Thế trận biên phòng ở Xín Cái

Vượt qua những tập tục lạc hậu, nghèo khổ do điểm xuất phát thấp về kinh tế, những năm gần đây được sự quan tâm của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội của tỉnh Hà Giang và Đồn Biên phòng Xín Cái, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang nên đời sống kinh tế-xã hội của người dân vùng biên giới này ngày càng khởi sắc.

Đặc biệt, trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, nhân dân tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thường xuyên gắn bó cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới.

Tích cực tuyên truyền về pháp luật cho người dân

Đồn Biên phòng Xín Cái quản lý bảo vệ đoạn biên giới dài gần 24km, phụ trách 2 xã biên giới Xín Cái và Thượng Phùng với gần 2.000 hộ/11.000 khẩu, gồm 9 thành phần dân tộc: Mông, Xuồng, Giấy, Tày, Nùng, Lô Lô, Dao, Thái, Hoa sinh sống đan xen; trong đó dân tộc Mông chiếm 70%, dân cư phân bố trên 32 thôn trong có 11 thôn giáp biên giới. Địa hình phức tạp, núi cao, khe sâu hiểm trở, khí hậu, thời tiết khắc nhiệt ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, 2 xã biên giới từng bước phát triển, đời sống mọi mặt của các dân tộc ngày càng được nâng lên, quốc phòng, an ninh ngày càng được củng cố.

Thượng tá Nguyễn Xuân Đồng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Xín Cái cho biết: "Đơn vị đứng chân trên địa bàn xã Xín Cái, một xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mèo Vạc. Xã có trên 8km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc, địa hình hiểm trở, đất sản xuất ít nên đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Hiện, toàn xã còn trên 50% hộ nghèo, trình độ dân trí của bà con còn nhiều hạn chế, phong tục tập quán lạc hậu, đời sống văn hóa - xã hội chậm phát triển".

Một buổi tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mua bán người cho người dân của cán bộ Đồn Biên phòng Xín Cái.

Đặc biệt, lợi dụng nhận thức của người dân còn hạn chế, các đối tượng xấu vẫn lén lút hoạt động; tình trạng vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động tự do còn diễn biến phức tạp; tình hình buôn lậu, thẩm lậu gia súc, gia cầm qua biên giới chưa được kiểm soát chặt chẽ… Chính những điều này đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự cũng như gây không ít khó khăn cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con.

Chứng kiến một buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật cho bà con tại thôn Ma Xí B, xã Xín Cái chúng tôi mới thấy nỗi khó khăn vất vả của người lính Biên phòng. Do địa bàn chiếm 70% là người dân tộc Mông, nên việc bắt buộc cán bộ tuyên truyền phải hiểu biết về văn hóa người Mông và tiếng Mông. Thượng úy Đỗ Hữu Lâm, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Xín Cái chia sẻ: “Dù không biết tiếng Mông nhưng chúng tôi đều cố gắng học, hiểu một chút ngôn ngữ của họ để có thể trao đổi. Tất cả các nội dung dùng để tuyên truyền cho người dân chúng tôi đều dùng những hình thức ngắn gọn, dễ nhớ, phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của người Mông để tuyền tải những văn bản pháp luật khô khan. Hôm nay, Đội chúng tôi tuyên truyền về phòng, chống về ma túy và mua bán người. Để thực hiện được nội dung này, chúng tôi mất gần một tháng để chuẩn bị nội dung tuyên truyền sao cho dân dễ hiểu, dễ nghe, dễ nhớ”.

Chị Mùa Mí Cải, thôn Lùng Vần Chải, xã Xín Cái tham dự buổi tuyên truyền cho biết: “Cán bộ Biên phòng đã chỉ cho chúng tôi biết thủ đoạn của bọn buôn bán người, chúng sẽ lừa như thế nào. Qua cái điện thoại, qua lời dụ dỗ tán tỉnh yêu đương hay cho cái ăn ngon, cái mặc đẹp là chị em biết hết rồi. Bây giờ chị em chúng tôi đã bảo nhau để không bị lừa bán nữa”.

Hướng dẫn, giúp dân cải tạo đất đồi hoang để trồng cây có hiệu quả kinh tế.

Với ông Mùa Sộng Dế năm nay đã ngoài 50 tuổi nhưng nhìn lụ khụ như cụ già 70 tuổi khi đi nghe buổi tuyên truyền về phòng, chống ma túy của Biên phòng về ông chia sẻ: “Cán bộ Biên phòng nó nói đúng đấy, con ma túy nó nguy hiểm lắm, gây ra chết người đấy. Tao già rồi bây giờ tao cố gắng nhắc nhở con cháu tránh xa cái ma túy ra, có như thế mới giàu, mới sống hạnh phúc được”.

Điểm tựa cho bà con phát triển kinh tế

Đứng chân trên địa bàn xã Xín Cái, nơi có tới 69% hộ nghèo và hơn 30% hộ cận nghèo, được mệnh danh là xã “nghèo nhất, đường đi khó khăn nhất, an ninh phức tạp nhất và lạnh nhất Hà Giang” nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái đã có nhiều phong trào, mô hình, cách làm hay để giúp cho nhân dân khu vực biên giới này từng bước thoát nghèo, vươn lên cuộc sống ấm no.

Theo chân Tổ công tác của đơn vị, chúng tôi đến thăm gia đình anh Sùng Súa Lử ở thôn Xín Phìn Chư, xã Thượng Phùng. Trong căn nhà khá khang trang, cùng gian bếp dưới cạnh chuồng bò là 7 con bò đang sinh trưởng, phát triển tốt, đây là những thành quả của gia đình anh nhờ phát triển sản xuất hộ gia đình trong suốt thời gian qua với sự chung tay giúp đỡ tận tình của Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương.

Phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho người dân.

Anh Lử chia sẻ, năm 1999 anh bị đối tượng xấu dụ dỗ đi theo tà đạo “San sư khẻ tọ” và bỏ nhà đi biệt xứ. Những tháng ngày này, thiếu thốn về vật chất, xa vợ con anh đã nhận ra sai lầm của mình và trở về với gia đình. Được sự đón nhận, tha thứ của người thân và dân làng, anh còn được cán bộ Biên phòng, Công an và chính quyền địa phương đến thăm hỏi, động viên, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời trực tiếp được Bộ đội Biên phòng hướng dẫn, tạo điều kiện về mọi mặt để phát triển kinh tế, tạo cuộc sống mới. Đến nay anh cũng chính là một trong những nhân tố tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân không tin, không nghe lời kẻ xấu xúi giục, lôi kéo ở địa bàn này.

Gia đình anh Giàng Mí Pó, thôn Xín Phìn Chư, xã Thượng Phùng cũng là một gia đình thuộc diện hộ nghèo. Cuộc sống của vợ chồng anh và 3 đứa con nhỏ chỉ trông chờ vào nương trồng rộng hơn 1ha và tiền làm thuê “bữa đực, bữa cái” của anh. Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của anh Pó, Đồn Biên phòng Xín Cái và các nhà hảo tâm đã ủng hộ vợ chồng anh 1 con bò giống. Chưa dừng lại ở đó, Đồn Biên phòng Xín Cái còn hỗ trợ cho vợ chồng anh Pó hơn 200 gốc lê, trồng ở mảnh ruộng gần đường biên giới. Việc cải tạo đất trồng cây lê cũng được các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị hỗ trợ gần chục ngày công. Đến nay vườn lê nhà anh Pó đã bắt đầu bói quả. Anh hy vọng mùa lê năm nay gia đình anh sẽ được bán lê và có thu nhập để thoát nghèo.

Phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho người dân.

Để có tiền hỗ trợ các gia đình như anh Chư, anh Pó, Đồn Biên phòng Xín Cái đã trích lương và vận động các mạnh thường quân hỗ trợ 13 gia đình nghèo về cây giống, con giống. Cùng với đó là giúp hàng trăm ngày công, phối hợp với địa phương tu sửa, làm mới đường bê tông liên thôn, kênh dẫn nước và một số công trình dân sinh. Những công việc này góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới.

Đi đến đâu, chúng tôi cũng được nghe bà con kể chuyện về Bộ đội Biên phòng giúp dân từng bước xóa đói, giảm nghèo. Ở mỗi thôn, mỗi xã là một câu chuyện, một mô hình và cách làm khác nhau, nhưng đều chung một mục đích, đó là lo cho dân có cuộc sống ấm no. Với những nỗ lực ấy, chắc chắn rằng, những người lính quân hàm xanh nơi cực Bắc này sẽ chắc tay súng, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân vững chắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ vẹn toàn dải đất biên cương Tổ quốc.

Bài, ảnh: DUY KHIÊM

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/the-tran-bien-phong-o-xin-cai-746148