Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số trong 4 tháng đầu năm

Sáng 5/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, kết quả đạt được về kinh tế-xã hội năm 2024 tốt hơn năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực. (Nguồn: Quốc hội)

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, kết quả đạt được về kinh tế-xã hội năm 2024 tốt hơn năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực. (Nguồn: Quốc hội)

Kết quả kinh tế-xã hội tạo đà cải cách, tạo lực phát triển

Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, có nhiều thay đổi tích cực hơn. Cụ thể như chúng ta đã hoàn thành vượt và đạt 15/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội, cao hơn 1 chỉ tiêu so với số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (đã báo cáo vượt và đạt 14/15 chỉ tiêu).

Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; bội chi, nợ công được kiểm soát, kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 7,09%, cao nhất trong khu vực và thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên 476,3 tỷ USD, tăng ba bậc vươn lên vị trí thứ 32 trên thế giới.

Đáng chú ý, năng suất lao động ước tăng 5,88% (đã báo cáo ước khoảng 5,56%); xuất siêu đạt 24,77 tỷ USD (đã báo cáo đạt gần 20,8 tỷ USD); GDP bình quân dầu người đạt 4.700 USD (tiếp cận ngưỡng thu nhập trung bình cao); lạm phát được kiểm soát ở mức 3,63%; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm; thu ngân sách Nhà nước đạt kỷ lục trên 2 triệu tỷ đồng, tăng 20,1% so với dự toán…

Nhiều dự án hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực mới nổi được triển khai, tạo sự lan tỏa tốt. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 2 bậc lên thứ 44/133 quốc gia được xếp hạng… Ba đột phá chiến lược được tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả.

Đồng thời, đổi mới tư duy công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, phát triển kinh tế đất nước. Thủ tục hành chính được cắt giảm, đơn giản hóa, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.

Hệ thống kết cấu hạ tầng có bước đột phá. Quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.

"Kết quả đạt được về kinh tế-xã hội năm 2024 tốt hơn năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, cơ bản được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, tạo đà cải cách, tạo lực phát triển, tạo khí thế sôi động và tạo niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định.

Về tình hình thực hiện kết hoạch phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó khăn. Các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng gay gắt và khó kiểm soát.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực trọng tâm.

Kết quả là, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2025 ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025. Nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số trong 4 tháng đầu năm. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng tín dụng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Quý I/2025 tăng 3,22%, tạo dư địa cho điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách vi mô.

Toàn cảnh phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. (Nguồn: Quốc hội)

Toàn cảnh phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. (Nguồn: Quốc hội)

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên

Cũng tại phiên khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2025.

Theo ông Phan Văn Mãi, năm 2024, kinh tế-xã hội nước ta phục hồi tích cực, đạt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, tạo chuyển biến toàn diện trên các lĩnh vực.

Những tháng đầu năm 2025, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tăng trưởng tích cực; thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục khởi sắc; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đẩy mạnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, an sinh, thể thao, truyền thông được quan tâm. Chính trị ổn định; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh, trật tự xã hội được bảo đảm.

Công tác đối ngoại chủ động, toàn diện, hiệu quả, mở rộng không gian phát triển và nâng cao vị thế đất nước. Đặc biệt, Lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc, cổ vũ mạnh mẽ khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nhận thấy, vẫn còn một số khó khăn, thách thức cần tập trung khắc phục như: Tăng trưởng kinh tế quý I/2025 chưa đạt kịch bản đề ra; tiêu dùng trong nước tăng chậm, chưa phát huy vai trò động lực; tiến độ giải ngân đầu tư công đã có chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt kỳ vọng; công tác xây dựng pháp luật còn một số mặt cần tiếp tục hoàn thiện để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi và phù hợp với thực tiễn; tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc tiếp tục diễn biến phức tạp; một số vấn đề về an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội cũng cần tiếp tục được quan tâm, xử lý kịp thời...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi thông tin, những tháng đầu năm 2025, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát. (Nguồn: Quốc hội)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi thông tin, những tháng đầu năm 2025, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát. (Nguồn: Quốc hội)

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, ông Phan Văn Mãi cho rằng, cần tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt và linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp như:

Một là, tiếp tục bám sát, phân tích kịp thời diễn biến kinh tế thế giới, chính sách của các nền kinh tế lớn, xu thế chuyển dịch toàn cầu để chủ động điều hành; củng cố nội lực, giữ vững ổn định vĩ mô, nâng cao sức chống chịu trong bối cảnh bất định.

Hai là, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và khai thác hiệu quả các động lực mới (chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số).

Ba là, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong mục tiêu đề ra; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; có giải pháp giảm chi phí vốn; phát triển thị trường tài chính lành mạnh; kiểm soát rủi ro trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn cuối năm.

Bốn là, tăng cường kỷ luật tài chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể và cá nhân người đứng đầu. Tiếp tục thực hiện các biện pháp hữu hiệu, cơ cấu lại thu, chi ngân sách Nhà nước, nợ công, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội...

Năm là, chủ động ứng phó với các rủi ro từ chiến tranh thương mại, điều chỉnh thuế quan; xây dựng phương án hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp. Có chính sách thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt Nam, đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới.

Sáu là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất mới; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...

Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát hiệu quả; kiên quyết cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và người dân; kiểm soát chặt chẽ chất lượng các quy định mới ban hành, bảo đảm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tám là, điều hành chi ngân sách chủ động, tiết kiệm, hiệu quả; kiểm soát bội chi và nợ công trong giới hạn an toàn; mở rộng hợp lý chính sách tài khóa để thúc đẩy đầu tư phát triển. Đồng thời, tăng cường quản lý thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Chín là, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, giải quyết việc làm; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Mười là, chủ động nghiên cứu và sớm ban hành các chính sách ứng phó với nguy cơ thất nghiệp cơ cấu do tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số; đồng thời, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động chịu tác động.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai chủ động, toàn diện công tác đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại kinh tế; nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, tận dụng tối đa các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, nhất quán, có tính dẫn dắt để định hướng kỳ vọng thị trường, tạo sự đồng thuận trong xã hội và khích lệ tinh thần vượt khó phục hồi.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-nhieu-dia-phuong-co-muc-tang-truong-2-con-so-trong-4-thang-dau-nam-313278.html