Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ cấp bách, mang tính chiến lược

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài.

Sáng 26/5 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.

Thủ tướng Chính phủ tham dự Diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024". Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ tham dự Diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024". Ảnh: VGP

Phát biểu tổng kết diễn đàn, Thủ tướng đánh giá cao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lựa chọn chủ đề rất đúng, rất trúng, rất cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đánh giá cao báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn của các đại biểu, đại diện người lao động, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất, hiến kế của đoàn viên, người lao động; tập trung rà soát, tiếp thu tối đa để hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện; đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu và có giải pháp cụ thể đối với những ý kiến liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền để triển khai trong thời gian tới; tạo môi trường sinh thái tốt nhất cho người lao động phát huy tính sáng tạo, đổi mới, yêu nước, yêu nghề.

Năng suất lao động là chỉ tiêu kinh tế có ý nghĩa quan trọng

Theo Thủ tướng, năng suất lao động là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - là một trong những thước đo quan trọng nhất để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa các quốc gia, cũng như giữa các lĩnh vực, địa phương trong từng quốc gia. Trong thế giới ngày nay, tăng năng suất lao động là một trong những nhân tố quan trọng nhất để các nước đang phát triển nỗ lực vươn lên, hướng đến phát triển nhanh và bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Thủ tướng khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến năng suất lao động và chú trọng những giải pháp tăng năng suất lao động. Trong đó, để tăng năng suất lao động, từ Đại hội lần thứ XI đến nay, Đảng ta đã xác định rõ phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 đột phá chiến lược (cùng với thể chế và hệ thống kết cấu hạ tầng). Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - đây chính là những nhân tố căn bản, cốt lõi và tạo nền tảng để tăng năng suất lao động nhanh và bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến năng suất lao động và chú trọng những giải pháp tăng năng suất lao động. Ảnh: Hải Nguyên

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến năng suất lao động và chú trọng những giải pháp tăng năng suất lao động. Ảnh: Hải Nguyên

Để cụ thể hóa những chủ trương theo Nghị quyết Đại hội Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch liên quan đến nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt, ngày 8/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1305 phê duyệt "Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030" với mục tiêu đặt ra là: Đến năm 2030, năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, năng suất lao động của nước ta tăng trưởng tích cực và liên tục trong suốt gần 40 năm đổi mới và hội nhập. Theo đó, từ năm 2011 đến nay, theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động tăng 2,7 lần, từ 70 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 188,7 triệu đồng/lao động năm 2023 - đây là mức cao so với khu vực và đang thu hẹp dần khoảng cách với các nước. Theo Ngân hàng Thế giới (WB) tính theo sức mua tương đương (PPP), trong giai đoạn 2021-2022, năng suất lao động Việt Nam tăng bình quân 4%/năm, cao hơn nhiều bình quân chung của thế giới là 2% và đứng thứ 2 Đông Nam Á.

“Tăng năng suất lao động đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong quý I/2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng, tăng 549 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023”- Thủ tướng đánh giá.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, việc thực hiện mục tiêu tăng năng suất lao động ở nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức. Mặc dù đã có sự cải thiện nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp; trong giai đoạn 2021-2023, tỉ lệ tăng năng suất lao động thấp hơn mục tiêu đề ra là 5,5%/năm.

Xét theo giá trị tuyệt đối, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 chỉ tương đương 11,4% của Singapore, 24,7% của Hàn Quốc, 26,3% của Nhật Bản, 35,4% của Malaysia, 64,8% của Thái Lan, 79% của Indonesia, 94,5% của Philippines.

Đặc biệt, khoảng cách về năng suất lao động và trình độ phát triển giữa các vùng, miền, khu vực còn khá lớn. Các yếu tố nền tảng cho tăng năng suất lao động nhanh và bền vững vẫn còn gặp nhiều trở ngại, vướng mắc, chưa thực sự có bước đột phá…; như hạ tầng, chuyển dịch lao động từ nông thôn sang thành thị, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức…

"Thời gian tới, bối cảnh tình hình quốc tế dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; cạnh tranh ngày càng gay gắt, trong khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và khoa học công nghệ phát triển bùng nổ, thay đổi hàng ngày, nâng cao năng suất lao động trở thành một vấn đề rất quan trọng, mang tính sống còn đối với tất cả các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam"- Thủ tướng nêu rõ.

3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá

Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, toàn thể các đoàn viên, người lao động, Công đoàn các cấp, cộng đồng doanh nghiệp cùng các bộ, ngành, địa phương cùng chung tay tập trung thực hiện: 3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá để góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động.

"3 đẩy mạnh" bao gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển cả từ bên trong và bên ngoài, nhất là hợp tác công tư, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo nền tảng cho tăng năng suất lao động.

"3 tiên phong" bao gồm: Tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tiên phong trong hội nhập quốc tế, tận dụng tốt mọi cơ hội, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tiên phong trong các phong trào thi đua tăng năng suất lao động, phát huy sáng kiến về quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng năng suất lao động.

"3 bứt phá" bao gồm: Bứt phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao và dạy nghề. Bứt phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là trong những ngành, lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, hydrogen… Bứt phá về môi trường lao động, bảo đảm xanh, sạch, đẹp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Thủ tướng Chính phủ cùng các đoàn viên, người lao động tiêu biểu trong cả nước - Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ cùng các đoàn viên, người lao động tiêu biểu trong cả nước - Ảnh: VGP

Về các nhiệm vụ, giải phát trọng tâm tăng năng suất lao động, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn các cấp cùng chung tay tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tăng năng suất lao động theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng - coi đây là nền tảng để tăng năng suất lao động (xuất phát từ công thức: Năng suất lao động xã hội = GDP/Lao động bình quân trong năm). Trong đó lưu ý gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Hai là, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ba là, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành, lĩnh vực, bảo đảm đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý.

Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động từ phi chính thức sang chính thức, từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ năng suất cao hơn.

Năm là, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao tỉ trọng các khu vực công nghiệp, dịch vụ, công nghiệp hóa nông nghiệp.

Sáu là, chăm lo, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động về đãi ngộ, tiền lương, phúc lợi xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, đặc biệt là về nhà ở, triển khai tốt chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát huy vai trò của tổ chức đại diện, nhất là vai trò tham gia quản lý xã hội, làm cầu nối thực hiện các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm về tăng năng suất lao động. Cùng với đó, thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động, nhà nghiên cứu và kiến nghị giải pháp phù hợp. Chú trọng công tác thương lượng, đối thoại, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp - chủ thể chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số, công nghệ xanh. Tăng năng suất lao động, tăng giá trị chứ không phải tăng thời gian làm việc của người lao động; toàn thể anh chị em công nhân, người lao động phát huy hơn nữa vai trò của người lao động - chủ thể tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, tạo ra của cải, vật chất và tinh thần cho xã hội. Không ngừng trau dồi, tự học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề, kinh nghiệm, khả năng thích ứng.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-nang-cao-nang-suat-lao-dong-la-nhiem-vu-cap-bach-mang-tinh-chien-luoc-322401.html