Thị trường chứng khoán 2025: Nhiều thách thức, lắm kỳ vọng

Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào năm 2025 với nhiều thách thức nhưng cũng nhiều kỳ vọng. Nâng hạng lên thị trường mới nổi và sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau những biến động toàn cầu là hai câu chuyện được quan tâm của kênh huy động vốn này.

Theo các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục vững vàng nhờ vào ba trụ cột chính: đầu tư công, dòng vốn FDI và tiêu dùng nội địa.

Những "ngôi sao sáng" trong làng đầu tư

Một trong những nhóm ngành được đánh giá hấp dẫn nhất năm 2025 chính là đầu tư công. Theo dự báo, tổng đầu tư toàn xã hội trong năm nay dự kiến hơn 174 tỷ USD, tương đương 33,5% GDP, trong đó đầu tư công chiếm khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875.000 tỷ đồng).

Trong phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhóm cổ phiếu đầu tư công đã có sự bứt phá mạnh, với HHV (Đèo Cả) tăng 2,4%, LCG, KSB và FCN đều ghi nhận mức tăng trên 1%. Riêng với HHV, báo cáo của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho thấy cổ phiếu này có thể đạt mức tăng gần 30% trong thời gian tới nhờ vào việc tham gia các dự án cao tốc lớn như Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Bên cạnh đó, những DN như CII, C4G, LCG cũng đang tham gia vào các dự án hạ tầng trọng điểm, giúp gia tăng tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay. Với sự thúc đẩy mạnh mẽ từ Chính phủ, ngành đầu tư công không chỉ tác động đến nhóm xây dựng mà còn lan tỏa đến ngành vật liệu xây dựng, thép, xi măng.

Nhà đầu tư giao dịch tại sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Nhà đầu tư giao dịch tại sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Sau đầu tư công, giới phân tích dự báo, nhóm ngân hàng tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt VN-Index nhờ vào tăng trưởng tín dụng và sự phục hồi kinh tế. Giám đốc phân tích ngành và cổ phiếu tại VPBankS Đào Hồng Dương nhận định, lợi nhuận ngành ngân hàng có thể tăng hơn 17% nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ. Tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 16 - 18% để hỗ trợ mục tiêu GDP hai con số của Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công và các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Những cổ phiếu đáng chú ý trong ngành này gồm CTG, TCB, BID, MBB và VPB, khi đều có mức vốn hóa lớn và được hưởng lợi từ nhu cầu tín dụng cao.

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến ngành ngân hàng là chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Nếu lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp để kích thích tăng trưởng kinh tế, ngành ngân hàng có thể hưởng lợi nhờ chi phí vốn rẻ và nhu cầu vay vốn tăng mạnh. Tuy nhiên, rủi ro nợ xấu cũng là một yếu tố nhà đầu tư cần lưu ý, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang phục hồi sau đại dịch và biến động toàn cầu.

Cùng với sự tăng trưởng của thị trường, ngành chứng khoán cũng có cơ hội hưởng lợi lớn. Những công ty chứng khoán hàng đầu có khả năng tăng trưởng doanh thu nhờ vào thanh khoản thị trường cải thiện. Ngoài ra, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, dòng tiền nước ngoài chảy vào sẽ giúp các công ty chứng khoán tăng mạnh doanh thu từ dịch vụ môi giới và quản lý tài sản.

Nhìn chung, trong nửa đầu năm, thị trường dễ ảnh hưởng về mặt thông tin, chính sách thuế hay những yếu tố liên quan đến tỷ giá. Những yếu tố này khiến VN-Index khó tăng qua 1.300 điểm.

Tuy nhiên, đến cuối năm, kể từ sau tháng 8 - 9, khả năng VN-Index vượt 1.300 điểm, lên vùng cao mới là rất sáng. Do vậy, trong nửa đầu năm, về mặt phân tích kỹ thuật, VN-Index đã tạo ra một vùng giá, với đáy dưới là 1.250 điểm và biên trên là 1.285 - 1.305 điểm. Với biên rất cứng như vậy, chiến lược trong 6 tháng đầu năm vẫn là giao dịch (trading) trong biên. Cổ phiếu chạm nền cao thì nên chốt lời và canh mua trở lại trong vùng điều chỉnh.

Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank

Tuy nhiên, tính biến động cao của ngành này đòi hỏi nhà đầu tư phải chọn lọc các công ty có nền tảng tài chính vững chắc. Các công ty có tỷ lệ đòn bẩy cao hoặc phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động tự doanh có thể đối mặt với rủi ro nếu thị trường không diễn biến thuận lợi.

Ngoài các ngành chính, một số lĩnh vực khác cũng có triển vọng tăng trưởng mạnh trong năm 2025. Ngành thép được hưởng lợi từ đầu tư công, với những cổ phiếu tiềm năng như HPG, NKG, HSG. Ngành bán lẻ và tiêu dùng hưởng lợi từ sự phục hồi của tiêu dùng nội địa, với các mã như MWG, FRT, PNJ. Ngành xuất khẩu dệt may, thủy sản được hỗ trợ bởi chính sách thương mại và đơn hàng phục hồi, với các mã như MPC, ANV, TCM, STK…

Các kịch bản cho thị trường chứng khoán

Dự báo của VNDirect cho thấy, chỉ số VN-Index có thể đạt 1.670 điểm trong kịch bản tích cực, tương đương mức tăng trưởng 32% so với năm 2024. Nếu kịch bản thận trọng xảy ra, chỉ số này vẫn có thể đạt 1.340 điểm, tăng nhẹ 6% so với cuối năm trước.

Nhận định về triển vọng thị trường trong năm nay, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank nhấn mạnh rằng, nâng hạng thị trường sẽ là yếu tố quyết định dòng tiền ngoại vào Việt Nam. Nếu

Việt Nam chính thức được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 9/2025, dòng vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế sẽ đổ vào mạnh mẽ, tạo cú hích lớn cho thị trường chứng khoán.

Không chỉ kỳ vọng vào nâng hạng, thị trường còn hưởng lợi từ các yếu tố nội tại như tăng trưởng lợi nhuận DN. Theo VNDirect, chỉ số EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) của các DN niêm yết có thể tăng 17% vào năm 2025, củng cố niềm tin nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Khuyến nghị nhà đầu tư, các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức hợp lý và tập trung vào các nhóm ngành có thông tin hỗ trợ mạnh. Những nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm nên cân nhắc đầu tư qua các quỹ chuyên nghiệp như Vinacapital, SSIAM, Vietcombank Fund và DCVFM, khi các quỹ này đã ghi nhận mức tăng trưởng 25 - 30% trong năm qua.

Ngoài ra, theo dõi xu hướng mua ròng/bán ròng của khối ngoại cũng là chiến lược quan trọng. Các cổ phiếu MWG, SBT, NLG, HVN, MBB đang thu hút dòng vốn ngoại và có thể là cơ hội đầu tư tốt. Ngược lại, các cổ phiếu bị bán ròng mạnh như MSN, VNM, FPT cần được xem xét thận trọng.

Trong bối cảnh khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng và dòng tiền nội chưa thể đủ lực một mình kéo thị trường, theo tôi, thị trường chưa thể tăng ngay mà cần tích lũy tại vùng này trong một thời gian nữa trước khi xuất hiện những thông tin hỗ trợ đủ mạnh và hội tụ đủ sức bật để vượt qua vùng kháng cự mạnh kể trên.

Do đó, thị trường có thể đi ngang tích lũy và dòng tiền sẽ luân chuyển nhanh giữa các nhóm cổ phiếu để tìm kiếm các cơ hội ngắn hạn. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và xem xét cơ cấu danh mục đầu tư, ưu tiên những nhóm đang có thông tin hỗ trợ mạnh như đầu tư công, xây dựng, vật liệu xây dựng, ngân hàng, xuất khẩu dệt may, thủy sản.

Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận vĩ mô và Chiến lược
thị trường - Khối Phân tích, Công ty chứng khoán VNDirect

Phùng Xuân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thi-truong-chung-khoan-2025-nhieu-thach-thuc-lam-ky-vong.html