Thầy giáo sáng tạo trong dạy học, luyện thi học sinh giỏi
Với thầy giáo Quách Xuân Phương, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, ngoài việc sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại, tích cực, thầy còn có những đổi mới trong bồi dưỡng học sinh giỏi môn Địa lý, giúp thành tích bộ môn này của tỉnh đạt kết quả cao.
![Giờ học Địa lý sôi nổi, tích cực của các học sinh lớp 10 Anh 2, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_294_51410439/5b55399301dde883b1cc.jpg)
Giờ học Địa lý sôi nổi, tích cực của các học sinh lớp 10 Anh 2, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn.
Trong giờ học Địa lý lớp 10, với chủ đề “sông ngòi”, mở đầu bài giảng, thầy Phương cho cả lớp chia thành các nhóm để thiết kế các sơ đồ tư duy theo gợi ý, giúp các em học sinh cùng hướng đến các "từ khóa" của bài học. Các học sinh trong lớp phấn khởi làm việc nhóm, cùng tranh luận để cho ra đáp án tốt nhất. Sau khi các em thảo luận xong, thầy Phương từng bước đưa ra những kiến thức cần truyền đạt và khái quát toàn bộ bài học “sông ngòi” cho học sinh.
Em Nguyễn Thị Phi Yến, lớp 10 Anh 2 Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn vui vẻ cho biết: "Giờ học của thầy Phương luôn là giờ học mà các bạn trong lớp được tích cực tranh luận ý kiến nhiều nhất, thầy cho cả lớp xem rất nhiều tranh ảnh, bản đồ bằng các phần mềm trên máy tính. Thay vì kiểm tra bài cũ lấy điểm vào đầu giờ, thầy cho điểm chúng em khi có những câu trả lời hay ngay trong bài học. Đối với mỗi bài học thầy dạy, kiến thức dễ nhớ, chỉ cần xem lại sơ đồ tư duy là gần như có thể nhớ toàn bộ nội dung bài học".
Để có những giờ học tích cực như vậy, thầy Phương dành phần lớn thời gian lên sơ đồ tư duy, tìm kiếm từ khóa quan trọng giúp học sinh cô đọng kiến thức, đồng thời phát huy tính sáng tạo, chủ động của các em trong học tập, nghiên cứu, tìm tài liệu và trình bày ý kiến của mình trước đám đông. Ngoài ra, thầy Phương còn ứng dụng các phần mềm, ứng dụng địa lý trực tuyến, tổ chức các hoạt động thực hành, trải nghiệm… Các em học sinh giao lưu tương tác kiến thức lẫn nhau, khiến giờ học trở nên tích cực, hấp dẫn.
Thầy Phương bộc bạch: “Học sinh ngày nay rất thông minh, sáng tạo. Bản thân tôi cũng phải thường xuyên đổi mới, sáng tạo, cập nhật kiến thức để giảng dạy, đó là cách giáo dục toàn diện hiện nay. Bài học càng gần gũi dễ hiểu, các em sẽ càng thêm yêu thích môn học”.
Trong việc ôn luyện cho học sinh giỏi tham dự các kỳ thi cấp tỉnh, quốc gia, thầy Phương có rất nhiều bí quyết riêng: Đầu tiên là sơ đồ tư duy trong quá trình ôn luyện kiến thức; sau đó là phát triển kỹ năng phân tích, đánh giá, nhìn nhận, giải thích và khái quát vấn đề đặt ra. Tùy từng em học sinh có những kiến thức nhất định mà thầy có những cách ôn luyện cụ thể. Đề thi của kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia mang tính mở, sáng tạo, yêu cầu mức độ vận dụng cao trên nền kiến thức chuẩn nên các kiến thức ôn luyện cũng mang tầm cao hơn.
![Thầy giáo Quách Xuân Phương (trái) được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa khen thưởng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_294_51410439/f18b974daf03465d1f12.jpg)
Thầy giáo Quách Xuân Phương (trái) được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa khen thưởng.
Thầy Phương đưa ra ví dụ, để làm được đề bài phân tích thế mạnh và hạn chế đối với phát triển thủy sản ở Nam Trung Bộ, việc cần làm đầu tiên là lập dàn bài dựa trên kiến thức cốt lõi từ sách giáo khoa, đặc biệt là những kiến thức mở rộng mà các em đã được học từ sách, vở, phương tiện truyền thông và thực tiễn tự nhiên. “Đề thi mở, đòi hỏi học sinh phải xử lý theo hướng mở. Để xử lý hướng mở như đã nói, đòi hỏi học sinh với giáo viên trong giờ ôn luyện phải luôn tương tác với nhau. Giáo viên như một đầu tàu điều phối cho đoàn tàu chạy đúng đường ray, có hiệu quả”, thầy Phương chia sẻ.
Hiệu quả của các phương pháp này thể hiện qua việc học sinh đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra, bài thi và các cuộc thi học sinh giỏi môn Địa lý. Trong các năm học 2022 - 2023, 2023 - 2024, thầy Phương đã tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, giúp các em mang về tổng cộng 25 giải thưởng cấp tỉnh và quốc gia. Trong đó, đặc biệt năm học 2023 - 2024, sau nhiều năm chờ đợi, học sinh tỉnh Khánh Hòa giành 1 giải Nhất quốc gia môn Địa lý. Còn ở Kỳ thi Olympic truyền thống 30/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2022 - 2023, nhà trường đoạt 3 Huy chương Bạc (100% học sinh dự thi đều có huy chương).
Tiếp tục công cuộc đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, thầy Phương vẫn miệt mài thử nghiệm, hướng tới việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra những tài liệu giảng dạy, đặc biệt là hình ảnh, clip sinh động để giải thích các hiện tượng địa lý; đẩy mạnh việc dạy học bằng việc giao dự án, đa dạng hình thức chấm điểm, nâng cao kiến thức chuyên sâu để bồi dưỡng cho đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường, của tỉnh.
Sinh ra và lớn lên ở một tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ, từ nhỏ, thầy Quách Xuân Phương đã có niềm yêu thích với Địa lý. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp đại học, dù có công việc tại quê nhà nhưng thầy đã đến Khánh Hòa lập nghiệp để có thêm nhiều hiểu biết về vùng đất ở Nam Trung Bộ. Sau 5 năm giảng dạy tại Trường Trung học phổ thông Trần Quý Cáp (thị xã Ninh Hòa), năm 2011, với những thành tích của mình trong dạy học, thầy Phương được điều chuyển về công tác tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn đến nay.
Thầy Huỳnh Bá Lộc, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn cho biết, thầy Quách Xuân Phương là người có uy tín về chuyên môn, luôn có trách nhiệm trong công tác. Thầy Phương là Chủ nhiệm đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh và trực tiếp tham gia giảng dạy. Thầy rất tận tình trong mỗi bài dạy cho các em học sinh. Dẫu nhà trường không có lớp chuyên Địa nhưng với sự dày công bồi dưỡng của thầy Phương, các lớp học sinh của nhà trường và tỉnh đã có những thành tích cao trong Cuộc thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý. Với những thành tích đạt được, mới đây, thầy Phương đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc đột xuất trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý giảng dạy và học tập” năm học 2023 - 2024.