'Thời kỳ' gạo cấp thấp có trở lại khi NFA được phép mua gạo?

Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA) sẽ được 'khôi phục' quyền nhập khẩu gạo trực tiếp vốn đã bị hạn chế kể từ năm 2019. Việc này liệu có làm thay đổi phân khúc sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam hay không khi NFA từng được biết đến là 'vua' nhập khẩu gạo cấp thấp…

Gạo nguyên liệu được đưa về các nhà máy tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang để chế biến xuất khẩu. Ảnh: Trung Chánh

Gạo nguyên liệu được đưa về các nhà máy tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang để chế biến xuất khẩu. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo quí đầu năm 2024 và định hướng thời gian tới diễn ra mới đây ở thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, quí đầu năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 2,18 triệu tấn, với trị giá đạt gần 1,43 tỉ đô la Mỹ, tăng 17,6% về lượng và 45,5% về giá trị so với cùng kỳ.

Theo ông Sơn, quí đầu năm 2024, Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 1,01 triệu tấn, trị giá gần 649 triệu đô la Mỹ. Kết quả này chiếm đến 46,4% khối lượng và 45,5% giá trị xuất khẩu cả nước trong khoảng thời gian này.

Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam nên mọi thay đổi chính sách từ quốc gia này sẽ có những tác động nhất định đến Việt Nam.

NFA được phép nhập gạo trực tiếp

Ngày 15-2-2019, Tổng thống Philippines thời điểm đó là ông Rodrigo Duterte đã ký ban hành Đạo Luật số 11203 (Republic Act N.11203) với tên gọi “Luật về tự do hóa nhập khẩu, xuất khẩu và thương mại mặt hàng gạo nhằm dỡ bỏ cơ chế hạn ngạch đối với việc nhập khẩu mặt hàng gạo và thực hiện những mục đích khác”. Luật số 11203 có hiệu lực từ ngày 5-3-2019.

Với việc ban hành Luật 11203, Philippines đã xóa bỏ hoàn toàn quy định về hạn ngạch nhập khẩu gạo do NFA thực hiện. Hay nói cách khác, NFA không còn chức năng quản lý và điều tiết đối với việc nhập khẩu gạo cho quốc gia này theo cơ chế hạn ngạch.

Song song quy định nêu trên, Luật 11203 năm 2019 đã ban hành quy định mức thuế nhập khẩu gạo và khu vực tư nhân được giao nhiệm vụ nhập khẩu thay thế cho NFA.

Theo đó, mức thuế được quy định ở mức 35% đối với gạo nhập khẩu từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Còn với các nước ngoài ASEAN và là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) áp dụng mức thuế 40% đối với 350.000 tấn trong hạn mức tiếp cận tối thiểu (MAV) và 180% ngoài MAV.

Tuy nhiên, tường thuật từ trang Businessmirror.com.ph của Philippines cho thấy, hai Ủy ban của Hạ viện Philippines đã phê duyệt một đề xuất khôi phục chức năng bình ổn giá và điều tiết nguồn cung của NFA. Đây là động thái mới sau khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tuyên bố đề xuất sửa đổi Luật thuế gạo (Luật số 11203 như nêu ở trên).

Theo đó, các điều khoản chính của dự luật thay thế Luật số 11203, đó là cho phép NFA mua gạo xay xát trong nước khi cần thiết nhằm duy trì kho dự trữ.

Trong trường hợp nguồn gạo trong nước không đáp ứng được nhu cầu dự trữ tối thiểu, NFA cũng được “trao quyền” mua gạo từ các nhà nhập khẩu được công nhận để gia tăng nguồn dự trữ theo quy định để ổn định thị trường.

Đặc biệt, một phương án khác cũng được áp dụng, đó là NFA có quyền nhập khẩu gạo trực tiếp trong những trường hợp đặc biệt khi nguồn cung thiếu hụt cần phải hành động ngay để ổn định nguồn cung và duy trì kho dự trữ.

Với phương án nêu trên đồng nghĩa NFA được quay lại nhập khẩu gạo trực tiếp vốn được thiết lập từ trước thời điểm Luật số 11203 có hiệu lực, tức từ trước thời điểm ngày 5-3-2019.

Sản xuất và xuất khẩu gạo Việt có thay đổi theo chính sách mới của Philippines hay không? Ảnh: Trung Chánh

Sản xuất và xuất khẩu gạo Việt có thay đổi theo chính sách mới của Philippines hay không? Ảnh: Trung Chánh

Sản xuất, xuất khẩu gạo Việt sẽ thay đổi?

Philippines ban hành chính sách mới nhằm mục tiêu ổn định nguồn cung và kiềm chế giá gạo trong nước tăng cao như thời gian qua. Vậy câu hỏi được đặt ra, đó là chính sách mới của Philippines sẽ tác động ra sao đối với sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam, bởi đây là thị trường truyền thống và lớn nhất của Việt Nam?

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty lương thực Vạn Lợi cho biết, ở thời điểm hiện tại, khó có được một kết chính xác do tác động từ chính sách mới của Philippines chưa diễn ra.

Tuy nhiên, nhìn lại quá khứ có thể thấy: trước thời điểm cơ chế nhập khẩu gạo chuyển sang khu vực tư nhân (trước khi có Luật 11203) hay nói cách khác nhập khẩu gạo do NFA đảm nhận, thì phương thức đàm phán ký hợp đồng là theo cơ chế liên Chính phủ (G2G). Trong cơ chế này, chủng loại gạo được lựa chọn luôn là cấp thấp 25% tấm (IR 50404). Được biết, Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) là một trong hai đơn vị đứng ra đại diện đàm phán của Việt Nam.

Theo ông Phong, từ năm 2019 đến nay, tức từ thời điểm việc nhập khẩu gạo của Philippines được chuyển sang khu vực tư nhân thì việc đàm phán, ký kết mua bán giữa hai nước là do tư nhân đảm nhận. Do đó, chủng loại gạo ưa chuộng là “trắng hạt dài, chất lượng cao” thay thế cho loại gạo chất lượng thấp 25% tấm như trước đó.

Ông Sơn của Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam “tiếp tục đi đúng hướng” giá trị gia tăng cao khi các chủng loại gạo trắng, gạo thơm và nếp chiếm đến hơn 80% tổng khối lượng gạo xuất khẩu cả nước năm 2023. Trong đó, gạo trắng chiếm 40%; gạo thơm các loại chiếm 34,2%; gạo nếp chiếm 8%…

Trước đây hoạt động sản xuất với phân khúc lúa cấp thấp IR 50404 chiếm 35-40% trong tổng diện tích sản xuất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy vậy hiện nay, có thời điểm giảm xuống còn trên dưới 10%, tức diện tích sản xuất phân khúc lúa cấp thấp đã giảm đáng kể.

Với thực tế như nêu trên, việc NFA quay nhập khẩu gạo, liệu cơ quan này có chọn phân khúc 25% tấm như đã từng “ưa thích” và điều này liệu có khiến cơ cấu sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ thay đổi hay không?

Đặc biệt, với vai trò “bình ổn giá gạo nội địa và gia tăng nguồn dự trữ” như nêu trên, rất có thể NFA sẽ chọn phương án giá thay vì chất lượng. Dễ có khả năng cơ quan này sẽ ưu tiên mua gạo cấp thấp để có giá tốt thay vì chọn chất lượng cao như cách khu vực tư nhân đang làm.

Đối với thị trường Philippines, theo Tổ chức nông lương Liên hiệp quốc (FAO), dự báo nhập khẩu gạo năm 2024 của quốc gia này sẽ đạt mức 4,1 triệu tấn, cao hơn con số 3,65 triệu tấn của cả năm 2023.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thoi-ky-gao-cap-thap-co-tro-lai-khi-nfa-duoc-phep-mua-gao/