Thời khắc lịch sử đưa tỉnh Gia Lai bước vào hành trình phát triển mới
Hôm nay, ngày 1.7.2025, tỉnh Gia Lai (hợp nhất từ tỉnh Bình Định và Gia Lai (cũ)) chính thức hoạt động theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12.6.2025 của Quốc hội. Đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, đã có cuộc trò chuyện cởi mở với phóng viên Báo Gia Lai nhân sự kiện đặc biệt này.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng, đây là dấu mốc lịch sử đưa tỉnh Gia Lai bước vào hành trình phát triển, bứt phá vươn lên, mở ra một giai đoạn mới với nhiều kỳ vọng và khát vọng vươn lên mạnh mẽ hơn nữa.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng chào mừng Tổng Bí thư Tô Lâm (bên phải) đến làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai và Thường trực Tỉnh ủy Bình Định vào ngày 2.6.2025. Ảnh: ĐỨC THỤY
Động lực và tiềm năng tăng trưởng toàn diện
* Thực hiện chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh, tỉnh Gia Lai được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai (cũ). Xin đồng chí thông tin về cơ sở để Trung ương đưa ra quyết định này?
- Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Bình Định và Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, đạt được những chuyển biến mạnh mẽ. Kinh tế tăng trưởng tích cực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, hạ tầng dần được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng cải thiện. Bản sắc văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội luôn được giữ vững. Đến cuối nhiệm kỳ, tỉnh Bình Định đã bứt phá để trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung. Tỉnh Gia Lai cũng từng bước vươn lên và có vai trò quan trọng ở khu vực Tây Nguyên.
Tuy nhiên, cả 2 tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với tiềm năng, thiếu các dự án quy mô lớn. Hạ tầng giao thông, thủy lợi còn khó khăn. Số lượng DN còn ít, quy mô nhỏ, sức cạnh tranh hạn chế. Nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo còn thiếu, môi trường kinh doanh còn khó khăn, nhiều rào cản.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, cải cách tổ chức bộ máy chính quyền và nâng cao năng lực quản trị, tạo động lực tăng trưởng mới để đưa địa phương bứt phá lên một tầm cao mới.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (thứ hai, từ trái qua) kiểm tra các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh. Ảnh: HỒNG PHÚC
Việc hợp nhất Gia Lai và Bình Định thành một thực thể hành chính - kinh tế mới được Trung ương cân nhắc rất kỹ lưỡng. Tỉnh Gia Lai (mới) không chỉ lớn về quy mô (diện tích đứng thứ 2 trong 34 tỉnh, thành) mà còn mạnh về năng lực cạnh tranh, có khả năng hội nhập sâu vào chuỗi giá trị quốc gia và toàn cầu. Tuy mang đặc trưng địa hình và lợi thế khác nhau, nhưng hai địa phương lại tương đồng sâu sắc về truyền thống anh hùng, văn hóa cách mạng và khát vọng phát triển. Gia Lai với thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, tài nguyên đất đai; Bình Định với nền tảng công nghiệp, dịch vụ, cảng biển và hạ tầng logistics phát triển, đã hội tụ để hình thành nên một thực thể hành chính - kinh tế mới có quy mô, tầm vóc, động lực và tiềm năng tăng trưởng toàn diện.
Đây không chỉ là sự kết hợp đơn thuần về mặt địa lý, mà là sự cộng hưởng về chiến lược, tầm nhìn và năng lực phát triển hiện đại và bền vững. Những giá trị văn hóa, lịch sử và con người sẽ tiếp tục được gìn giữ, lan tỏa và nâng tầm trong không gian phát triển mới.
Đột phá để bứt phá
* Xác định rõ khó khăn, thách thức cũng như tiềm năng, lợi thế, tỉnh Gia Lai sau hợp nhất sẽ tập trung vào những trụ cột phát triển nào, thưa đồng chí?
- Trước mắt, Đảng bộ tỉnh Gia Lai xác định 5 trụ cột phát triển cho giai đoạn mới:
Một là, tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo lớn mạnh, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, dựa trên lợi thế về lao động, nông nghiệp và khai thác khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển và dọc QL 19 - Quy Nhơn - An Khê - Pleiku. Tạo đột phá về phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo và công nghiệp xanh, hình thành Trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Trung - Trung bộ; hỗ trợ chuyển đổi xanh; phát triển công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) gắn với hình thành Trung tâm đổi mới sáng tạo cấp vùng.
Hai là, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên lợi thế biển, sinh thái núi rừng, di sản văn hóa Tây Nguyên, văn hóa Chămpa, truyền thống văn hóa - lịch sử; đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Phát triển hệ sinh thái du lịch đặc thù, không phát triển theo lối đại trà mà phát triển có chiều sâu, có bản sắc, mang đến cho du khách những trải nghiệm phong phú, độc đáo và khác biệt.

Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là 1 trong 5 trụ cột phát triển của tỉnh Gia Lai. - Trong ảnh: Khách du lịch đến Quy Nhơn trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5. Ảnh: N.DŨNG
Ba là, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và lâm nghiệp bền vững dựa trên lợi thế của tỉnh có đất đỏ bazan, có đồng bằng, có đồi núi thấp để phát triển các vùng chuyên canh lớn (cà phê, hồ tiêu, rau quả sạch, dược liệu, chăn nuôi tập trung…), có biển để phát triển thủy sản công nghệ cao, hình thành các “cứ điểm nông - công nghiệp”, xây dựng mô hình vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Bốn là, phát triển dịch vụ cảng - logistics bao gồm cảng biển, ga đường sắt, cảng hàng không, cảng cạn dọc theo QL 19, cao tốc Quy Nhơn- Pleiku, hình thành các trung tâm logistics từ cửa khẩu Lệ Thanh đến cảng Quy Nhơn và cảng Phù Mỹ trong tương lai. Từ đó, đưa sản phẩm hàng hóa đặc sắc của quê hương Gia Lai đi khắp các nước trên thế giới.
Năm là, phát triển đô thị nhanh và bền vững gắn với phát triển thị trường bất động sản công nghiệp, đô thị, bất động sản du lịch, hạ tầng dịch vụ; kinh tế đô thị đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Hình thành những đô thị sinh thái đặc sắc với biển xanh - cao nguyên hùng vĩ, tạo nên những đô thị sinh thái kiểu mẫu là những nơi đáng sống, biến Gia Lai thành một Việt Nam thu nhỏ, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân và du khách.

Quảng trường Đại đoàn kết ở phường Pleiku là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc. Ảnh: ĐỨC THỤY
* Để thực hiện thành công các trụ cột phát triển đó, đưa tỉnh Gia Lai bứt phá trên hành trình mới, đặt ra yêu cầu triển khai đồng bộ, quyết liệt những nhiệm vụ mang tính đột phá…
- Đúng vậy. Có 4 nhiệm vụ mang tính đột phá chiến lược được xác định sẽ dẫn dắt toàn bộ tiến trình phát triển của tỉnh Gia Lai trong giai đoạn mới.
Thứ nhất, đột phá về quản trị của địa phương, chuyển từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền kiến tạo và phục vụ”. Đây là điều kiện quan trọng để khơi thông mọi điểm nghẽn, tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Xây dựng tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp tinh, gọn, mạnh, có nền công vụ hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng chính quyền số; xây dựng hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo; thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, tạo nên môi trường phát triển năng động, công bằng và hấp dẫn; bảo đảm môi trường pháp lý minh bạch, an toàn cho hoạt động đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương.
Thứ hai, tạo đột phá trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng cảng - logistics, hạ tầng công nghiệp - thương mại - dịch vụ, hạ tầng số. Ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông kết nối các địa bàn: Cao nguyên - trung du - đồng bằng - ven biển. Trên trục cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, hình thành các cụm động lực phát triển gắn với đô thị thông minh, trung tâm logistics, vùng nguyên liệu, khu công nghiệp, tạo hiệu ứng lan tỏa theo chuỗi giá trị.
Thứ ba, đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số, xem đây là động lực tăng trưởng mới của tỉnh Gia Lai. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là kim chỉ nam cho nỗ lực tái cơ cấu mô hình tăng trưởng; phải cụ thể hóa nghị quyết này bằng những chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, xây dựng chính quyền số, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và ứng dụng dữ liệu lớn trong quản lý. Đặc biệt, việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ nâng cao chất lượng quản lý, cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin, dịch vụ công cho người dân; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, qua đó rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, góp phần thực hiện công bằng xã hội.
Thứ tư, đột phá về nguồn lực con người. Cần thiết phải có chiến lược dài hạn để phát triển đội ngũ cán bộ, công chức và nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, năng động, sáng tạo và năng lực thích ứng với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Dân số của tỉnh Gia Lai hơn 3,5 triệu người, trong đó có gần 2 triệu người trong độ tuổi lao động, đây là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của tỉnh, cần được quan tâm phát huy. Đặc biệt, xây dựng đội ngũ cán bộ - nhất là người đứng đầu, có bản lĩnh chính trị, tinh thần phụng sự, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, trở thành trung tâm lan tỏa đổi mới trong hệ thống chính trị và xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (thứ ba, từ trái qua) đến thăm và tặng quà gia đình ông Đinh Văn Túc (hộ nghèo) ở xã An Lão. Ảnh: HỒNG PHÚC