Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó với bão Noru

Trước nguy cơ bão Noru ảnh hưởng trực tiếp, UBND Thừa Thiên Huế lên phương án ứng phó; tạm ngừng mua bán tại các chợ sau 14 giờ, cấm đường lúc 21 giờ ngày 27/9…

Sáng ngày 27/9, tại Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão Noru (bão số 4) tại xã Phú Hải (huyện Phú Vang) và thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai Lê Minh Hoan; lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra tại xã Phú Hải

Thời tiết sáng ngày 27/9 tại tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa nhỏ, gió nhẹ, sau 11 giờ, trời âm u, mưa nặng hạt, gió bắt đầu mạnh dần.

Báo cáo đoàn công tác, UBND tỉnh Thừa cho biết, hiện toàn tỉnh có 2.062 phương tiện/11.350 lao động hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó, có 612 phương tiện tàu thuyền khai thác biển, còn lại là thuyền bãi ngang, ven biển, ghe thuyền đầm phá. Đến 10 giờ ngày 27/9 toàn bộ tàu thuyền đã vào bờ neo đậu an toàn.

Tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn bắt đầu từ 9 giờ ngày 27/9 và hoàn thành trước 12 giờ ngày 27/9 với tổng số hộ/khẩu cần sơ tán là 14.384 hộ/47.411 khẩu. Trong đó, sơ tán tại chổ 13.229 hộ/43.655 khẩu; sơ tán tập trung 751 hộ/2.140 khẩu. Tạm ngừng mua bán các chợ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bắt đầu từ 14 giờ ngày 27/9; cấm đường hoàn toàn từ 21 giờ ngày 27/9 đến khi có thông báo mới (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt); an toàn công nhân khi có gió bão, mưa lớn từ 12 giờ 27/9 đến 13 giờ ngày 28/9/2022.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế thông báo cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học 2 ngày (ngày 27 và 28/9); hủy tổ chức hội nghị, sự kiện ngày 27-28/9.

Công an TP. Huế, bộ đội hỗ trợ người dân xã Hải Dương giằng chống nhà cửa

Ngoài ra, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã và TP. Huế, Trung tâm công viên cây xanh triển khai cắt tỉa, gia cố cây xanh tại các khu đô thị.

Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã tổ chức kiểm tra, gia cố hệ thống điện và có phương án đảm bảo an toàn lưới điện; Đảm bảo cung cấp điện cho các trung tâm chỉ huy. Khi bão đổ bộ, sa thải lưới điện toàn bộ để đảm bảo an toàn.

Cũng trong sáng ngày 27/9, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế, tổ chức chốt chặn, cấm đường tại tuyến đường 71 đi các nhà máy thủy điện nhằm đảm bảo an toàn, tránh các thiệt hại về người và tài sản do bão số Noru gây ra.

Trong 2 ngày vừa qua, lực lượng công an, biên phòng… tỉnh Thừa Thiên Huế ra quân giúp nhân dân giằng chống nhà cửa, di dời những hộ ở vùng xung yếu, sạt lở…

Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, thực hiện triển khai sớm công tác dự trữ hàng hóa phòng chống bão lụt, từ đầu tháng 8/2022 đơn vị đã có thông báo gửi các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế để đăng ký tham gia dự trữ hàng hóa phục vụ phòng chống lụt bão năm 2022, với mức dự trữ 100 tấn gạo và 100 tấn mì ăn liền, trong thời gian 3,5 tháng.

Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế Đặng Ngọc Sơn (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra công tác phòng chống bão Noru tại huyện Phú Lộc sáng 27/9

Theo Sở Công Thương Thừa Thiên Huế, việc hỗ trợ dự trữ hàng hóa phòng chống bão lụt nhằm đảm bảo trong trường hợp xảy ra thiên tai, bão lụt. Sở Công Thương sẽ yêu cầu các doanh nghiệp tổ chức điều chuyển, xuất bán hàng hóa dự trữ để phục vụ công tác cứu trợ phòng chống lụt bão khi có sự chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Giá bán hàng hóa dự trữ theo mức giá cam kết của doanh nghiệp với cơ quan chức năng. Ngoài ra, trong quá trình dự trữ, Sở Công Thương thực hiện thường xuyên kiểm tra, giám sát về số lượng, chất lượng hàng hóa dự trữ tại các kho của doanh nghiệp.

Ngoài ra, còn có dự trữ hàng hóa của các huyện, thị xã, thành phố (dự trữ cấp huyện) gồm: 308 tấn gạo, 52 tấn mì ăn liền, 82.000 lít nước uống, 35.500 lít xăng dầu, 12,5 tấn muối ăn và dự trữ của cấp xã, phường gồm 1.487 tấn gạo, 85 tấn mì ăn liền, 287.000 lít nước uống, 184.000 lít xăng dầu, 11tấn muối ăn.

Công an thị xã Hương Thủy hỗ trợ, di dời những hộ dân xung yếu, người già đến nơi trú ẩn an toàn

Tại các doanh nghiệp phân phối lớn đều có kế hoạch dự trữ,cung ứng hàng hóa phục vụ phòng chống lụt bão trong thời gian 3,5 tháng như:

Công ty xăng dầu Thừa Thiên Huế là 890.000 lít xăng dầu, 1.000.000 lít dầu diezen, 20.000 lít dầu hỏa, 25.000 kg gas; Công ty Cổ phần Xăng dầu dầu khí PV Oil Miền Trung - Chi nhánh Thừa Thiên Huế: 2.000.000 lít xăng, 2.000.000 lít dầu diezen, Công ty TNHH MTV Coomart Huế: 20.000 kg gạo, 10.000 kg mì ăn liền, 10.000 lít nước uống đóng chai, 2.000 tấn muối; Công ty CP Espace Business Huế (Go! Huế): 2.500 kg gạo, 9.000 kg mì ăn liền, 5.000 lít nước uống đóng chai, Công ty CP Thanh Tân: 10.000 thùng nước uống đóng chai, Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế: 10.000 thùng nước uống đóng chai.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thua-thien-hue-chu-dong-ung-pho-voi-bao-noru-221318.html