Thổ Nhĩ Kỳ với mục tiêu mở rộng 'dấu ấn chiến lược' tại châu Á

Thổ Nhĩ Kỳ, một cường quốc tầm trung có sức mạnh quân sự cùng vị trí chiến lược (nối liền hai châu lục Á và Âu, nằm giữa các vùng biển lớn như Địa Trung Hải, Biển Đen) đang không ngừng nỗ lực mở rộng sự hiện diện tại khu vực châu Á.

Trong một bài viết mới đây, trang mạng Arab News cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng dành nhiều sự quan tâm tới châu Á trong bối cảnh quốc gia này đang triển khai "Sáng kiến châu Á mới", vốn được công bố hồi năm 2019 với mục tiêu chính là xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ hơn về quốc phòng và kinh tế giữa Ankara với khu vực. Dẫn chứng mới nhất được thể hiện qua chuyến công du của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tới 3 quốc gia châu Á mới đây.

Thổ Nhĩ Kỳ và Malaysia ký kết các thỏa thuận hợp tác nhân chuyến thăm của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, tháng 2-2025. Ảnh: Anadolu Agency.

Thổ Nhĩ Kỳ và Malaysia ký kết các thỏa thuận hợp tác nhân chuyến thăm của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, tháng 2-2025. Ảnh: Anadolu Agency.

Malaysia là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du của Tổng thống Erdogan. Quốc gia Đông Nam Á được xác định là một ưu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc triển khai "Sáng kiến châu Á mới". Trong khi Malaysia đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2025, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác đối thoại theo lĩnh vực của khối. Sự ủng hộ của Malaysia, một trong những thành viên sáng lập ASEAN, có ý nghĩa rất quan trọng để Thổ Nhĩ Kỳ hiện thực hóa mục tiêu sớm trở thành đối tác đối thoại đầy đủ của Hiệp hội. Malaysia cũng là quốc gia thành viên ASEAN đầu tiên ký hiệp định thương mại tự do với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2014. Cùng với đó, quan hệ quốc phòng giữa hai bên đã không ngừng phát triển khi Bộ Quốc phòng Malaysia xác định Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác then chốt trong nỗ lực phát triển tiềm lực quốc phòng của Kuala Lumpur. Hồi năm 2024, tập đoàn quốc phòng STM của Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận cung cấp 3 tàu hộ vệ cho Malaysia. Trong khuôn khổ chuyến thăm Malaysia lần này của Tổng thống Erdogan, hai bên đã ký kết 11 thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, qua đó tạo thêm động lực đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu.

Chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du của Tổng thống Erdogan là Indonesia, quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới và là nền kinh tế lớn nhất ASEAN. Theo trang mạng Defense News, hai nước đã ký 13 thỏa thuận hợp tác nhân chuyến thăm, trong số này đáng chú ý là thỏa thuận giữa tập đoàn Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ và công ty quốc phòng Republikorp của Indonesia về việc xây dựng một cơ sở sản xuất máy bay không người lái tại quốc gia vạn đảo.

Ngoài Malaysia và Indonesia, Tổng thống Erdogan đã thăm Pakistan. Arab News nhấn mạnh hợp tác quốc phòng đóng vai trò quan trọng trong việc làm sâu sắc quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Pakistan, giúp Ankara xác lập vị thế là đối tác quan trọng của Islamabad. Các công ty quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua đã hỗ trợ các đối tác Pakistan phát triển nhiều loại vũ khí tiên tiến, tăng cường năng lực sản xuất quốc phòng nội địa, từ đó giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp phương Tây. Anadolu Agency cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan đã ký 24 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (bên trái) và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, tháng 2-2025. Ảnh: Anadolu Agency.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (bên trái) và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, tháng 2-2025. Ảnh: Anadolu Agency.

Kênh truyền hình TRT World cho rằng, với việc Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng nỗ lực tăng cường sự hiện diện tại châu Á, chuyến công du tới Malaysia, Indonesia và Pakistan của Tổng thống Erdogan khẳng định mục tiêu của Ankara mở rộng "dấu ấn chiến lược" tại khu vực. Trên thực tế, theo Anadolu Agency, Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đang nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU), lâu nay theo đuổi chính sách đối ngoại đa hướng và cân bằng nhằm đa dạng hóa quan hệ với các quốc gia của cả phương Tây lẫn châu Á. Trang mạng The New Arab dẫn lời chuyên gia Erdi Ozturk tại Đại học London Metropolitan (Anh) nhấn mạnh, Tổng thống Erdogan đã xác định Thổ Nhĩ Kỳ không nên chỉ phụ thuộc vào phương Tây bởi Ankara có nhiều lựa chọn quan hệ đối tác về phương diện kinh tế, quốc phòng và nhiều phương diện khác. "Với "Sáng kiến châu Á mới", Thổ Nhĩ Kỳ xác định bản thân không phải là quốc gia bên ngoài, vốn chỉ bắt đầu quan tâm tới châu Á khi chứng kiến sự trỗi dậy của khu vực, mà thay vào đó là quốc gia mang bản sắc châu Á trong mọi giai đoạn lịch sử. "Sáng kiến châu Á mới" không đòi hỏi Thổ Nhĩ Kỳ phải chọn bên giữa lúc gia tăng cạnh tranh giữa các cường quốc, đồng thời ưu tiên "lợi ích đôi bên", từ đó tạo "vùng an toàn" để hợp tác trong cả các lĩnh vực nhạy cảm như công nghiệp quốc phòng", chuyên gia Diren Doğan tại Đại học Alanya Alaaddin Keykubat (Thổ Nhĩ Kỳ) bình luận với Defense News.

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tho-nhi-ky-voi-muc-tieu-mo-rong-dau-an-chien-luoc-tai-chau-a-5038901.html