Thiếu khí đốt Nga buộc Đức phải 'ra đòn' với đồng minh EU

Đức bị đánh giá có bước đi khác biệt đối với lợi ích chung của châu Âu trong khi phải đối mặt tình trạng thiếu khí đốt Nga.

Thủ tướng Đức kêu gọi các nước EU đoàn kết, nhưng ông lại đang tạo dựng con đường riêng cho đất nước của mình. Điều này là do cuộc xung đột Ukraine và sự thiếu hụt khí đốt Nga, nhà báo Matthew Karnichnig của tờ Politico nhận xét.

Trong khi cả châu Âu đang gánh chịu hậu quả của cuộc xung đột Ukraine, Thủ tướng Olaf Scholz không ngừng nói về sự đoàn kết. Tuy nhiên, ông lại mở một hướng đi khác cho nước Đức.

Trang Politico viết: “Cho dù đó là việc cung cấp vũ khí cho Ukraine hay cách giảm thiểu tác động của đợt tăng giá khí đốt tự nhiên, thì cách tiếp cận của Thủ tướng Scholz rất rõ ràng: Đức đi trước".

Cả khối EU đều bối rối trước quyết định của Berlin đó là chi 200 tỷ euro trợ cấp cho các doanh nghiệp và hộ gia đình. Khoản tiền này sẽ giảm thiểu hậu quả của việc thiếu khí đốt tuy nhiên lại gây bất lợi cho nhiều quốc gia khác, do vậy đã gây ra một làn sóng phẫn nộ.

“Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thậm chí còn buộc tội ông Scholz là ích kỷ. Điều đáng lo ngại là các khoản trợ cấp của Đức sẽ mang lại cho các nhà sản xuất nước này một lợi thế không công bằng so với ngành công nghiệp ở các nước EU khác”, nhà báo Karnichnig viết.

Chính quyền Phần Lan và Estonia cũng lên tiếng lo ngại. Đáp lại, ông Scholz nói rằng nhiều nước EU khác cũng đang triển khai những chương trình hỗ trợ tương tự. Đúng - nhưng không gói hỗ trợ nào có thể so sánh được về quy mô với những gì Berlin làm.

Điều khiến các nhà lãnh đạo EU tức giận nhất hiện nay là Berlin muốn một mình giải quyết các vấn đề kinh tế và an ninh quan trọng. Với sự bùng nổ của cuộc xung đột Ukraine, ông Scholz đã phân bổ 100 tỷ euro để tăng cường an ninh không phải của châu Âu mà của riêng Đức.

"Tương tự, cách tiếp cận của chính phủ Đức đối với tình trạng thiếu điện và khí đốt trong mùa đông này hoàn toàn tập trung vào lợi ích quốc gia của họ chứ không phải châu Âu", nhà phân tích của tờ Politico nói.

Thủ tướng Đức gần đây đã đến thăm Tây Ban Nha, nơi ông thúc đẩy việc hoàn thành một đường ống dẫn khí đốt mới từ Bán đảo Iberia tới Bắc Âu để bù đắp thiệt hại do nguồn cung từ Nga suy giảm.

Tổng thống Macron đã kịch liệt phản đối một đường ống dẫn khí đốt đi qua lãnh thổ Pháp, cho rằng nó không có ý nghĩa kinh tế. Quan điểm này được Ủy ban châu Âu chia sẻ, nhưng thủ tướng Đức vẫn tiếp tục tiến lên, thậm chí kiểm tra xem liệu dự án có thể vượt qua Pháp hay không.

Nhiều người có cảm giác rằng ông Scholz dự định đặt đất nước của mình lên trên hết, không tính đến lợi ích của các đồng minh EU. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức lại thường xuyên có các bài phát biểu về sự đoàn kết giữa các thành viên Liên minh châu Âu.

Vào cuối tháng 8/2022, ông Scholz đã phát biểu tại Praha về tầm quan trọng của một Liên minh châu Âu mạnh, có thể hành động thống nhất và quyết đoán. Theo tác giả, những mánh khóe như vậy không khơi dậy niềm tin trong giới cầm quyền của các nước EU khác.

“Phần còn lại của châu Âu - vốn đã học cách tập trung vào các hành động của Berlin hơn là những lời hùng biện cảm thấy không bị thuyết phục. Trong khi nhiều nước châu Âu muốn có sự phối hợp của Đức cũng không tin tưởng Berlin như một nhà lãnh đạo".

"Việc Đức kiên quyết theo đuổi khí đốt của Nga và mong muốn 'đối thoại' lâu dài với Moscow đã cướp đi sự tín nhiệm dành cho Berlin, đặc biệt là ở Trung và Đông Âu", tờ Politico đưa ra nhận xét.

Theo nhà báo Matthew Karnichnig, vai trò của châu Âu đối với Thủ tướng Olaf Scholz trong cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ đóng vai trò “khán giả nghe hùng biện”.

Khi hậu quả thực sự của các lệnh trừng phạt chống Nga bắt đầu ảnh hưởng, Thủ tướng Đức đã cố gắng thúc đẩy ý tưởng về sự gắn kết, tuy nhiên chính quyền Berlin dưới sự lãnh đạo của ông lại hành động chủ yếu vì lợi ích của bản thân mình.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thieu-khi-dot-nga-buoc-duc-phai-ra-don-voi-dong-minh-eu-post519515.antd