Thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Trung Quốc, nâng cao vai trò Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính là sự tiếp nối các cuộc trao đổi, tiếp xúc thường xuyên giữa Lãnh đạo cấp cao 2 Đảng, 2 nước Việt Nam - Trung Quốc.

Trung Quốc luôn là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai nhấn mạnh, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa hai nước không ngừng bổ sung, hoàn thiện, có sự bổ trợ lẫn nhau và gắn kết về chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực và toàn cầu.

Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD (tăng 5,47%), trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD (tăng 3,18%), nhập khẩu đạt 117,86 tỷ USD (tăng 6,63%), Việt Nam nhập siêu 60,17 tỷ USD (tăng 10,18%).

Theo số liệu của Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2022 đạt 234,9 tỷ USD, tăng 2,1% (thấp hơn nhiều so với tăng trưởng 19,7% năm 2021). Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 87,9 tỷ USD, giảm 4,7%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 146,9 tỷ USD, tăng 6,8%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đồng chí Vương Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam ngày 28/3 tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đồng chí Vương Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam ngày 28/3 tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 59 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Theo Hải quan Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 61,5 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 20,3 tỷ USD, giảm 6,8%, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 15% tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 41,2 tỷ USD, giảm 17,9%, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm 32,8% tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 20,8 tỷ USD, giảm 26,5% .

Về đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2023, đầu tư của Trung Quốc đạt 1,08 tỷ USD với 156 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 3 tại Việt Nam (sau Singapore, Nhật Bản). Lũy kế đến ngày 20/5/2023, Trung Quốc duy trì vị trí thứ 06/143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 3.720 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt gần 24,9 tỷ USD.

Hiện nay, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách phòng dịch, xác định tập trung giữ vững ổn định phát triển và bảo đảm tăng trưởng. Do đó, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc khi hành lang xuất nhập khẩu trở nên thông thoáng hơn, thị trường tiêu dùng nội địa Trung Quốc mở rộng nhu cầu và hợp tác thương mại với các nước ASEAN được Trung Quốc coi trọng. Các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam có lợi thế trong bối cảnh Trung Quốc ưu tiên bảo đảm an ninh lương thực.

Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc cũng gặp một số thách thức do sự phục hồi tiêu dùng tại Trung Quốc chưa đạt kỳ vọng và áp lực cạnh tranh từ hàng hóa của các nước khác và hàng hóa nội địa của Trung Quốc.

Theo Đại sứ Phạm Sao Mai, thời gian qua, với vai trò cầu nối hợp tác, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thường xuyên trao đổi với các đơn vị chức năng của Trung Quốc cũng như phối hợp với các cơ quan trong nước thúc đẩy công tác thuận lợi hóa thương mại, mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ, xử lý các vướng mắc hàng hóa tại các cửa khẩu, cảng biển.

Đại sứ Phạm Sao Mai cho rằng, giai đoạn tới, để gia tăng, tận dụng hơn nữa tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cần triển khai các biện pháp cụ thể. Trong đó, tiếp tục giữ vững thị phần xuất khẩu tại các địa phương tiếp giáp Việt Nam như Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông và thúc đẩy xuất khẩu tới các địa bàn tiềm năng khác như khu vực Hoa Bắc, Hoa Đông, miền Trung và miền Tây của Trung Quốc.

Cùng với đó, tận dụng những lợi thế của thị trường như hệ thống logistics thuận tiện, thương mại điện tử, gia tăng vận tải đường biển và đường sắt, giảm áp lực xuất khẩu bằng đường bộ.

Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt cần đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường Trung Quốc đối với các nhóm hàng hóa cụ thể; gia tăng chất lượng và số lượng các chương trình phổ biến cập nhật thông tin về thị trường Trung Quốc. Vàđẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tại Trung Quốc, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ lớn, có uy tín của Trung Quốc.

Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường và nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF từ ngày 25 - 28/6.

Ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện

Trước thềm chuyến thăm, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết, đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Trung Quốc trong 7 năm qua, là sự tiếp nối các cuộc trao đổi, tiếp xúc thường xuyên giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thời gian qua.

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình quan hệ quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chuyến thăm lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ hội để Lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu trao đổi các biện pháp nhằm triển khai toàn diện kết quả và nhận thức chung đạt được trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10-1/11/2022), nỗ lực thúc đẩy các lĩnh vực và hợp tác cùng có lợi, kiểm soát tốt các bất đồng, góp phần đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.

Chủ đề của Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF là “Tinh thần kinh doanh: Động lực của nền kinh tế toàn cầu”. (Nguồn: weforum)

Chủ đề của Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF là “Tinh thần kinh doanh: Động lực của nền kinh tế toàn cầu”. (Nguồn: weforum)

Nhân chuyến thăm lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 do WEF phối hợp với Chính phủ Trung Quốc tổ chức tại thành phố Thiên Tân. Chủ đề của Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF là “Tinh thần kinh doanh: Động lực của nền kinh tế toàn cầu”.

Đây là Hội nghị có quy mô lớn thứ hai sau Hội nghị WEF Davos. "Với vai trò là đối tác tin cậy, thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ tích cực đóng góp, phối hợp với các đối tác quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu nhằm duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và thế giới" - Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai thông tin.

Theo Đại sứ, thông qua Hội nghị lần này, Việt Nam mong muốn quảng bá những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, chuyển tải thông điệp lớn về mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển của Việt Nam; nắm bắt những vấn đề, xu thế mới của kinh tế thế giới, trao đổi về tư duy phát triển và quản trị ở tầm toàn cầu, khu vực và quốc gia trong bối cảnh kinh tế thế giới chuyển đổi sâu sắc, qua đó nâng cao vai trò, tiếng nói của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu; tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-WEF ngày càng hiệu quả, thực chất; tăng cường hợp tác với các các tập đoàn toàn cầu và khu vực, đặc biệt các doanh nghiệp của Trung Quốc, nhằm tiếp tục củng cố môi trường quốc tế thuận lợi, thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước.

Từ khi Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ năm 1989, hợp tác giữa Việt Nam và WEF được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Vào tháng 01/2020, hai bên đã hoàn thành Thỏa thuận hợp tác về " Phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai" (giai đoạn 2017-2019). Hai bên đang tiến tới ký kết Thỏa thuận hợp tác Việt Nam-WEF giai đoạn 2023-2026 để đưa hợp tác đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Hà Hương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuc-day-hop-tac-viet-nam-trung-quoc-nang-cao-vai-tro-viet-nam-trong-cac-van-de-toan-cau-259392.html