'Thời hạn sử dụng' của các kỹ năng công nghệ ngày càng ngắn

Các kỹ năng công nghệ sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ và hầu hết nhân viên đều cần được đào tạo lại, nâng cấp kỹ năng …

Hội thảo “Vươn lên dẫn dắt trong thời kỳ suy thoái kinh tế”

Theo báo cáo về nhân sự toàn cầu của nhà phân tích nổi tiếng Josh Bersin, năm 2023 sẽ là một năm chuyển đổi khi chúng ta xác định lại công việc, lực lượng lao động và nhân sự. Nhân viên được trao quyền và có tiếng nói hơn bao giờ hết. Tính di động của công việc sẽ ở mức cao nhất mọi thời đại. Tình trạng này buộc gần như mọi công ty phải xây dựng trải nghiệm cho nhân viên, xác định các hành trình và trải nghiệm tạo nên đội ngũ nhân viên hạnh phúc.

Tại Hội thảo “Vươn lên dẫn dắt trong thời kỳ suy thoái kinh tế” được Udemy - nền tảng đào tạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới, cùng FUNiX và VINASA tổ chức, ông Greg Brown, CEO nền tảng đào tạo hàng đầu thế giới Udemy, cho rằng “văn hóa gắn kết trong DN là một thứ rất có giá trị và đối thủ không thể sao chép. Đó cũng chính là lợi thế cạnh tranh của DN”.

Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn chưa tạo lập được nền văn hóa học tập trong tổ chức. Ông Nguyễn Hùng Sơn, Ủy viên Ban thường vụ VINASA, nhận định văn hóa học tập tại DN Việt Nam còn chưa phát triển. Hiện nay, hoạt động học tập của nhân sự tại các doanh nghiệp còn mang tính tự phát, chưa trở thành một nét văn hóa và chưa gắn với chính sách của DN. Trong khi đó, theo đại diện VINASA, những DN xây dựng văn hóa học tập tốt đang có kết quả kinh doanh hiệu quả và bền vững.

VÌ SAO DOANH NGHIỆP VIỆT CHƯA CHÚ TRỌNG TẠO LẬP NỀN VĂN HÓA HỌC TẬP?

Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) là một tổ chức đại diện cho ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam với mục đích tăng cường hợp tác, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của các hội viên. VINASA đã có trên 500 doanh nghiệp hội viên phần lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành. Theo ông Nguyễn Hùng Sơn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tinh thần học tập của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, dẫn đến chưa nhiều doanh nghiệp tạo lập được nền văn hóa học tập trong tổ chức.

Theo đó, doanh nghiệp Việt còn thiếu tư duy hệ thống, thiếu nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo xây dựng văn hóa học tập. Thói quen tự học ở Việt Nam phần nào cũng ảnh hưởng đến nền văn hóa doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp chưa chủ động thiết lập nên các chương trình đào tạo, học tập cho toàn thể nhân viên. Một phần nguyên nhân nữa nằm ở việc doanh nghiệp chưa quen, chưa biết đến nhiều mô hình đào tạo mới dùng công nghệ.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Hùng Sơn đã đưa ra một số giải pháp để nâng cao tinh thần học tập nhằm cải thiện năng suất, gia tăng gắn kết của các nhân viên, như lãnh đạo tiên phong trở thành tấm gương học tập trọn đời; đưa hoạt động đào tạo thành một trong số nhiệm vụ chiến lược hàng năm; tiến hành chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo cũng như sử dụng các nền tảng công nghệ phù hợp cho hoạt động đào tạo và xây dựng văn hóa học tập. Các DN có thể tùy theo quy mô, khả năng của mình mà xây dựng đội ngũ đào tạo chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.

Là Ủy viên Ban thường vụ VINASA đồng thời ông Nguyễn Hùng Sơn cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và phát triển Công nghệ FSI. Ông Nguyễn Hùng Sơn cho biết lãnh đạo doanh nghiệp ai cũng muốn xây dựng văn hóa học tập và sẵn sàng đầu tư cho hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Họ ý thức được nếu không đầu tư phát triển nguồn nhân lực sẽ mất đi năng lực cạnh tranh. Bởi vậy, đội ngũ cấp dưới nếu có ý tưởng, hãy tự tin đề xuất, chia sẻ kế hoạch học tập đào tạo cho lãnh đạo của mình.

DOANH NGHIỆP CẦN THU HẸP KHOẢNG CÁCH KỸ NĂNG CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Trong phiên tọa đàm với chủ đề “Thách thức và giải pháp trong nỗ lực tăng năng lực cạnh tranh thông qua xây dựng văn hóa học tập tại doanh nghiệp”, trả lời câu hỏi của khán giả, đứng trên góc độ là lãnh đạo một doanh nghiệp, ông Nguyễn Hùng Sơn đã chia sẻ thách thức lớn của các doanh nghiệp trong việc thực thi kế hoạch học tập, đào tạo cho nhân viên chính là sự sắp xếp khối lượng công việc. Theo ông, lãnh đạo doanh nghiệp nên phân công công việc phù hợp, đảm bảo thời gian để nhân viên trau dồi kiến thức, kĩ năng. Doanh nghiệp nên kiên nhẫn và tạo điều kiện học tập cho nhân viên để phát triển văn hóa học tập.

Ông Nguyễn Hùng Sơn - Ủy viên Ban thường vụ VINASA, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và phát triển Công nghệ FSI

Một nghiên cứu trên 3 triệu nhân viên cũng đã nhấn mạnh phát triển nghề nghiệp là động lực hàng đầu để nhân viên cảm thấy mình có giá trị và gắn kết với tổ chức. Vì thế, đầu tư vào nhân sự, con người là được cho là một việc làm thiết yếu của các doanh nghiệp. Do đó, lãnh đạo doanh nghiệp cần ưu tiên học tập, biến học tập thành một phần của văn hóa tổ chức.

“Thời hạn sử dụng” của các kỹ năng công nghệ ngày càng ngắn. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đối với những lao động vẫn giữ nguyên vai trò của họ trong suốt quá trình làm việc, tỷ lệ các kỹ năng cốt lõi sẽ thay đổi trong 5 năm tới là 40% và 50% tổng số nhân viên sẽ cần đào tạo lại kỹ năng.

Chính vì thế, yêu cầu đào tạo, nâng cấp kỹ năng cho nhân sự ngày càng rõ rệt. Doanh nghiệp cần thu hẹp khoảng cách kỹ năng của người lao động bằng cách xây dựng các chương trình học tập tích hợp, được hỗ trợ bởi nền văn hóa học tập. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể nâng cao kỹ năng cho nhân viên, xây dựng trải nghiệm tốt hơn và tạo ra đội ngũ nhân viên hạnh phúc hơn tại nơi làm việc.

Thanh Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thoi-han-su-dung-cua-cac-ky-nang-cong-nghe-ngay-cang-ngan.htm