Thế giới chao đảo trước sự tàn phá của biến chủng Delta

Tính đến ngày 16/8, cả thế giới có tổng số gần 208 triệu ca mắc, khoảng 4,4 triệu trường hợp tử vong.

Mỹ dẫn đầu thế giới với hơn 37,4 triệu ca mắc và hơn 637,400 trường hợp tử vong, tiếp sau là Ấn Độ với 32,2 triệu ca mắc và hơn 431,200 ca tử vong, Brazil với hơn 20,3 triệu ca mắc và gần 569.000 trường hợp tử vong, theo số liệu thống kê của trang Worldometers. Tại châu Phi, số người chết vì biến chủng Delta tăng 80% so với chủng ban đầu. Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ ước tính biến chủng Delta gây ra hơn 90% số ca mắc ở nước này.

Biến chủng Delta đang biến đổi khu vực từng là nơi thành công nhất trong việc ngăn chặn COVID-19 tác động tiêu cực lên nền kinh tế. 12 tháng trước, thành tích khống chế COVID-19 nhanh chóng ở châu Á – Thái Bình Dương đã khiến thế giới phải ghen tị, khi Mỹ và châu Âu đang bị tàn phá nặng nề. Giờ đây, từ Seoul đến Sydney, Bangkok và Bắc Kinh, các biện pháp hạn chế đang được áp dụng trở lại khi tỷ lệ tiêm chủng vẫn quá chậm so với tốc độ lây lan của virus.

Ngân hàng Trung ương Úc, nơi 2/3 dân số đang chấp hành quy định hạn chế đi lại, ước tính mức độ chi tiêu của người dân giảm khoảng 15% trong giai đoạn phong tỏa. Việc Trung Quốc gần đây phải tái áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển trong nước cũng làm hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chuỗi cung ứng từ Việt Nam đến Thái Lan đang bị gián đoạn, khi những nhà máy gia công cho các nhãn hãng như Nike và Adidas phải đóng cửa, gây nguy cơ không kịp bảo đảm nguồn hàng trước mùa mua sắm quan trọng. Các chuyên gia nói rằng tình trạng đó có thể gây tác động lên toàn cầu nếu xuất khẩu của những quốc gia này tiếp tục bị gián đoạn trong dài hạn.

Biến chủng Delta đang dồn nhiều quốc gia vào chân tường và đe dọa xóa sạch thành tích chống đại dịch của các quốc gia khác trong những đợt bùng phát trước đây. Thiếu vắc-xin và chiến lược chống dịch trong những làn sóng trước giờ không còn hiệu quả cao vì tính chất lây lan nguy hiểm của biến chủng mới.

Hàn Quốc thừa nhận rằng giãn cách xã hội là không đủ. Úc đang băn khoăn vì phong tỏa vẫn không ngăn chặn được đà lây lan của virus. Singapore đề ra chiến lược tăng cường tiêm vắc-xin để dần coi COVID-19 giống như bệnh cúm mùa.

Tại Mỹ, số ca mắc COVID-19 chạm đáy vào giữa tháng 5 nhờ tốc độ tiêm chủng nhanh, nhưng giờ lại ghi nhận số ca mắc tăng chóng mặt với hơn 100.000 ca mắc mỗi ngày, khi biến chủng Delta hoành hành ở các bang có tỷ lệ tiêm phòng thấp vì người dân chống đối vắc-xin.

Ngày 13/8, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ cấp phép cho tiêm mũi vắc-xin thứ ba đối với những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương, như nhóm người phải cấy ghép nội tạng. Số người dễ bị tổn thương chiếm khoảng 3% dân số Mỹ. Biện pháp này được đưa ra vì lo ngại nhóm dễ bị tổn thương vẫn nhiễm biến chủng Delta sau khi họ đã tiêm 2 mũi.

Các quốc gia trên thế giới cũng đang thắt chặt các biện pháp phong tỏa, giãn cách và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để đối phó với biến chủng Delta.

Thái Lan, Indonesia và Thái Lan là những quốc gia cho phép tiêm trộn vắc-xin, bằng cách tiêm vắc-xin AstraZeneca hoặc Pfizer/BioNTech hoặc Moderna với vắc-xin của Sinovac để nâng cao hiệu quả bảo vệ.

Đầu tháng 8, Campuchia thông báo sẽ tiêm vắc-xin AstraZeneca bổ sung cho những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin của Sinovac hoặc Sinopharm của Trung Quốc vì lo ngại hiệu quả bảo vệ chưa đủ trước biến chủng Delta. Cơ quan quản lý dược phẩm Trung Quốc cũng đã cho phép triển khai thí điểm tiêm trộn vắc-xin COVID-19 của Sinovac với vắc-xin sử dụng công nghệ ADN của hãng công nghệ sinh học Mỹ Inovio

Hồi tháng 6, Israel ăn mừng thời điểm trở lại cuộc sống bình thường sau cuộc chiến chống đại dịch. Chương trình tiêm chủng được thực hiện nhanh chóng đã giúp giảm số ca mắc và tử vong do COVID-19. Israel bỏ yêu cầu đeo khẩu trang và bỏ tất cả quy định giãn cách xã hội. Tuy nhiên, biến chủng Delta khiến tình hình nhanh chóng xấu đi. Ngày 14/8, Bộ Y tế Israel cảnh báo số người phải nhập viện ở nước này sẽ tăng gấp đôi theo chu kỳ 10 ngày.

Chính phủ Israel dự đoán số bệnh nhân phải nhập viện đến ngày 10/9 sẽ chạm mức 4.800 người, với một nửa là nghiêm trọng. Thủ tướng Naftali Bennet chỉ đạo phải duy trì tiêm chủng suốt ngày đêm.

Tại Úc, chính sách phong tỏa được mở rộng khỏi Sydney và thủ đô Canberra để bao trùm cả bang New South Wales. Từng là điểm sáng về chống đại dịch, Úc đang chật vật đối phó khi biến chủng Delta khiến nước này trải qua giai đoạn được gọi là “những ngày đáng lo ngại nhất của đại dịch từ trước đến nay”.

Sau khi đối phó với đợt bùng phát nghiêm trọng nhất sau hơn 1 năm, Trung Quốc vừa ban hành hướng dẫn mới để yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng, kể cả ở không gian ngoài trời. Biến chủng Delta lây lan ra hơn một nửa tỉnh thành trong đợt bùng phát vừa qua đã khiến nước này bị đặt trong tình trạng báo động cao. Các biện pháp phong tỏa, xét nghiệm diện rộng và hạn chế đi lại được áp dụng lên hàng chục triệu dân. Trước đợt dịch lần này, cuộc sống ở Trung Quốc gần như đã trở lại bình thường.

Ở nhiều thành phố, người dân tham gia các hoạt động hằng ngày mà không phải đeo khẩu trang, kể cả ở những nơi tập trung đông người. Nhưng hướng dẫn mới yêu cầu đeo khẩu trang không chỉ ở không gian trong nhà và phương tiện công cộng, mà cả ở những nơi tập trung đông người ngoài trời. Trung Quốc tiếp tục tiêm vắc-xin cho nhóm trẻ em từ 12-17 tuổi, vì ngày càng nhiều trẻ em bị biến chủng Delta tấn công.

Dù bắt đầu chậm hơn, chương trình tiêm chủng vắc-xin COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU) đã bắt kịp Mỹ, nơi tình trạng chững lại trong chương trình tiêm chủng đang góp phần giúp đại dịch hoành hành trở lại.

Đến giữa tháng 2, mới có chưa đến 4% dân số của 27 quốc gia EU được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin, trong khi Mỹ đã đạt gần 12%, theo số liệu trên trang Our World in Data. Giờ đây, EU đã vượt qua Mỹ với cùng tốc độ đó, với khoảng 60% dân số trong liên minh được tiêm ít nhất một mũi, trong khi Mỹ với đạt 58%.

Tại Ý, khoảng 63% người trên 12 tuổi và người cao tuổi đã được tiêm đầy đủ. Giới chức châu Âu cho rằng thành công của Ý và các nước khác đạt được là nhờ hệ thống y tế quốc gia và niềm tin của người dân vào sự an toàn của vắc-xin. Trong khi Anh và Mỹ cấp phép khẩn cấp cho các loại vắc-xin để nhanh chóng tiến hành tiêm chủng, EU thực hiện quy trình lâu hơn để cấp phép đầy đủ, khiến các quốc gia trong khối chậm hơn vài tuần nhưng người dân cảm thấy tin tưởng hơn.

Tây Ban Nha cũng đạt được tốc độ tốt. Giữa tháng 4, khi gần 1/4 người Mỹ đã được tiêm đầy đủ, Tây Ban Nha mới đạt được 7%. Giờ đây, gần 60% trong tổng số 47 triệu dân của Tây Ban Nha đã được tiêm đủ mũi, vượt qua tỷ lệ của Mỹ. Bồ Đào Nha cho biết nước này đang trên đà đạt được tỷ lệ 70% được tiêm đầy đủ vào cuối mùa hè này, AP đưa tin.

Tại châu Á, Trung Quốc và Singapore đang dẫn đầu ở châu Á về tỷ lệ tiêm phòng, với việc tiêm đủ mũi cho hơn 60% dân số.

Theo Gulf News, hiện còn quá sớm để ước tính thiệt hại mà nền kinh tế toàn cầu phải hứng chịu do tác động của đại dịch COVID-19, mặc dù một số ý kiến cho rằng, thiệt hại có thể lên tới 12.000 tỷ USD, vượt xa tất cả những tổn thất ghi nhận trong cuộc Đại suy thoái của thế kỷ trước. Đại dịch được cho là sẽ để lại những hậu quả rất nặng nề mà phải cần rất nhiều thời gian mới có thể khắc phục được, nhất là khi đại dịch gây ra sự gián đoạn sâu sắc đối với nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, Gulf News khẳng định, triển vọng phục hồi toàn cầu có vẻ rất hứa hẹn, mặc dù vẫn còn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh khi biến thể Delta lan rộng. Ví dụ: Công nghiệp dự kiến sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn so với lĩnh vực dịch vụ; các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ có thể đã bắt đầu ghi nhận sự phục hồi, như tập đoàn hóa dầu khổng lồ SABIC của Saudi Arabia ghi nhận tăng trưởng doanh thu rất cao trong nửa đầu năm nay, nhờ giá dầu và nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tăng đáng kể…

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kỳ vọng, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay, sau khi đã giảm 4,9% trong năm ngoái. Các nền kinh tế trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) sẽ phục hồi nhanh hơn so với dự báo trước đó của IMF. Dự kiến, kinh tế thế giới sẽ chứng kiến sự phục hồi toàn diện vào cuối năm 2022.

Ngày 23/1/2020, Việt Nam ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên là hai trường hợp người Trung Quốc. Đến 16/8/2021, Việt Nam trải qua 3 đợt bùng phát dịch COVID-19 lớn, và đang đương đầu với làn sóng thứ 4 với 275.044 ca mắc và 5.774 trường hợp tử vong.

- Ngày 23/1/2020, Việt Nam chính thức bước vào cuộc chiến chống COVID-19. Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) xác nhận những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam, là hai cha con người Vũ Hán - Trung Quốc.

- Ngày 1/2/2020, một người phụ nữ 25 tuổi được xác định mắc COVID-19 tại tỉnh Khánh Hòa. Bệnh nhân tiếp xúc với một nhân viên tiếp tân và có liên quan đến 2 cha con người Trung Quốc. Đây là trường hợp truyền nhiễm đầu tiên tại Việt Nam.

- Từ ngày 13/2 đến 4/3/2020, tỉnh Vĩnh Phúc quyết định cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên.

- Ngày 6/3/2020, Hà Nội công bố ca bệnh đầu tiên, và là bệnh nhân thứ 17 tại Việt Nam.

- Ngày 10/3/2020, xuất hiện bệnh nhân tại Bình Thuận - bệnh nhân thứ 34 tại Việt Nam. Bệnh nhân từ Mỹ về sân bay Tân Sơn Nhất rồi đi xe riêng về Phan Thiết, lây nhiễm cho 11 người khác.

- Ngày 17/3/2020, Việt Nam tạm ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh.

- Ngày 20/3/2020, Bộ Y tế thông báo 2 nữ điều dưỡng của Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai mắc COVID-19, lần lượt là bệnh nhân 86 và 87 tại Việt Nam.

- Ngày 21/3/2020, Việt Nam tạm ngừng nhập cảnh khách nước ngoài.

- Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị số 16 về việc cách ly xã hội trên phạm vi cả nước trong vòng 15 ngày để phòng chống COVID-19, từ 0 giờ ngày 1/4/2020.

- Ngày 15/4/2020, việc giãn cách xã hội được kéo dài với Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh, thành có nguy cơ cao.

- Từ ngày 23/4/2020, cả nước cơ bản dừng giãn cách xã hội nhưng vẫn tiếp tục đảm bảo các quy tắc phòng chống dịch.

- Ngày 25/4/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị 19 nhằm tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

- Ngày 25/7/2020, Bộ Y tế thông báo bệnh nhân thứ 416 phát hiện tại Đà Nẵng nhưng không truy được nguồn lây nhiễm. Bệnh viện C Đà Nẵng được phong tỏa.

- Ngày 26/7/2020, Bộ Y tế thông báo xác nhận bệnh nhân thứ 418. Bệnh viện Đà Nẵng được phong tỏa.

- Ngày 27/7/2020, xác nhận thêm 11 bệnh nhân tại Đà Nẵng. TP Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 28/7.

- Từ ngày 31/7/2020, Việt Nam bắt đầu ghi nhận những ca tử vong đầu tiên.

- Từ ngày 7/9/2020, dịch bệnh tiếp tục kiểm soát tốt; hoạt động của máy bay, tàu lửa, ô tô đi, đến Đà Nẵng được khôi phục.

- Từ ngày 11/9/2020, Đà Nẵng nới lỏng giãn cách xã hội.

- Ngày 15/9/2020, chính thức nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế.

- Ngày 27/1/2021, làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 3 tại Việt Nam bắt đầu, khi có 2 ca lây nhiễm cộng đồng được phát hiện ở Hải Dương và Quảng Ninh.

- Ngày 28/1/2021 có thêm 91 ca lây nhiễm cộng đồng, ngày 29/1 thêm 61 ca.

Sau đó, lây nhiễm cộng đồng đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố khác của Việt Nam.

-Bùng phát từ ngày 27/4/2021 đến nay, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 ở Việt Nam được đánh giá là khốc liệt hơn gấp nhiều lần so với 3 đợt dịch trước. Nguyên nhân là do Delta – biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh, mạnh và đáng sợ nhất mặt đã xuất hiện tại nhiều nơi.

-Ngày 26/7/2021, Việt Nam vượt 100.000 ca mắc COVID-19.

Trong ba giai đoạn đầu của dịch, Việt Nam kiểm soát dịch chỉ với gần 3.000 trường hợp mắc bệnh. Tuy nhiên, trong đợt dịch lần thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4, đến 12/6, Việt Nam đã cán mốc hơn 10.000 trường hợp mắc bệnh COVID-19. Gần 1 tháng sau, vào ngày 5/7, Việt Nam vượt ngưỡng 20.000 trường hợp mắc COVID-19.

Chỉ 1 tuần sau, vào ngày 12/7, Việt Nam đã ghi nhận thêm hơn 10.000 ca bệnh, với tổng số là 32.119 ca mắc COVID-19.

- Từ 12 - 18/7, Việt Nam đã ghi nhận thêm hơn 20.000 trường hợp mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên tới 50.000 trường hợp.

- Từ 18/7 đến nay, số trường hợp mắc mới COVID-19 vẫn không ngừng gia tăng nhanh chóng với con số mắc kỷ lục gần 10.000 ca mỗi ngày.

- Ngày 26/7, Việt Nam ghi nhận vượt ngưỡng 100.000 trường hợp mắc COVID-19 trên toàn quốc. Số lượng ca mắc mới tăng gấp đôi, với hơn 50.000 ca bệnh chỉ trong vòng 8 ngày.

- Tính đến sáng 16/8, Việt Nam có tổng cộng 275.044 ca mắc và 5.774 trường hợp tử vong.

Chính phủ và các bộ, ngành, các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp, đáng chú ý nhất là thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg19 tại 19 tỉnh/thành phố phía Nam. Thủ đô Hà Nội cũng đã áp dụng biện pháp này từ 24/7.

Bộ Y tế đã điều động gần 7.000 nhân lực của Trung ương và địa phương chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, thiết lập kho dã chiến để hỗ trợ các địa phương khi vượt quá khả năng.

Nỗ lực giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19 nguy kịch. VIDEO: Ngô Bình

Theo Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, các địa phương cần đánh giá công tác triển khai, kết quả, những điểm chưa làm được, làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó thống nhất về nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo, giải pháp. Tình hình mới phải có cách tiếp cận mới, nhiệm vụ mới, giải pháp mới để triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, khắc phục những điểm yếu, ở tất cả các phương diện, ngành, lĩnh vực.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, qua điều tra dịch tễ, truy vết, các tỉnh đã xác định được phần lớn nguồn lây; số ca mắc mới gia tăng do các địa phương tăng tốc lấy mẫu và xét nghiệm với số mẫu lớn tại các khu vực nguy cơ, khu cách ly, phong tỏa.

Tuy nhiên, công tác triển khai các biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 16 ở một số địa phương, một số cơ quan còn chưa nghiêm, nhất là tại một số nơi người dân vẫn còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước diễn biến dịch bệnh.

Công tác chuyên môn chống dịch như tổ chức truy vết, xét nghiệm, triển khai tổ COVID-19 cộng đồng, cách ly, giám sát, điều trị, hậu cần... đã được nâng cao, điều phối hiệu quả hơn so với thời gian trước đó. Tuy nhiên, điều này chưa đáp ứng được so với tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh, cần tiếp tục được tăng cường năng lực hơn nữa trong thời gian tới.

Theo Phó giáo sư Trần Đắc Phu, với biến chủng này, y tế các địa phương phải giữ chiến lược theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc, số trường hợp tử vong (tốt nhất không để xảy ra tử vong). Nếu không giảm được số mắc thì rất khó khăn trong can thiệp y tế, thậm chí đã có quốc gia “vỡ trận” hệ thống y tế do số mắc quá cao, dẫn tới số tử vong cũng rất cao.

Để thực hiện hiệu quả chiến lược, Phó giáo sư Trần Đắc Phu cho rằng phải duy trì chiến lược ngăn chặn - phát hiện (gồm truy vết và xét nghiệm) - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, trong từng cách làm có thể khác nhau, phù hợp với từng địa bàn. Mức độ lây nhiễm có thể khác nhau giữa các tỉnh, thành phố, thậm chí khác nhau giữa các huyện trong một tỉnh, các xã trong một huyện, dựa trên đánh giá nguy cơ.

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành, các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp trong phòng chống dịch COVID-19, trong đó, một trong những giải pháp hiệu quả là giải quyết 3 “tại chỗ” trong khu công nghiệp, để ổn định sản xuất…

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 79/NQ-CP về mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng chống COVID-19. Đây là một Nghị quyết mang tính đột phá, thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ trong vấn đề kịp thời mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế đề xuất, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16; thường xuyên cập nhật đánh giá các mức độ nguy cơ để áp dụng các biện pháp đáp ứng phù hợp. Các địa phương cần tiếp tục quyết liệt huy động toàn bộ lực lượng triển khai các biện pháp ngăn chặn, giảm mắc, giảm tử vong, đồng thời bảo vệ hiệu quả các vùng, khu vực đang được kiểm soát tốt. Trước mắt, cần ưu tiên chống dịch; tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo an sinh, trật tự xã hội, lưu thông hàng hóa, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, hỗ trợ người lao động…

Các chuyên gia đều cho rằng để đẩy lùi dịch bệnh một cách nhanh nhất, Việt Nam phải đẩy mạnh tiêm phòng vắc-xin COVID-19 cho người dân. Đây cũng là giải pháp căn cơ, vì hiện nay chỉ có vắc-xin mới là biện pháp bền vững phòng chống dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Thực hiện kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, từ đầu năm 2020, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt chiến lược vắc-xin trên toàn diện các lĩnh vực: Mua, nhập khẩu, nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất trong nước và tổ chức tiêm”.

Theo đó, thỏa thuận cung ứng vắc-xin đầu tiên được ký kết vào tháng 9/2020 từ Covax với 38,9 triệu liều; tháng 11/2020 hợp đồng được ký với Astra Zeneca với 30 triệu liều; các hợp đồng cam kết thỏa thuận được ký kết với Pfizer, với Nga, và một số nước khác.

Nỗ lực tiếp cận và ngoại giao vắc-xin được thúc đẩy mạnh mẽ với hàng loạt cuộc đàm phán trao đổi trong các cuộc gặp song phương, đa phương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đã có nhiều kết quả khả quan. Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có các cam kết, thỏa thuận, hợp đồng và nhận được nhiều nguồn viện trợ của Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Anh và các nước khác với số lượng trên 130 triệu liều, đang nỗ lực đàm phán ký kết trên 40 triệu liều để nâng tổng số lên 170 triệu liều vào năm 2021.

Ngày 12/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng COVID-19 để tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất vắc-xin phòng COVID-19 ở trong nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đã chỉ đạo quyết liệt; nhân dân hết sức quan tâm việc triển khai chiến lược vắc-xin. Để có vắc-xin tiêm cho người dân nhiều, nhanh nhất có thể, chúng ta đã thực hiện đồng bộ “kiềng ba chân” gồm mua và nhập khẩu; chuyển giao công nghệ để sản xuất; nghiên cứu, sản xuất trong nước. Trong đó, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin trong nước có vai trò rất quan trọng. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được người dân rất trông đợi.

Về nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ vắc-xin, vào quý 1 năm 2021, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập, nuôi cấy virus mở đường cho nghiên cứu vắc-xin; là quốc gia đầu tiên trong Đông Nam Á tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3. Đến tháng 8/2021, mũi tiêm thứ 2 sẽ hoàn thành cho các đối tượng nghiên cứu và sẽ thực hiện việc đăng ký theo quy định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt cho việc lãnh đạo, chỉ đạo để sản xuất bằng được vắc-xin phòng COVID-19 trong nước nhanh nhất, sớm nhất có thể. Thủ tướng giao các bộ, cơ quan liên quan cần hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để trình Quốc hội xem xét, quyết định, giải quyết những vấn đề pháp lý đặt ra trong sản xuất công nhận vắc-xin trong nước.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, qua thực tiễn diễn biến tình hình và công tác chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua, có thể rút ra các bài học kinh nghiệm.

Thứ nhất, là công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đúng hướng, toàn diện, hiệu quả đồng thời chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Sự lãnh đạo trong các cấp ủy rất sát với tình hình thực tế, cụ thể tại một số địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa…

Thứ hai, là sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; huy động toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị tại cơ sở phải tham gia trực tiếp, đóng vài trò quan trọng trong phòng, chống dịch; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các lực lượng.

Thứ ba, là việc quyết định các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ từ sớm là cần thiết nhưng phải dứt khoát, triệt để, nhằm kịp thời ngăn chặn tốc độ lây lan, giảm tác động của đại dịch đối với sức khỏe của người dân, hệ thống y tế và phát triển kinh tế - xã hội.

Các khu vực giãn cách, phong tỏa phải thực hiện nghiêm, thực chất, chắc chắn, hiệu quả; không để tình trạng “chặt ngoài lỏng trong” để nhanh chóng kiểm soát, ổn định tình hình dịch, không để dịch kéo dài gây ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội, an toàn trật tự xã hội.

Thứ tư, là kiên định các giải pháp chuyên môn kỹ thuật đồng thời chủ động, linh hoạt các giải pháp trong truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị phù hợp tình hình thực tiễn; nhất là chiến lược về xét nghiệm để phát hiện và nhanh chóng các trường hợp nhiễm ra khỏi cộng đồng; chủ động các phương án và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đưa vào vận hành ngay các cơ sở thu dung, điều trị khi số ca mắc tăng cao; thường xuyên nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trong xét nghiệm, điều trị.

Thứ năm, là chủ động trong công tác hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ, nhất là tại cơ sở; chuẩn bị các phương án ở mức cao trong mua sắm, huy động các nguồn lực phòng, chống dịch, không để lúng túng khi dịch bùng phát; đảm bảo việc tổ chức và điều phối hiệu quả nguồn lực (về nhân lực y tế, vật tư, trang thiết bị…); tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế hỗ trợ các nguồn lực cho phòng, chống dịch, nhất là đối với chiến lược “ngoại giao vắc-xin”.

Thứ sáu, là công tác truyền thông cần có sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền các tấm gương tốt, điển hình, cách làm hay trong phòng, chống dịch; kịp thời ngăn chặn các thông tin xấu, sai sự thật, các thông tin giả mạo gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của lực lượng chống dịch và gây hoang mang, lo lắng cho người dân.

Linh Anh - Thu Loan - Tùng Dương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/the-gioi-chao-dao-truoc-su-tan-pha-cua-bien-chung-delta-post1366260.tpo