tâm từ tương ứng.
- Chúng sinh duyên từ: Là lòng từ còn trong đối đãi, tức là cần phải có đối tượng, nhân duyên thì mới có thể phát khởi. Ví dụ khi gặp những hoàn cảnh khó khăn khổ đau thì tình thương mới được phát khởi, nhưng khi cảnh khổ qua rồi hoặc sống trong điều kiện quá an vui thì tâm từ không xuất hiện. Đây là trường hợp phổ biến của tất cả mọi người. Vì vậy, đối với trường hợp này, cần phải lựa chọn đối tượng thích hợp để thực hành thiền tâm từ. Có bốn đối tượng thích hợp dành cho người mới thực hành, đó là: Người mình kính trọng, người bình thường (không thương, không ghét), người mình ghét và tất cả chúng sinh. Việc thực hành phải được bắt đầu tuần tự từ người mình kính trọng đến người bình thường, rồi đến người mình ghét và cuối cùng là mở rộng đến tất cả chúng sinh.
- Pháp giới duyên từ: Là lòng từ được phát sinh từ cái nhìn tương tức. Do thấy được mối liên hệ giữa bản thân với mọi người, mọi vật mà phát khởi tâm từ. Cụ thể là thấy được sự đau khổ của chúng sinh cũng là sự đau khổ của mình và ngược lại; vì vậy mà khởi lòng từ bi cứu khổ ban vui cho tất cả chúng sinh. Trong cấp độ tâm từ này, hành giả thực hiện tâm từ bình đẳng, không phân biệt nam hay nữ, ta và người, thân hay sơ… chỉ thấy mình cùng người đồng một thể tính mà thôi.
- Vô duyên đại từ: Là lòng từ bi hoàn toàn không dựa vào một lý do nào để phát khởi, không cần đối tượng, không cần điều kiện. Như mặt trời chiếu sáng một cách tự nhiên, không phân biệt, không tính toán, lựa chọn. Trong trạng thái này, hoàn toàn không còn có đối tượng cần được yêu thương và chủ thể phát khởi tình thương, nó là trạng thái đại từ vô ngã chỉ có nơi chư Phật và các bậc Đại Bồ-tát. Tuy nhiên, đây cũng là mục đích tối hậu của một người phát tâm tu tập, trưởng dưỡng từ tâm cần hướng đến.
Nếu như ở cấp độ đầu tiên của tâm từ, khi thực tập, chúng ta cần điều kiện, cần cảnh khổ mới có thể phát khởi được tình thương, sự cảm thông. Thì ở cấp độ thứ hai, việc thực tập thường xuyên cái thấy tương tức, tâm từ của chúng ta sẽ lớn dần lên mà không cần điều kiện, không còn phân biệt. Nó là tình thương bình đẳng giữa người với người, giữa người với muôn loài, giữa người và vạn pháp. Nhờ trau dồi từ tâm này mà dần dần thành tựu được vô ngã, phát triển trí tuệ thâm sâu, từ đó phát tâm làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh thoát khổ.
Đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy rằng cuộc sống này là duyên sinh, vô thường, vô ngã, không ai trong chúng ta có thể tự sống độc lập. Khi nhìn vào cái cây, chúng ta thấy được sự có mặt của đất, nước, không khí, con người nơi cái cây ấy. Cũng vậy, khi nhìn vào một người, ta cũng thấy được hình ảnh của cha mẹ, tổ tiên, chủng tộc, văn hóa, môi trường… nơi con người ấy. Đây chính là cái thấy của tương tức, của duyên sinh. Là cái thấy một trong tất cả, tất cả trong một của kinh Hoa nghiêm. Và cái thấy này chính là cốt lõi của việc thực hành tâm từ. Chỉ khi phát sinh được cái nhìn tương tức ấy, chúng ta mới thấy được sự kết nối giữa ta, người và muôn loài chúng sinh. Vì có tôi đây nên có bạn, và bởi vì có bạn mà có tôi đây! Nhờ thấy được như vậy, chúng ta sẽ càng thêm trân trọng, biết ơn tất cả muôn loài.
Khi đau khổ, chúng ta thường cho rằng nỗi đau ấy là của riêng mình, chỉ riêng mình đang chịu đau khổ. Chúng ta có xu hướng tự cô lập, tách bản thân ra khỏi cộng đồng, xã hội. Nhưng với cái nhìn tương tức, ta sẽ nhận thấy rằng, khi ta có một nỗi đau, một sự mất mát… thì tại một không gian, trong một thời gian nào đó trên trái đất này, cũng đã, đang và sẽ có người mang những nỗi đau, mất mát như vậy.
Thấy được như thế, ta sẽ nhận ra không có một nỗi đau nào của riêng ai, nỗi đau của ta cũng là nỗi đau của người và nỗi bất hạnh của người cũng là nỗi bất hạnh chung của chúng ta. Chúng ta có trong nhau, là nhau, tương tức lẫn nhau. Ta mong ước về hạnh phúc, sợ hãi về khổ đau như thế nào thì tất cả mọi loài chúng sinh cũng đều mong ước về hạnh phúc, sợ hãi về khổ đau như thế ấy. Khi thấy và hiểu như vậy, lòng từ sẽ tự phát khởi nơi tâm ta, như một dòng suối thanh lương mát dịu tuôn trào. Chúng ta sẽ không nỡ làm ai đau khổ và cũng không nỡ cướp đi hạnh phúc của ai, cho dù đó là những sinh mạng bé nhỏ nhất.
“Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy” (thế gian luôn thay đổi, cõi nước thật mong manh), làm sao biết trước được ngày mai. Nên ngay bây giờ chúng ta hãy mở cánh cửa tình thương trong trái tim mình, để thấy được nhịp đập nơi trái tim ấy cũng là tiếng đập của hàng triệu trái tim!
-------------------------------------------------
1 HT. Thích Thiện Siêu (1998), Lược giảng kinh Pháp hoa, tu viện Kim Sơn ấn hành, tr. 43.
2 Sư Thanh Minh (2021), Phương pháp thực hành thiền định, Nxb. Tôn Giáo, tr. 84-88.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/thuc-hanh-tam-tu-con-duong-hanh-phuc-post74369.html