Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an vào cuộc xử lý tình trạng sở hữu chéo ngân hàng

Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước sớm có giải pháp để xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các ngân hàng.

Đây là một trong những nội dung quan trọng được Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trong Chỉ thị 14 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 được ban hành ngày 2/5.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và an ninh tài chính, tiền tệ.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an vào cuộc xử lý tình trạng sở hữu chéo ngân hàng.

Cũng tại chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương trình Chính phủ cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn vào tháng 5-2024.

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư… ưu tiên nguồn lực tháo gỡ khó khăn trong hoạt động phục vụ sản xuất kinh doanh…

Trước đó, Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7, một số điều khoản sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.

Với quy định giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông lớn và các bên liên quan, trong quy định mới cổ đông cá nhân sẽ không được sở hữu quá 5%; tổ chức không được sở hữu quá 10% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng (bao gồm cả sở hữu gián tiếp). Cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng và quá 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng khác.

Sự thay đổi này được cho sẽ làm hạn chế tình trạng sở hữu chéo và giảm thiểu rủi ro có thể gây tác động đến hoạt động của tổ chức tín dụng.

Đáng chú ý, Luật mới sẽ quy định về việc công bố thông tin của các cổ đông ngân hàng. Trong đó, cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ sẽ phải công bố thông tin về bản thân, tỷ lệ sở hữu, thông tin về người có liên quan và tỷ lệ sở hữu của người có liên quan.

Vấn đề cần phải được xử lý sớm

Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết, sở hữu chéo ngân hàng là hiện tượng một doanh nghiệp sở hữu cổ phần của một doanh nghiệp khác tại cùng một thời điểm một cách trực tiếp hoặc gián tiếp khi nhiều công ty có quyền sở hữu chung cổ phần của một công ty và bản thân các công ty đó cũng trực tiếp sở hữu cổ phần của nhau tạo nên một mạng lưới phức tạp được ví von như ma trận.

Theo ông Bùi Kiến Thành, hiện tượng này xảy ra ở nhiều nền kinh tế, kể cả ở các nước có nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, ở các nền kinh tế lớn, ít xảy ra tình trạng sở hữu chéo gây ảnh hưởng tới quyết định của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại. Vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay gây nên nhiều lo ngại bởi nguy cơ lãnh đạo doanh nghiệp có quan hệ sở hữu chéo với ngân hàng thương mại muốn lạm dụng các quyền cổ đông để điều hướng dòng tín dụng, sử dụng nguồn vốn huy động cho lợi ích của doanh nghiệp và cá nhân. Điều này tiềm ẩn nguy cơ thao túng, làm lệch dòng tiền

Thực tế tại Việt Nam cho thấy, dư luận về mối quan hệ giữa ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản đã xuất hiện từ lâu.

Theo chuyên gia kinh tế, dư nợ bất động sản hiện đang chiếm chừng 21% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế, chưa kể dư nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, vậy nên, nếu có việc sở hữu chéo giữa ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản, đó sẽ là một vấn đề cần sớm xử lý dứt điểm.

Anh Thư

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thu-tuong-yeu-cau-bo-cong-an-vao-cuoc-xu-ly-tinh-trang-so-huu-cheo-ngan-hang-87611.html