Thừa Thiên - Huế: Mưa lớn, thủy điện tăng lưu lượng điều tiết nước, nhiều trường cho học sinh nghỉ học
Ngày 18/10, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, vừa có lệnh vận hành điều tiết nước tại hồ thủy điện Hương Điền về hạ du.
Cụ thể, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện lệnh vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện Hương Điền (thượng nguồn sông Bồ) qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần tránh đột biến để duy trì lưu lượng khoảng từ 1.100-2.000 m3/s. Thời gian bắt đầu tăng dần lưu lượng từ 6h cùng ngày.
Cùng ngày, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cũng ra lệnh vận hành điều tiết nước hồ chứa nước Tả Trạch qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 400-900m3/s. Thời gian bắt đầu tăng dần lưu lượng từ 10h ngày 18/10.
Trước đó, vào chiều 17/10, hồ thủy điện Bình Điền cũng được lệnh điều tiết nước qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 70 - 200m3/s. Điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, mực nước sông Bồ lúc 7h ngày 18/10 tại Phú Ốc đã đạt +3,4m, trên báo động II 0,41m; sông Hương tại Kim Long đạt +1,61m, trên báo động I là +0,61m.
Cơ quan chức năng cũng đưa ra cảnh báo trong sáng 18/10, mực nước trên sông Bồ sẽ tiếp tục lên và có thể đạt báo động III là +4,5m (đỉnh lũ lịch sử năm 2020 là +5,24 m, năm 1999 là 5,18m), sông Hương có thể đạt báo động II là +2m (đỉnh lũ năm 2020 là + 4,17m, năm 1999 là +5,81m).
Mưa lớn đã làm một số tuyến đường trên địa bàn huyện Phong Điền bị ngập. Trong đó, Quốc lộ 49B đoạn qua các xã Phong Hòa, Phong Bình (thuộc huyện Phong Điền) một số đoạn nước đã băng đường ngập khoảng 0,1 - 0,3; một số tuyến đường liên thôn có nước ngập sâu khoảng 0,2-0,3m. Còn các đường tỉnh lộ, liên xã trên địa bàn huyện Phong Điền cũng bị ngập từ 0,2-0,5 m.
Để đảm bảo an toàn cho thầy cô và học sinh, sáng 18/10, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 86 trường ở các cấp học gồm mầm non, tiểu học, THCS và THPT thuộc các huyện Quảng Điền, Phong Điền và thị xã Hương Trà cho học sinh nghỉ học.
Ngoài ra, tại tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị sạt lở nghiêm trọng tại Km 392 (hướng đi Quảng Nam), làm ách tắc giao thông. Hiện các cơ quan chức năng đang phối hợp cảnh báo, khắc phục tình trạng sạt lở, điều tiết đảm bảo an toàn giao thông.
Sáng 18/10, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành công điện về việc chủ động phòng, ngừa, ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, phân công lãnh đạo xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở.
Kiên quyết tổ chức sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông, ven phá, trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, khu dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng của gió mạnh, sóng lớn, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt (ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ mang thai, người già yếu,…). Triển khai phương án ứng phó mưa lũ tại cấp xã theo phương châm “4 tại chỗ”.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong đêm 17/10 và sáng 18/10 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có mưa to đến rất to trên diện rộng. Dự báo từ hôm nay (18/10), khu vực tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to.