Thủ tướng yêu cầu tăng cường thu ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi, chủ động điều hành ngân sách Nhà nước
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện về việc tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi, chủ động điều hành ngân sách nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1372/CĐ-TTg ngày 15/12/2023 về việc tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi, chủ động điều hành ngân sách nhà nước (NSNN) trong tháng 12 năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.
Công điện gửi Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Công điện nêu rõ, tình hình kinh tế xã hội 11 tháng năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tuy nhiên, công tác thu NSNN còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; nhiều ngành, địa phương có tiến độ thu đạt thấp, nhất là các khoản thu tiền sử dụng đất, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, theo kết quả giám sát của Quốc hội, việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kết luận của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và qua công tác quyết toán NSNN hằng năm cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế, lãng phí trong chi NSNN, sử dụng tài sản công, tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác nước ngoài… ảnh hưởng đến kỷ cương, kỷ luật quản lý nhà nước và hiệu quả sử dụng nguồn lực NSNN.
Trong thời gian tới, tình hình thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố tác động không thuận lợi đến nền kinh tế nước ta.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành thu, chi NSNN trong tháng 12 năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch UBND các tỉnh, hành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác quản lý thu NSNN, phấn đấu tăng thu hơn nữa NSNN. Cụ thể, rà soát toàn bộ nguồn phát sinh thu, số thuế còn được gia hạn, nắm chắc đối tượng nộp ngân sách trên địa bàn, lĩnh vực để có giải pháp quản lý thu phù hợp, hiệu quả, khai thác các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng như kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, dịch vụ giải trí, ăn uống, xăng dầu... Tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn trong việc đấu giá, giao đất, triển khai thực hiện dự án, để đẩy mạnh thu tiền sử dụng đất đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai, quyết toán thuế của các doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phải thu vào NSNN. Đôn đốc thu đối với số thuế được gia hạn đến hạn phải nộp. Đẩy nhanh công tác hoàn thuế, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng và theo đúng quy định.
Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ khai, hoàn thuế, phát hiện, xử lý kịp thời gian lận thuế, hóa đơn; chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn trong công tác quản lý thu, chống thất thu, hoàn tất các cuộc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu đầy đủ các khoản thu theo kết luận của thanh tra, kiểm toán vào NSNN, thu hồi nợ thuế.
Ngoài ra, tăng cường phòng chống gian lận thương mại, chuyển giá, gian lận giá nhập khẩu và buôn lậu qua biên giới, nhất là các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, chuyển nhượng bất động sản, buôn lậu xăng dầu qua đường biển và qua biên giới... Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy định về quản lý giá, thuế, phí, ổn định giá nguyên vật liệu, mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống của nhân dân.
Đồng thời, thực hiện việc tái cấu trúc, cơ cấu lại doanh nghiêp nhà nước, đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DN theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình cơ cấu lại; đẩy nhanh công tác quyết toán đối với DN đã cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN để thu về NSNN. Tiếp tục rà soát, thực hiện các biện pháp giảm mức phí, chi phí đầu vào nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.
Với mục đích tổ chức điều hành chi NSNN chủ động; tăng cường tiết kiệm chi NSNN, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, Thủ tướng yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, tổ chức thực hiện chi NSNN theo dự toán được giao, đảm bảo phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách và cấp dưới theo đúng thời hạn và quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh dự toán chi theo quy định; chủ động cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết; giảm các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi công tác trong nước, nghiên cứu, khảo sát nước ngoài.
Song song với đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức sử dụng NSNN, tài sản công phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý; xác định đầy đủ các khoản chi thường xuyên vào định mức chi quản lý hành chính của các bộ, cơ quan trung ương, đảm bảo yêu cầu triệt để tiết kiệm.
Đẩy mạnh việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn của từng ngành, từng đơn vị để giảm chi thường xuyên và cơ cấu lại NSNN. Xây dựng phương án tăng cường mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định; thúc đẩy sự tham gia của các thành phần trong xã hội vào việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, đồng thời giảm áp lực lên NSNN.
Công điện nêu rõ, trong trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương giảm so với dự toán năm 2023, UBND cấp tỉnh xây dựng phương án báo cáo HĐND chủ động giữ lại 50% dự toán dự phòng ngân sách địa phương để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.
Cùng lúc, cân đối các nguồn lực tại chỗ để chủ động bù đắp số giảm thu ngân sách địa phương (quỹ dự trữ tài chính...). Sau khi sử dụng các nguồn lực của địa phương mà vẫn không đảm bảo bù đắp số giảm thu, thì phải thực hiện sắp xếp, cắt, giảm, giãn các nhiệm vụ chi. Trong đó, cần chủ động cơ cấu lại chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương, nhất là trường hợp nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết biến động tăng/giảm lớn; tạo nguồn để cân đối các nhiệm vụ chi thường xuyên, các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ giảm nghèo do giảm thu cân đối ngân sách địa phương.
Trong quá trình điều hành ngân sách, trường hợp xảy ra thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách các cấp, phải kịp thời báo cáo cấp trên để xem xét, xử lý theo quy định tại Điều 58 của Luật Ngân sách nhà nước và khoản 1, Điều 36 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với riêng nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng giao chủ trì, phối hợp với bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tiền tệ để thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư ngoài nhà nước, đẩy mạnh đầu tư công phục vụ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN và nợ công trong phạm vi cho phép.
Thủ tướng yêu cầu triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu, chi NSNN trong thời gian còn lại của năm 2023 và ngay từ những tháng đầu năm 2024; điều hành dự toán chi NSNN chủ động, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai, dành nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh là, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại chi NSNN theo hướng bền vững, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới cơ chế phân bổ chi thường xuyên, bảo đảm chi cho con người, an sinh xã hội, y tế, môi trường, quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ... theo quy định pháp luật; tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, chi trả nợ trong tổng chi NSNN và giảm bội chi NSNN theo quy định tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021.
Song song với đó, tập trung chỉ đạo, theo dõi chặt chẽ tình hình biến động giá cả, thị trường trước, trong và sau Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; điều hành cung ứng và luân chuyển hàng hóa để đáp ứng nhu cầu; kiểm soát giá cả trong dịp Tết; kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về giá và pháp luật khác có liên quan. Cùng lúc, tiếp tục chỉ đạo hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời và đúng quy định cho DN và người dân.