Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Tránh 'thi gì, học nấy'?
GS. TS Đỗ Đức Thái, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, những vấn đề về kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 (theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018) đã trở nên cấp bách - không chỉ đối với ngành Giáo dục mà còn đối với nhân dân cả nước.
Thi gọn nhẹ, phát huy sở trường của học sinh
Tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ kỳ thi năm 2024 vừa qua, bàn về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, GS.TS Đỗ Đức Thái cho rằng, có 3 việc phải làm ngay để tạo ra một cơ sở khoa học chắc chắn cho việc xây dựng định dạng câu hỏi thi tốt nghiệp THPT phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ nhất là làm rõ vai trò, mục đích kỳ thi tốt nghiệp THPT trong mối liên hệ với công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng. Thứ hai, cần nghiên cứu chuẩn hóa chương trình các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thứ ba, xây dựng bộ chuẩn đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh và bộ công cụ đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh ở mỗi môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Khi những vấn đề trên được làm rõ thì việc xác định dạng thức đề thi tốt nghiệp THPT hoàn toàn có thể giải quyết được một cách khoa học, bài bản. Công việc quan trọng tiếp theo trong xây dựng câu hỏi, đề thi tốt nghiệp THPT là xây dựng đội ngũ chuyên gia, giáo viên ra đề thi. Đây chính là người quyết định chất lượng của đề thi.
GS Đỗ Đức Thái đề xuất 3 nguồn huy động đội ngũ ra đề thi, đó là: Ban xây dựng và phát triển chương trình môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018; các tác giả chủ chốt của các bộ sách giáo khoa; các chuyên gia, giáo viên phổ thông cốt cán có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng đề thi.
Đồng thời, GS Đỗ Đức Thái chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Qua đó có thể thấy, không có câu trả lời đúng, sai cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mỗi cách đều phục vụ một cách hiệu quả nhất mục đích của hệ thống giáo dục quốc gia. Tuy nhiên, có một điểm chung ở nhiều nước là phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng gọn nhẹ, tôn trọng quyền lựa chọn của học sinh, nhằm phát huy sở trường của học sinh.
Đề xuất hai phương án thi
Theo GS Thái, giáo dục phổ thông là nơi lưu trữ, bảo tồn, phát huy, phát triển bản sắc dân tộc và nền văn hóa dân tộc, nên chúng ta phải xây dựng cho được quan điểm, mục tiêu, phương thức, cách thức công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh trên phương châm giải quyết những vấn đề cụ thể của nền giáo dục Việt Nam trong hoàn cảnh cụ thể của đất nước.
Đối với mỗi môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, để cuốn hút học sinh, cần tạo dựng niềm tin cho học sinh và cha mẹ học sinh về giá trị, học vấn của môn học đó mang lại cho cuộc đời học sinh sau này. Từ đó động viên, lôi cuốn học sinh vào môn học, đổi mới nội dung và phương pháp dạy học của mỗi môn học. Để đạt được điều đó không thể dùng biện pháp hành chính, bắt buộc thi môn học để buộc học sinh phải học môn học đó.
Bởi vậy, đánh giá giáo dục, trong đó có thi tốt nghiệp và công nhận tốt nghiệp THPT là khâu cuối cùng trong cả tiến trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông. Kỳ thi có trách nhiệm thực hiện mục tiêu của giáo dục phổ thông - thực hiện yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh. Đồng nghĩa với việc đánh giá giáo dục phải tuân thủ nguyên lý “học gì, thi nấy”. Không để xảy ra kiểu đánh giá giáo dục tiểu tiết, chi phối mục tiêu giáo dục - tức không để xảy ra việc “thi gì, học nấy”.
Từ những phân tích trên, GS Đỗ Đức Thái đề nghị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên quy mô toàn quốc. Đối với môn bắt buộc, lựa chọn một trong hai phương án: Phương án 1 gồm: Toán, Ngữ văn; phương án 2 gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Môn tự chọn là hai môn học sở trường được học sinh chọn từ những môn học được giảng dạy ở THPT.
Về xây dựng định dạng câu hỏi thi tốt nghiệp THPT phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo GS Đỗ Đức Thái, đây là chủ đề khó, cần bàn thảo kỹ ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục, giáo viên.
Ở góc độ khác, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học - Giáo dục Việt Nam, mục tiêu giáo dục hiện nay là đào tạo cho học sinh có năng lực. Điều quan trọng là rèn cho học sinh tư duy năng lực vận dụng kiến thức vào cuộc sống, không nặng kiểm tra các em nhớ gì, học thuộc gì. Không thể tổ chức thi theo kiểu cũ, kiểm tra kiến thức từ đầu đến cuối chương trình rồi cộng thêm kiến thức lớp 11, cộng thêm kiến thức lớp 12. Điều quan trọng, chúng ta nên thay đổi - học thật, thi thật để tạo ra những con người thật.
PGS. TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT nêu rõ 3 mục đích tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, đó là: Đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và là một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; Cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, nội dung thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ bám sát yêu cầu cần đạt về năng lực và kiến thức chủ yếu của lớp 12 trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Có lộ trình phù hợp để tăng nội dung đánh giá năng lực mỗi năm phù hợp với thời gian học tập theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của học sinh; Phương thức xét tốt nghiệp bao gồm kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp.