Thúc đẩy 'xanh hóa' ngành logistics để phát triển bền vững
Hướng đến chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp trong ngành logistics phải đối mặt với nhiều rào cản, đòi hỏi doanh nghiệp cần có các giải pháp hiệu quả. Bởi lẽ, chuyển đổi xanh không còn là sự một sự lựa chọn mà đang dần trở thành xu thế tất yếu đối với các doanh nghiệp logistics để có thể phát triển bền vững.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh và Công bố FIATA World Congress 2025” mới diễn ra, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện nay, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đang là xu thế chung của toàn cầu.
Đối với Việt Nam, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu “xanh hóa” các ngành kinh tế, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bền vững về môi trường, trong đó có mục tiêu phát triển ngành logistics xanh gồm các trung tâm logistics xanh, cảng biển xanh...
Để thực hiện Chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, trong đó, dịch vụ logistics là 1 trong 18 nội dung trọng tâm của Kế hoạch.
Liên quan đến vấn đề phát triển logistics xanh, từ góc độ ngành, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) chia sẻ, xây dựng ngành logistics phát triển bền vững theo hướng "xanh hóa" và có khả năng thích ứng nhanh đang dần trở thành yêu cầu cấp thiết đối với ngành logistics Việt Nam. Trên thế giới, nhiều doanh nghiệp logistics lớn như các hãng tàu, doanh nghiệp cảng biển… đã có lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh sớm hơn lộ trình mà quốc gia đã cam kết.
Cũng theo đại diện VLC, hiện nay, ngành vận tải nói chung đóng góp khoảng 24% lượng khí thải. Do đó, đẩy mạnh phát triển xanh, chuyển đổi xanh ngành logistics sẽ đóng góp vào quá trình giảm thải carbon của ngành logistics Việt Nam nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung, qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu tiến tới “Net Zero” vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.
Mặc dù đánh giá chuyển đổi xanh đối với nhiều ngành kinh tế, trong đó có ngành logistics đang trở thành xu thế không thể đảo ngược, tuy nhiên nhìn từ góc độ cơ quan quản lý, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chia sẻ, chuyển đổi xanh đối với ngành logistics cần hướng tới việc chuyển đổi năng lượng với các phương tiện sử dụng năng lượng. Đây vẫn là bài toán khó và đầy thách thức đối với nhiều doanh nghiệp. Hiện nay, các phương tiện vận tải cỡ nhỏ đã bước đầu chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, các phương tiện vận tải hàng hóa lớn vẫn chưa thể chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo.
Từ thực tế trên, đưa khuyến nghị để thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành logistics, ông Nguyễn Quang Vinh đề xuất Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét gia tăng các chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp ngành logistics chuyển đổi xanh, ví dụ như có cơ chế ưu đãi về thuế để tạo động lực và giảm chi phí cho doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải đường bộ, khuyến khích thay đổi phương thức vận tải theo mô hình vận tải đa phương thức…
Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp ngành logistics cần nhanh chóng xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh trong chiến hướng phát triển trung và dài hạn. Đối với các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư phát triển logistics xanh, đã xác định mục tiêu phát triển xanh trong chiến lược của doanh nghiệp, cần thường xuyên rà soát nội dung chiến lược và tình hình thực hiện phát triển logistics xanh để có điều chỉnh phù hợp, đúng thực tiễn.
Đưa thêm khuyến nghị cho doanh nghiệp, theo ông Trần Thanh Hải, các doanh nghiệp có thể tìm cách thức tiết kiệm năng lượng trong quá trình hoạt động như sử dụng các phương tiện có hiệu suất cao hơn.../.